Số tiền 5 triệu yen mà chị Hồng tìm thấy trong thùng loa cũ - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ
--------------
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP HCM):
Hai hướng giải quyết
Việc xử lý 5 triệu yen trong loa thùng cũ mà chị Huỳnh Thị Ánh Hồng mua được trong quá trình mưu sinh gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua, theo tôi, nguyên nhân bắt nguồn từ những quy định pháp luật.
Hai vấn đề pháp lý lớn gây tranh cãi hiện nay là số tiền 5 triệu yen này được xác định là loại tài sản gì? Thẩm quyền xử lý thuộc về cơ quan nào? Cả hai vấn đề này đều rất quan trọng, mọi quyết định vội vàng có thể để lại những hậu quả pháp lý nghiêm trọng, phát sinh khiếu nại, tố cáo, tranh chấp kéo dài.
Theo quy định của Bộ Luật Dân sự (BLDS), tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Tuy nhiên, BLDS chỉ quy định quyền chiếm hữu đối với vật vô chủ, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước di chuyển tự nhiên... mà không có quy định đối với tiền vô chủ, tiền bị đánh rơi hay chiếm hữu tiền trong các trường hợp tương tự.
Theo đó, sẽ phát sinh các trường hợp sau: Nếu số tiền này không được xem là “vật” thì không căn cứ pháp lý để xử lý vì chưa ai có quyền chiếm hữu để có thể vận dụng điều 247 BLDS. Nếu xem số tiền đó là “vật” thì số tiền này là vật vô chủ, không xác định được chủ sở hữu hay vật do người khác đánh rơi, bỏ quên? Nếu xác định là vật vô chủ hoặc không xác định được chủ sở hữu thì người tìm thấy sẽ được hưởng 100%, ngược lại người này chỉ được hưởng một phần theo quy định. Số tiền này là ngoại tệ, do đó cần phải xem xét nguồn gốc của nó có hợp pháp hay không? Nếu không xác định được chủ sở hữu và không tìm thấy bất cứ chứng từ nào liên quan đến số tiền này, có xem là ngoại tệ có nguồn gốc bất hợp pháp không?
Về thẩm quyền xử lý, nếu giao Sở Tài chính, cần phải xác định được số tiền đó là vật bị chôn giấu, chìm đắm; nếu giao tòa án, phải xem đó việc dân sự (vì chưa xác định được người bị kiện); nếu giao công an thì không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này vì về bản chất đây là một vụ việc dân sự, cơ quan công an không có quyền đi chứng minh, thẩm định chứng cứ dân sự để có quyết định xác lập quyền sở hữu tài sản đó cho ai.
Như vậy, để vụ việc có điểm kết, thiết nghĩ các cơ quan chức năng chọn một trong hai cách sau đây để giải quyết:
Một là, cơ quan công an mạnh dạn giao số tiền này cho người thụ hưởng căn cứ theo quy định nào có cơ sở chắc chắn nhất. Trong trường hợp này, theo tôi, là xử lý số tiền căn cứ theo khoản 2 điều 241 BLDS (Xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên) là phù hợp nhất. Nếu chị Hồng thấy quyền lợi mình chưa thỏa đáng, có quyền khiếu nại, khởi kiện ra tòa án. Tương tự, nếu chồng bà Phạm Thị Ngọt cho rằng quyền lợi mình bị xâm phạm thì có quyền khởi kiện người đang thụ hưởng số tiền này ra tòa án để được giải quyết.
Hai là, căn cứ vào Hiến pháp, các cơ quan chức năng cần có đơn kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để được giải thích luật nhằm làm sáng tỏ các vấn đề nói trên. Giải pháp này sẽ rút ngắn được thời gian giải quyết, đồng thời làm cơ sở để giải quyết những quan hệ tương tự.
---------------------
9 năm nữa 'tỉ phú ve chai' mới được nhận 5 triệu yen?
Theo ý kiến của luật sư (LS) Nguyễn Tấn Thi, chị Hồng "ve chai" cần phải chờ thêm 9 năm nữa thì trở thành chủ của 5 triệu yen nếu không có ai tranh chấp và chứng minh được mình là chủ sở hữu.
Liên quan đến vụ chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (người được biết đến với biệt danh “tỉ phú ve chai” vì phát hiện đươc 5 triệu yen trong thùng loa phế liệu) đã có nhiều ý kiến của giới LS và chuyên gia pháp lý nhưng vẫn chưa ngã ngũ.
Ngày 10.5, Thanh Niên Online nhận được ý kiến của LS Nguyễn Tấn Thi (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích ở một góc cạnh khác, về tính chất của 5 triệu yen.
Theo đó, LS Thi cho rằng để xác định điều luật nào điều chỉnh đến đối tượng nào thì cần xác định tính chất của đối tượng đó là gì.
“Phải xác định 5 triệu yen là gì? Hầu hết các ý kiến cho rằng là vật, từ đó áp dụng quy định đối với vật bị đánh rơi, bỏ quên, vật vô chủ… Tuy nhiên, điều hiển nhiên ai cũng biết 5 triệu yen là tiền. Điều 163 Bộ luật Dân sự (BLDS) về tài sản đã ghi rõ: tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tác giả. Vậy 5 triệu yen là tiền chứ không phải là vật, vậy tại sao chúng ta cứ lấy quy định đối với vật để áp dụng trong trường hợp này”, LS Thi đặt vấn đề.
LS Thi cũng cho biết, tiền là một tài sản được xác định hoàn toàn khác hẳn với vật. Chị Hồng phát hiện được 5 triệu yen trong thùng loa cũ và chiếm hữu nó là hoàn toàn ngay tình, chị cũng đã công khai. Do đó, đây là trường hợp sẽ được xác lập quyền sở hữu tài sản theo khoản 7, Điều 170, tức chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai phù hợp với thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều, 247 BLSD. Trong khi đó, khoản 1, Điều 247 BLDS quy định:
“Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ khi chiếm hữu…”. Sau khi tài sản được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu thì quyền sở hữu của chủ sở hữu sẽ chấm dứt.
“Theo quy định tại Điều 174 BLDS thì tiền được phân loại là động sản. Do đó, người chiếm hữu ngay tình, công khai, liên tục 10 năm thì mới trở thành chủ sở hữu. Cụ thể, chị Hồng cần phải chờ thêm 9 năm nữa thì trở thành chủ của 5 triệu yen nếu không có ai tranh chấp và chứng minh được mình là chủ sở hữu. Trong trường hợp này, cơ quan công an cần trả số tiền cho chị Hồng nhưng chị chưa được sở hữu nên chưa được sử dụng và định đoạt. Vì vậy, cần phải mở một tài khoản phong tỏa tại ngân hàng đợi đến hạn mới được nhận”, LS Thi nói.
Vấn đề pháp lý ở đây là cơ quan nào sẽ quản lý hay giám sát tài sản trong trường hợp chờ xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu. LS Thi cũng đề xuất nên chăng cần bổ sung thêm chức năng, thẩm quyền này cho tòa án, và cần được nghiên cứu để sửa đổi bổ sung Bộ luật Tố tụng Dân sự cho phù hợp.
------------------------
Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM):
"Tiền” hay là “vật”?
Gần đây có ý kiến gây sốc về vụ chị Huỳnh Thị Ánh Hồng và 5 triệu yen của một luật sư đăng công khai trên báo chí. Theo đó, ý kiến của vị luật sư này cho rằng nên nhìn nhận 5 triệu yen với tính chất là “tiền chứ không phải vật”. Và một khi 5 triệu yen là tiền (điều 163 Bộ luật dân sự) và chị Hồng “đang chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai” 5 triệu yen nên tác giả đề nghị áp dụng khoản 7 điều 170 và khoản 1 điều 247 Bộ luật dân sự, theo đó chị Hồng cần phải đợi chín năm sau thì mới được công nhận quyền sở hữu số tiền này và mới được nhận lại tiền.
Theo chúng tôi thì quan điểm này cần phải xem lại.
Thứ nhất, 5 triệu yen là tiền nhưng là đồng tiền Nhật Bản, là ngoại tệ. Theo điểm iv, điều 6 Luật thương mại nước ngoài và ngoại hối Nhật Bản, “ngoại tệ là bất kỳ đồng tiền nào khác với đồng tiền Nhật Bản”; theo điểm a khoản 1 điều 6 Luật ngân hàng nhà nước VN thì “đồng tiền của quốc gia khác... được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực sau đây gọi là ngoại tệ”; theo điều 22 pháp lệnh ngoại hối thì “trên lãnh thổ VN mọi giao dịch, thanh toán... không được thực hiện bằng ngoại hối”; theo khoản 1 điều 9 Luật sửa đổi bổ sung Luật ngân hàng nhà nước số 10/2003 thì “tiền tệ là phương tiện thanh toán”.
