Sunday, June 10, 2018

Nộp đơn kiện từ 10 năm trước tòa không giải quyết, nay tòa gửi giấy triệu tập, tính sao?

Hỏi: Kính gửi Quý luật sư Ecolaw. Chúng tôi là một doanh nghiệp có trụ sở tại Bình Dương. Năm 2004, chúng tôi có xây dựng một nhà xưởng và thuê một doanh nghiệp tại TP.HCM thi công (tạm gọi là công ty A). Do chất lượng thi công không đạt nên hai bên có xảy ra tranh cãi. Khi đó, công ty tôi đã nộp đơn khởi kiện công ty A ra Tòa kinh tế TAND TP.HCM và tòa án đã thụ lý đơn từ tháng 7/2005, sau khi công ty chúng tôi nộp tiền tạm ứng án phí. Sau đó chờ hoài không thấy Tòa mời làm việc, hai bên công ty tôi và công ty A đành liên hệ với nhau và đạt được thỏa thuận (trừ một phần chi phí xây dựng). Suốt 10 năm qua Tòa án không hề liên lạc gì với chúng tôi, nhưng bất ngờ mới đây đầu tháng 6/2015 Tòa kinh tế TAND TP.HCM gửi "Giấy triệu tập đương sự", mời công ty đến để "làm việc về vụ án nói trên". Công ty chúng tôi cảm thấy bất ngờ và không biết nên giải quyết như thế nào cho ổn thỏa. Vì vụ án đã quá lâu không thấy giải quyết gì, trong khi chúng tôi đã tự giải quyết xong, xem như không còn nhu cầu khởi kiện nữa. Rất mong quý luật sư tư vấn giúp trong trường hợp này công ty nên giải quyết như thế nào là hợp lý và đúng luật? Nếu chúng tôi không lên làm việc với Tòa theo giấy triệu tập thì có bị phạt gì không? Xin chân thành cám ơn (H. K.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Qua Giấy triệu tập đương sự mà anh gửi đến cho chúng tôi, cho thấy công ty của anh là bên "nguyên đơn" và đúng là vụ án này đã được Tòa kinh tế TAND TP.HCM thụ lý từ tháng 7/2005. Tức đến nay đã 10 năm.

Theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự (quy định về trình tự, thủ tục giải quyết các vụ tranh chấp dân sự, kinh tế ....vv), thì thời gian giải quyết một vụ án nói chung khoảng 4 tháng kể từ ngày thụ lý. Trên thực tế rất nhiều vụ án kéo dài trong nhiều năm vẫn chưa giải quyết xong vì nhiều lý do (gọi là án tồn, án quá hạn), gây phiền phức, khó khăn và thiệt hại cho tất cả các bên. Nói chung là đúng y như câu ông bà hay nói "vô phúc đạo tụng đình", cái gì đã đến Tòa án, thì rất là phiền phức, mệt mỏi. Tuy nhiên thông thường thì cũng khoảng vài ba năm là giải quyết xong (kể cả cấp sơ thẩm, phúc thẩm).

Việc suốt 10 năm trời mà Tòa không triệu tập các bên lên giải quyết vụ án (tiến hành lấy lời khai, xác minh yêu cầu, định giá, hòa giải, xét xử sơ thẩm ...), có thể nói là đã vi phạm quy định về tố tụng. Thậm chí là sự thiếu trách nhiệm. (Vì Tòa án có trách nhiệm giải quyết các vụ án mà mình thụ lý trong thời hạn luật định. Mà ở đây Tòa đã không giải quyết, không làm gì cả!).

Qua việc sau 10 năm, nay Tòa bất ngờ gửi giấy triệu tập tới công ty anh, tôi cho rằng có thể là do Tòa "ngẫu nhiên" lục lại hồ sơ cũ, và đã tình cờ "phát hiện" ra vụ án này còn tồn, chưa giải quyết. Nhiều khả năng chính Tòa cũng không biết sự việc hiện nay ra làm sao. Muốn "xếp lại" thì cũng không đúng luật, cho nên Tòa gửi giấy triệu tập theo kiểu hú họa, để xem đương sự phản ứng ra sao, rồi thì ... tính tiếp! (theo luật).

Sở dĩ tôi nói như vậy, là vì năm 2013, chính văn phòng chúng tôi cũng từng nhận được một giấy triệu tập (của một khách hàng), trong một vụ án kinh tế, cũng tại Tòa này (nộp đơn kiện từ năm 2004, đến năm 2013 gửi giấy triệu tập).

Theo thông tin anh nêu, thì từ lâu hai bên đã đạt được thỏa thuận với nhau, tức là nay không còn tranh chấp, kiện tụng nữa. Do vậy nói một cách cụ thể, là công ty anh không còn nhu cầu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp (như trong Đơn khởi kiện) nữa.

Theo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự, phía nguyên đơn có quyền rút đơn khởi kiện (không kiện nữa) - bất kể vì lý do gì và bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình giải quyết vụ án.

Như vậy, tức là lẽ ra trước đây công ty anh có thể gửi Đơn rút đơn khởi kiện đến Tòa án, để Tòa ra Quyết định đình chỉ vụ án. Xem như kết thúc vụ án. Nhưng do công ty anh đã không làm như vậy, mà Tòa cũng không triệu tập các bên, nên mới dẫn đến tình trạng như hiện nay.

Về hướng giải quyết, công ty anh có thể và nên cử đại diện lên làm việc với Tòa án theo Giấy triệu tập. Khi đó mình cũng sẽ thông báo cho Tòa biết về việc hai bên đã tự giải quyết tranh chấp với nhau và đề nghị Tòa hướng dẫn và thực hiện thủ tục rút đơn kiện. Đây có thể xem là con đường "hợp thức hóa" kết thúc hồ sơ vụ án đúng luật và gọn gàng. Cũng là "an toàn" về mặt trách nhiệm cho Tòa.

Còn trường hợp công ty anh không có mặt (không lên làm việc) tại Tòa thì thực ra cũng không sao. Thậm chí có thể xem việc vắng mặt này là "quyền" của phía nguyên đơn. Theo quy định, nếu Tòa gửi giấy triệu tập 2 lần mà phía nguyên đơn vẫn vắng mặt không lý do, thì Tòa sẽ ra Quyết định tạm đình chỉ vụ án. Có thể xem đây là tình huống "treo vô thời hạn" vụ án, một cách đúng luật.

Riêng về việc anh băn khoăn là liệu có bị phạt nếu công ty không tới làm việc với Tòa theo giấy triệu tập thì xin nói luôn là "không". Nói chung trong thủ tục tố tụng dân sự, nếu các bên không có mặt hay không thực hiện một công việc, nội dung nào đó - theo yêu cầu của Tòa án, thì không bị phạt, nhưng sẽ phải gánh chịu "hậu quả pháp lý" từ hành vi của mình. Có thể sẽ là sự bất lợi, liên quan đến kết quả giải quyết vụ án. Chứ hành vi "vắng mặt" của nguyên đơn không bị xem là hành vi vi phạm hành chính, nên không bị xử phạt. www.ecolaw.vn

----------------------

Bài liên quan:


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.   
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh 
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn