Friday, February 6, 2015

Vụ con ruồi trong chai nước giá 500 triệu đồng: Không đủ yếu tố cấu thành tội "cưỡng đoạt tài sản" (?)

(Ecolaw.vn) - Chiều 5-2-2015, Thượng tá Đinh Văn Thảnh, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (phòng PC45) công an tỉnh Tiền Giang cho biết cơ quan này đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Võ Văn Minh, ngụ huyện Cái Bè về hành vi ‘cưỡng đoạt tài sản’. Bình luận của luật sư Ecolaw về vụ việc.

Một dòng sản phẩm của Tân Hiệp Phát (ảnh minh họa)


Nội dung sự việc: Bị bắt khi đang nhận tiền!

Theo báo Tuổ Trẻ, ngày 27-1-2015, anh Võ Văn Minh bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang bắt quả tang về hành vi "cưỡng đoạt tài sản". Tang vật thu được là một chai nước dán nhãn Công ty Tân Hiệp Phát có một con ruồi bên trong và 500 triệu đồng của Công ty Tân Hiệp Phát giao cho Võ Văn Minh.

Vụ việc được cơ quan công an thực hiện theo đơn tố cáo của Công ty Tân Hiệp Phát. Anh Võ Văn Minh bị tạm giữ hình sự từ ngày 27-1-2015 đến nay và chai nước có chứa ruồi được cơ quan công an trưng cầu Viện Khoa học hình sự giám định, đến nay (5-2-2015) chưa có kết quả.

Theo luật sư Nguyễn Tấn Thi, anh Minh bán chai nước cho khách thì khách hàng phát hiện bên trong có ruồi và trả lại cho anh.

Anh Minh đem cất chai nước, sau đó gọi điện phản ảnh đến nhà sản xuất là Công ty Tân Hiệp Phát với yêu cầu kèm theo là phải bồi thường 1 tỉ đồng.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi cho biết theo thông tin từ báo chí, anh Minh có nói nếu không trả 1 tỉ đồng thì sẽ giao cho báo chí và in tờ rơi để phát tán cho nhiều người cùng biết. Công ty Tân Hiệp Phát cử ngay người đến gặp anh Minh để kiểm tra chai nước và thương lượng bồi thường.

Sau hai lần gặp gỡ tại một quán nước gần nhà anh Minh, hai bên thống nhất số tiền Công ty Tân Hiệp Phát trả cho anh Minh là 500 triệu đồng.

Ðến thời điểm hẹn giao nhận tiền thì anh Minh bị Công an Tiền Giang bắt. Ðến nay chưa có thông tin khởi tố vụ án.

Luật sư Nguyễn Tấn Thi cho rằng theo Luật bảo vệ người tiêu dùng, khi gặp trường hợp như anh Minh, người tiêu dùng có quyền thương lượng với nhà sản xuất. Thương lượng là bước đầu tiên trong quá trình khiếu nại đòi bồi thường.

Luật quy định trong thương lượng, anh Minh có quyền sử dụng mọi biện pháp mà pháp luật không cấm, đồng thời có quyền đưa ra số tiền tùy ý.

Nếu anh Minh có nói sẽ gây thiệt hại cho Công ty Tân Hiệp Phát thì thật ra chỉ là cảnh báo hậu quả để giành lợi thế trong thương lượng, chứ không phải là lời “đe dọa”.

Công ty Tân Hiệp Phát chấp nhận vì lợi ích của công ty chứ không bị khống chế hay đe dọa gì. Công ty Tân Hiệp Phát lựa chọn phương thức giải quyết thông qua thương lượng thì phải tuân thủ các quy định liên quan phương thức này.

Vấn đề cần bàn là hành vi của anh Minh đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không. Yêu cầu có thể không chính đáng nhưng pháp luật cho phép họ thương lượng, nghĩa là chấp nhận cho họ đề đạt yêu cầu.

Công ty Tân Hiệp Phát có chấp nhận hay không là quyền của Tân Hiệp Phát, nếu không giải quyết thông qua thương lượng hòa giải được thì anh Minh có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.