Tiền yen hay bất kỳ ngoại tệ nào hoàn toàn không được xem là tiền theo luật VN vì nó không phải là phương tiện thanh toán. Mà nếu nó không phải là phương tiện thanh toán (tiền) thì chỉ xem nó như một loại tài sản theo khoản 2 điều 174 Bộ luật dân sự. Do đó không thể áp dụng điều 163 Bộ luật dân sự xem nó là “tiền” như ý kiến trên viện dẫn.
Thứ hai, khi áp dụng khoản 1 điều 247 Bộ luật dân sự, quan điểm trên đã có sự nhầm lẫn khi cho rằng chị Hồng “đang chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai” (số tiền 5 triệu yen) và phải tiếp tục đợi chín năm nữa thì mới được Nhà nước công nhận quyền sở hữu.
Thực tế chị Hồng không hề có sự “đang chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai” đối với 5 triệu yen, bởi vì sau khi phát hiện 5 triệu yen, chị đã chủ động mang lên nộp cho cơ quan chức năng theo đúng quy định tại khoản 2 điều 239 Bộ luật dân sự và bên “đang chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai” là cơ quan chức năng. Cứ theo ý tác giả thì sau chín năm bên “đang chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai” được công nhận quyền sở hữu và chị Hồng tuy không là bên “đang chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai” nhưng sẽ được nhận tiền.
Điều này quả thật phi lý!
Chỉ có hợp lý và hợp tình nhất trong vụ 5 triệu yen này, theo chúng tôi, là cơ quan chức năng nên áp dụng khoản 2 điều 239 Bộ luật dân sự, nội dung: “Trong trường hợp vật không xác định được ai là chủ sở hữu... thì sau một năm kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện”.
Tính từ ngày thông báo công khai 28-4-2014 đến nay đã quá một năm mà số tài sản 5 triệu yen vẫn không xác định được chủ sở hữu thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm bàn giao toàn bộ số tài sản trên và công nhận quyền sở hữu 5 triệu yen cho chị Huỳnh Thị Ánh Hồng.
Điều này cũng phù hợp với luật pháp của một số nước phát triển về “quyền sở hữu của động sản vô chủ sẽ được xác lập bằng việc chiếm hữu như chủ sở hữu” (khoản 1 điều 239 Bộ luật dân sự Nhật) hay “trong vòng ba tháng kể từ ngày đăng thông báo công khai theo quy định tại Luật tài sản bị mất, người tìm được tài sản bị mất sẽ trở thành chủ sở hữu” (điều 240 Bộ luật dân sự Nhật).
----------------------
Cập nhật 12/5/2015:
Công an chưa biết khi nào giải quyết xong
Công an Q.Tân Bình nói do phát sinh tình tiết bà Ngọt cho rằng 5 triệu yen Nhật là của chồng bà, nên công an chưa thể giải quyết vụ việc trong thời hạn 1 năm.
Sáng ngày 12-5-2015, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng (36 tuổi, tạm trú ở hẻm 84 Trần Văn Quang, P.10, Q.Tân Bình), người phát hiện 5 triệu yen Nhật trong một thùng loa cũ khi thu mua ve chai cách đây hơn một năm, cho biết sáng cùng ngày, Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) đã mời bà đến làm việc, đồng thời trao bà văn bản do đại tá Lê Hoàng Châu, Trưởng Công an Q.Tân Bình, ký trả lời bà Hồng về việc đang thụ lý vụ việc sở hữu 5 triệu yen Nhật vắng chủ do bà giao nộp ngày 21-3-2014.
Theo văn bản này, để có cơ sở giải quyết vụ việc, ngày 28-4-2014, Công an Q.Tân Bình cho đăng thông tin tìm chủ sở hữu trên báo chí. Đến ngày 10-4-2015, Công an Q.Tân Bình nhận được đơn của bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ H.Hóc Môn, TP.HCM) cho rằng số tiền trên là của ông Caleb Afolayan (quốc tịch Nam Phi, chồng bà Ngọt) để quên trong thùng loa. Sau đó không nhớ đến nên đã cho thùng loa đi, bà Ngọt yêu cầu được nhận lại số tài sản trên.
Do có phát sinh tình tiết mới nên Công an Q.Tân Bình cần có thời gian làm rõ, để bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan, vì thế Công an Q.Tân Bình chưa thể giải quyết số tiền trên theo qui định của pháp luật là thời hạn 1 năm. Hiện Công an Q.Tân Bình đang phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc.
Đi cùng bà Hồng đến làm việc với Công an Q.Tân Bình, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM, đại diện pháp lý của bà Hồng) yêu cầu Công an Q.Tân Bình trả lời về việc Công an Q.Tân Bình xác minh các thông tin bà Ngọt trình bày đến đâu? Khi nào thì giải quyết dứt điểm vụ việc? Đại diện Công an Q.Tân Bình, cho biết hiện vẫn đang xác minh và không thể cho biết thời gian giải quyết xong.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Ngọt cho biết, hiện ông Caleb vẫn đang bận nên chưa biết có qua Việt Nam giải quyết vụ việc được hay không. Nếu không qua được, ông Caleb sẽ làm giấy ủy quyền cho bà Ngọt giải quyết. Bà Ngọt cho biết thêm, hiện ông Caleb đang làm một số giấy tờ liên quan đến vụ việc và nhờ vị hiệu trưởng nơi ông Caleb dạy tiếng Anh khi ở Nhật hỗ trợ. Làm xong các giấy tờ liên quan này ông Caleb sẽ gửi về cho bà để gửi Công an Q.Tân Bình.
(Theo báo Tuổi Trẻ)
---------------------------
Cập nhật ngày 2-6-2015:
Chị ve chai nhận lại 5 triệu yen
Chiều 2-6-2015, Công an quận Tân Bình đã ra quyết định trả lại 5 triệu yen - được tìm thấy trong thùng loa cũ - cho chị Hồng.
< Ảnh: Niềm vui của chị Hồng sau khi nhận lại tiền, chính thức là chủ sở hữu số tiền này
Lúc 15h cùng ngày, sau buổi làm việc ngắn với Công an quận Tân Bình, TP HCM, chị Nguyễn Thị Ánh Hồng chạy ra khỏi trụ sở công an thở hổn hển. Quơ vội chiếc nón lên đầu, chị cười rất tươi. Chồng chị cũng có mặt, cả hai không nói lên lời. "Chúng tôi đang ở ngân hàng làm thủ tục chờ nhận lại tiền", luật sư Hà Hải - hỗ trợ pháp lý miễn phí cho chị Hồng, nói.
Tại trụ sở ngân hàng trên đường Lý Thường Kiệt, mất hơn 30 phút kiểm đếm, chị Hồng đã nhận lại toàn bộ số tiền yen mà chị đã trao cho Công an quận Tân Bình hơn 430 ngày trước đó.
"Sắp tới, gia đình chị Hồng sẽ nhờ ngân hàng thu đổi lại những đồng tiền hư hỏng, sau đó sẽ quy đổi, gửi lại tiền ở nhà băng", luật sư Hải nói. "Dù thời gian giải quyết vụ việc kéo dài, cách giải quyết này của công an là hợp lý. Vụ việc chưa từng có tiền lệ".
Chị Hồng cho biết, sau khi nhận lại 5 triệu yen (hơn một tỷ đồng), vợ chồng chị sẽ trang trải cuộc sống gia đình bớt khổ, dành dụm tiền cho hai con ăn học, xây lại nhà cho cha mẹ hai bên, dành một ít cho chị em cùng cảnh ngộ và sẽ giúp các em nhỏ mồ côi, người mù ở chùa... Chị ve chai cho rằng mình nhận được "lộc trời" thì phải chia sẻ với mọi người và sử dụng số tiền thật xứng đáng.
Hơn một năm trước, trong lần đi mua ve chai chị Hồng mua được chiếc loa cũ bên trong có 5 triệu yen. Chị sau đó giao số tiền cho Công an quận Tân Bình. Ngày 28/4/2014, cơ quan này đã đăng tin tìm chủ sở hữu.
Một năm sau chị Hồng xin nhận lại tiền thì công an cho biết bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi) có đơn cho rằng 5 triệu yen là của chồng bà - ông Afolayan Caleb (48 tuổi, quốc tịch Nam Phi) để quên trong thùng loa. Công an quận Tân Bình phải gia hạn việc giải quyết để xác minh yêu cầu của bà Ngọt.
Nhà chức trách sau đó xác định chồng bà Ngọt đã sử dụng hộ chiếu giả để vào Việt Nam và làm việc cho công ty “ma”. Từ đó cơ quan này bác yêu cầu của bà Ngọt.