------------------

Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong:

Thêm một góc nhìn: với tư cách là luật sư của công ty Lavie, khoảng 10 năm qua tui đã tham gia xử lý hàng chục vụ "tống tiền" ( tôi không dùng từ "cưỡng đoạt tài sản") đối với Lavie. Đối tượng tống tiền rất đa dạng, trên 50% là nhà báo, số còn lại là những người có máu tống tiền. Nói chung, chúng tôi có thể gài bẫy, đưa đối tượng sập. Tuy nhiên với phong cách "FairPlay", chúng tôi chỉ xử lý mang tính "nhẹ nhàng" và hầu hết đều kết thúc tốt đẹp, không có ai phải vào tù! 

Chúng ta cần hiểu rằng để tạo dựng thương hiệu, doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Việc một sản phẩm bị lỗi là điều không ai muốn nhưng cũng không phải là quá bất thường. Ngay cả những sản phẩm công nghệ tuyệt cao như máy bay, vũ khí hạt nhân, máy tính ...vv cũng có thể bị lỗi. 

Chính vì vậy, pháp luật Việt Nam đã có Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định quyền đổi hàng, trả hàng, thu hồi hàng kém chất lượng, bồi thường thiệt hại. Nhưng hình như không có qui định nhà sản xuất phải mua lại sản phẩm lỗi vời giá cao hơn cả ngàn lần. Công ty Lavie chưa bao giờ chấp nhận mua dù chỉ 50 ngàn đồng mà luôn tìm hiểu nguyên nhân. 

Trong sự kiện con ruồi trong chai nước, thực ra không khó xác minh. Nếu xác ruồi còn tươi nguyên, tức là nhiều khả năng có ai đó đã vô tình hay cố ý bỏ con ruồi vào. Vì trên vỏ chai có ghi ngày sản xuất, xác ruồi bên trong để lâu sẽ nát hoặc phình rữa ra. 

Một câu hỏi nữa cũng rất quan trọng là anh Minh đó có phải là "khách hàng"/người tiêu dùng hay không - theo đúng quy định tại Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng? Tức là cần xác định ở đâu anh Minh có chai nước có ruồi này? Từ việc này sẽ xác định được quyền và nghĩa vụ của anh Minh - có hay không tư cách là "người tiêu dùng", với các quyền lợi tương ứng: quyền khiếu nại, thỏa thuận, yêu cầu bồi thường thiệt hại ...vv. Người tiêu dùng được hiểu là người trả tiền và trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Xin lấy ví dụ: Nếu mình đi mua một chiếc Ipad ở một cửa hàng ở Việt Nam. Sau đó về nhà thấy một con ruồi trong đó, thì mình có nên qua Mỹ yêu cầu họ (hãng Apple) mua lại với giá 2 triệu đô? Hay là chỉ yêu cầu được trả đổi máy khác? ... 

Là một luật sư, tôi không bao giờ muốn kết tội ai. Tôi chỉ muốn sống trong một xã hội công bằng và nhân đạo. Do vậy, tôi thực sự thấy thương anh Minh vì quá thiếu hiểu biết và cũng muốn làm giàu một cách quá đơn giản.

....................

Nói thêm (với tư cách là luật sư của anh Minh):

Hành vi của anh Minh không đủ yếu tố cấu thành tội phạm 

Trong tội danh "cưỡng đoạt tài sản", thường thì bên bị hại, nạn nhân phải là cá nhân - thì kẻ phạm tội mới có thể đe dọa để "cưỡng đoạt" tài sản. Ở đây Tân Hiệp Phát là một pháp nhân, việc muốn chi một số tiền rất lớn là 500 triệu đồng chỉ để mua một chai nước có con ruồi là không hợp lý và không thể. Vì doanh nghiệp muốn chi phải được giám đốc duyệt, kế toán trưởng thông qua. Rồi khoản chi này phải có nội dung hợp pháp, hợp lý để được hạch toán, báo cáo lên Hội đồng quản trị. Hay nói khác đi, trong sự việc này Tân Hiệp Phát có dấu hiệu gài bẫy anh Minh rất rõ ràng.

Tôi cho rằng hành vi của anh Minh rõ ràng là sai, rất nghiêm trọng và đáng lên án. Tuy nhiên xét về phương diện khoa học pháp lý hình sự thì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Cụ thể là:

- Về chủ thể: Chủ thể bị xâm hại trong tội danh cưỡng đoạt tài sản không thể là "công ty" mà phải là một con người. Theo điều luật phải là "người khác" - do vậy không đủ yếu tố về mặt chủ thể.

- Về dấu hiệu khách quan: Tuy hành vi tống tiền và đe dọa của anh Minh là cố ý, nhưng có sự tham gia, dẫn dắt gài bẫy của chính phía công ty Tân Hiệp Phát, một mình anh Minh không thể làm được. Tức là tình tiết khách quan/dấu hiệu của hành vi - không phải do một mình "người có hành vi phạm tội" thực hiện nên không thể quy trách nhiệm cho một mình anh Minh. Cũng giống như một cô gái nói "hãy hiếp dâm tôi đi", thì khi bị hiếp dâm (và đồng thuận như vậy) không thể quy kết hết cho người có hành vi hiếp dâm.  

................

Nói thêm tiếp:

Mua bán nhưng không công bằng

Khoản tiền 500 triệu đồng mà anh Minh đòi công ty Tân Hiệp Phát thanh toán không phả là tiền "bồi thường thiệt hại". Thậm chí cho dù hai bên nói rằng đây là tiền "đền bù thiệt hại" thì cũng là một giao dịch không hợp pháp. Vì vấn đề bồi thường thiệt hại chỉ đặt ra khi thiệt hại là có thật, và mức bồi thường cũng xoay quanh giá trị thiệt hại một cách hợp lý - theo quy định tại Bộ luật dân sự. Ở đây, có thể thấy cá nhân anh Minh hầu như chưa có thiệt hại gì đáng kể.

Như vậy, số tiền 500 triệu đồng có thể thấy chính là GIÁ MUA BÁN CHỨNG CỨ XẤU LIÊN QUAN ĐẾN CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM VÀ/HOẶC THƯƠNG HIỆU/UY TÍN CỦA TÂN HIỆP PHÁT. 

Về nguyên tắc, hai bên có quyền thỏa thuận về việc mua bán, giá cả - nhưng phải trên cơ sở tự nguyện, không bên nào cưỡng ép bên nào. Khi đó mới được xác định là một giao dịch dân sự hợp pháp. Ở đây, nếu theo thông tin trên báo chí, thì anh Minh đã có hành vi đe dọa là nếu Tân Hiệp Phát không đồng ý mua thì anh sẽ đưa cho báo chí và in tờ rơi phát tán làm mất uy tín - như vậy là không bảo đảm yếu tố tự nguyện, công bằng giữa hai bên. 

-------------------------

Ý kiến tranh luận của blogger Nguyễn Hoàng Linh:

Thân gửi LS Eco Law, xin được góp vài ý với các comment anh viết.

- Thứ nhất là ý sau, có lẽ anh muốn nói về sự tương xứng khi đòi bồi thường: "Nếu mình đi mua một chiếc ipad ở một cửa hàng ở Việt Nam. Sau đó về nhà thấy một con ruồi trong đó, thì mình có nên qua Mỹ yêu cầu họ (hãng Apple) mua lại với giá 2 triệu đô? Hay là chỉ yêu cầu được trả đổi máy khác?".

Tôi nghĩ cái này là tùy quan niệm từng người, mà cũng do sự "bất đối xứng" (thực ra là bất bình đẳng) giữa NTD và doanh nghiệp nên NTD đi mua sản phẩm gì mà bị hỏng, đổi được là thấy "sướng" lắm rồi, mà ko nghĩ tới các khía cạnh khác (công sức và thời gian đi lại đổi chác, sự tổn hại thần kinh, sức khỏe, v.v...).

Muốn để giảm (thiểu) sự bất bình đẳng đó, pháp luật cần được diễn giải (và thực thi trong thực tế) làm sao để NTD thực sự có được những quyền lợi mà mới nhìn qua có thể quá trớn. Tại sao anh Minh ko có quyền đòi 1 tỉ? Cùng lắm thì THP ko đồng ý và đôi bên ngã giá tới một mức nào đó mà cả hai đều cho là có thể thỏa thuận được (cái đấy mới là "trị giá thực" của sản phẩm, chứ ko phải 12 ngàn VND, trong trường hợp này); hoặc nếu ko thì đôi bên có thể lôi nhau ra tòa, và tòa sẽ xác định mức bồi thường (nếu cho rằng THP có lỗi và cần bồi thường).

Như thế, sự diễn giải luật theo hướng quy chụp những đề xuất bồi thường của anh Minh thành "đe dọa", "cưỡng bức", thực chất là sự bắt chẹt và bó hẹp quyền lợi của NTD khi họ gặp sự cố với sản phẩm mua được từ doanh nghiệp.

- Thứ hai, giao dịch (mà tôi nghĩ là dân sự) giữa anh Minh và THP có hợp pháp hay ko? Đây là mấu chốt vấn đề.

Luật sư Eco Law cho là nó ko hợp pháp vì nó ko "trên cơ sở tự nguyện, không bên nào cưỡng ép bên nào". Khái niệm "tự nguyện" ở đây ko thể hiểu là tự bên THP đi đề nghị trả tiền cho anh Minh, vì tự nhiên làm gì có ai... ngu mà làm thế .

Tuy nhiên, cũng ko thể nói anh Minh "ép buộc" gì bên THP vì bên THP hoàn toàn ý thức được họ có thể làm gì. Ví dụ, họ có thể phủ nhận phần lỗi của họ, có thể bảo ko có tiền để "mặc cả", thây kệ anh Minh "đi mà kiện" (chắc gì anh Minh đã làm được gì?). Hoặc giả, cứ để anh Minh làm um lên, vớ vẩn có khi chính anh Minh sẽ phạm luật với hành động ấy mà THP ko cần phải ra tay.

Đằng này, việc THP ngồi xuống thương lượng ba lần với anh Minh, và ngã giá, tự nó phải hiểu là một hành động chấp thuận rằng họ có (phần lỗi) trong vụ con ruồi, và chấp thuận đi vào một thỏa thuận dân sự. Trong quá trình thương lượng, việc anh Minh đưa ra những khả năng mà anh có thể làm được một cách hợp pháp (kiện cáo, đưa ra báo chí) đơn thuần là để chứng tỏ "cái hay" (xét về phía anh Minh) của việc THP nên thỏa thuận với anh; đó là điều THP có thể chấp nhận, có thể ko, nhưng ko thể coi là một sự đe dọa bất hợp pháp, khiến giao địch giữa đôi bên trở nên vi phạm pháp luật.

----------------

Hồi âm của luật sư Trần Hồng Phong:

Thưa anh Nguyễn Hoàng Linh, xin được trao đổi, tranh luận vài ý như sau: 

Trước hết, tôi cho rằng việc anh Minh đòi Tân Hiệp Phát phải trả 500 triệu đồng để mua chai nước có ruồi bên trong (dù chưa có cơ sở kết luận chính xác sự thật như thế nào) không thể xem là tiền "đòi bồi thường" hay "bồi thường thiệt hại". Vì như đã trình bày trong phần bình luận ở trên, theo quy định của pháp luật và cũng là nguyên tắc chung hợp lý - nếu đã gọi là bồi thường thiệt hại, thì bên đòi phải chứng minh được mình đã có thiệt hại. Ở đây, anh Minh hầu như chưa bị thiệt hại gì. Có chăng chỉ là số tiền anh đã bỏ ra để mua chai nước đó, không đáng kể - và luật đã quy định trong trường hợp này anh Minh có quyền đổi hàng, trả hàng, để nghị nhận lại tiền ... Song giả sử anh Minh đã uống chai nước đó, bị đau bụng, ảnh hưởng đến sức khỏe, phải nghỉ làm 10 ngày - và có cơ sở kết luận nguyên nhân là do việc uống chai nước đó - thì thiệt hại chính là chi phí thuốc men khám chữa bệnh, tiền mất thu nhập trong những ngày phải nghỉ việc, những khoản chi phí phát sinh khác từ việc anh Minh bị bệnh ... - công ty Tân Hiệp Phát phải bồi thường/thanh toán toàn bộ những chi phí này.

Còn ở đây, việc anh Minh đưa ra giá 1 tỷ đồng, rồi 500 triệu đồng để anh giao cho Tân Hiệp Phát chai nước có ruồi rõ ràng là sự trao đổi mua bán. Hoàn toàn không có nội hàm và bản chất bồi thường thiệt hại.

Chính vì vậy, ở đây theo tôi không phải là chuyện "tương xứng" về đòi bồi thường. Còn việc anh Minh đòi bán và ngã giá bao nhiêu với Tân Hiệp Phát tất nhiên là do cách đánh giá vấn đề của anh ấy. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật Việt Nam thì việc mua bán đổi chác này có thể bị xem là bất hợp pháp hay vô hiệu - xét theo các yếu tố để xác định thế nào là một giao dịch/hợp đồng dân sự. Vấn đề này quy định tại Bộ luật dân sự.

Quay lại giao dịch mua bán chai nước có ruồi - tôi vẫn cho rằng đây là một giao dịch không dựa trên sự tự nguyện và công bằng - là điều kiện để xác định đó có phải là một giao dịch dân sự hợp pháp hay không.

Rõ ràng anh Minh chính là người đầu tiên và chủ động đưa ra chai nước, đưa ra giá "bán" rất rất cao. Lại kèm theo lời hăm là nếu Tân Hiệp Phát không trả tiền thì sẽ gửi thông tin cho báo chí, phát tờ rơi - chính đây là những bằng chứng thể hiện giữa hai bên không có sự tự nguyện, công bằng một cách đúng nghĩa. 

Cũng cần nói thêm là tôi hoàn toàn hiểu rằng nếu anh Minh có trong tay những bằng chứng xấu cho Tân Hiệp Phát, thì anh có thể rao bán và thỏa thuận với họ với giá rất cao - dù không đúng pháp luật - nhưng vẫn có thể trót lọt. Chẳng hạn như hai bên A và B thỏa thuận mua bán ma túy với nhau và thực hiện thành công. Trong trường hợp này, giao dịch mua bán ma túy là phạm tội hình sự, tuy nhiên do không ai biết nên không ai bị xử lý gì cả.

Chính điều này cho thấy sự "cao tay" của Tân Hiệp Phát. Mà tôi nói là họ "gài bẫy" anh Minh. Nhưng tôi cũng cho rằng sự gài bẫy như vậy là quá ác! Và cũng không đúng pháp luật. 

Hay nói khác đi, tôi đồng ý với anh là Tân Hiệp Phát có thỏa thuận với anh Minh và chính từ những thỏa thuận đó, sự việc mới tiến triển đến mức ... cuối cùng anh Minh bị bắt khi đang nhận tiền! Chính vì vậy, như tôi đã bình luận, nếu hành vi của anh Minh là phạm tội, thì không thể nói Tân Hiệp Phát không có trách nhiệm hay không liên quan gì.

------------------------------

Thông tin tham khảo: 

Năm 2012, Tân Hiệp Phát đã từng "đưa" một người vào tù trong một tình huống tương tự. Bài dưới đây đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 6-2-2015:

Chai trà xanh không độ có gián, 50 triệu và 3 năm tù

Năm 2013, anh Nguyễn Quốc Tuấn bị xử phạt 3 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.

Ngày 5-6-2012, anh Nguyễn Quốc Tuấn (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mua chai trà xanh không độ của Công ty Tân Hiệp Phát, chai nước còn nguyên nhãn mác, nắp chưa khui nhưng bên trong có con gián.

Anh Tuấn đã gặp phía doanh nghiệp sản xuất, thỏa thuận với phía doanh nghiệp bằng biên bản có nội dung: “Phía công ty yêu cầu xem sản phẩm, anh Tuấn cung cấp sản phẩm (sản xuất ngày: 14-11-2011, hạn sử dụng: 14-11-2012). Công ty cảm ơn anh Tuấn, đề nghị anh Tuấn cho đổi sản phẩm, tặng 2-4 thùng trà cảm ơn. Anh Tuấn không chấp nhận đề nghị và giữ nguyên yêu cầu công ty trả 50 triệu đồng, nếu không sẽ công bố thông tin cho nhiều người biết...”.

Theo đại diện của doanh nghiệp, biên bản giao nhận tiền có nội dung: anh Tuấn nhận 50 triệu đồng, trả lại cho công ty chai nước có con gián. Anh Tuấn cam kết không công bố chuyện này cho người khác biết, công ty cũng không làm khó dễ anh Tuấn. Sau cuộc giao nhận, ghi biên bản, ký tên thì công an bắt anh Tuấn, thu giữ luôn biên bản này.

Ngày 17-7-2013, Tòa án nhân dân Q.Bình Thạnh xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên phạt Nguyễn Quốc Tuấn 3 năm tù về tội cưỡng đoạt tài sản.

................

Phản hồi của bạn đọc báo Tuổi Trẻ

Xếp theo:   Thời gian  |  Số người thích

Lê Xuân Thủy 10:11 06/02/2015
Như thế là luật pháp lại ra tay cứu... nhà giàu và xử ép anh Minh chăng? Anh không cưỡng chế mà chỉ thỏa thuận bán lại tài sản của anh cho Tân Hiệp Phát thôi mà. Tân Hiệp Phát cũng thỏa thuận và đồng ý mua thôi.
THÍCH 75

Nguyen Thi Mai 10:08 06/02/2015
Sau này có gặp chai nào thì đem bán đấu giá cho khỏe.
THÍCH 74

PTM 10:09 06/02/2015
Đòi bồi thường con gián có trong chai trà xanh với mức 50 triệu đồng, anh Tuấn phải ở tù 03 năm. Còn anh Minh đòi bồi thường 500 triệu đồng, chắc phải trả giá 30 năm tù quá? Vô lý thật! Hội bảo vệ người tiêu dung hãy cố gắng, ra sức và trợ giúp pháp lý giúp người tiêu dùng trong những sự việc nhạy cảm này.
THÍCH 69

NLT 10:16 06/02/2015
Vậy là đủ biết dù thế nào người tiêu dùng cũng bị thiệt hại. Đòi 50 triệu mà cũng bị đi tù, nếu tung lên báo chí chắc chắn sẽ bị kiện tội bôi xấu. Thế là người tiêu dùng đường nào cũng chịu thiệt.
THÍCH 60

Son Le 10:26 06/02/2015
Rút kinh nghiệm từ 02 vụ này, tôi đề nghị mọi người khi phát hiện thấy các sản phẩm thực phẩm nhiễm bản ảnh hưởng đến sức khoẻ và an toàn vệ sinh thực phẩm tương tư thì hãy tỉnh táo tìm đến Văn phòng luật sư để được tư vấn xử lý vấn đề. Tốt nhất là nên cung cấp cho báo, đài để thông tin rộng rãi cho nhân dân biết và tảy chay các sản phẩm bẩn đó, đặc biệt là các nhà sản xuất đã không tôn trọng người tiêu dùng lại còn "chơi bẩn" như 02 vụ việc đã nêu.
THÍCH 47

Anh Quý 10:23 06/02/2015
Giờ mới biết Công ty Tân Hiệp Phát làm ăn chỉ mong muốn có lợi nhuận, còn khi mình sai, có lỗi thì né tránh và cậy vào Luật Hình sự để cài cho khách hàng đi tù.
THÍCH 47

Khai Chi 10:23 06/02/2015
Từ vụ việc con gián và con ruồi chúng ta thấy các cơ quan chức năng chỉ xử lý một phía còn một phía là THP không thấy có sự đá động nào cả, và chúng ta nghi ngờ có sự thao túng nào chăng?
THÍCH 46

người tiêu dùng sớm về nghĩa trang 11:26 06/02/2015
TÂN HIỆP PHÁT đã có kinh nghiệm xử lý những vụ này. Chỉ tội nghiệp cho anh Minh, anh Tuấn những người bị gài bẫy. Kinh doanh không có lương tâm tôi sẽ không bao giờ dám uống sản phẩm công ty nữa. Cảm ơn báo nhiều.
THÍCH 12

Tân Hiệp Phát 11:25 06/02/2015
Con gián, con ruồi... không biết sau này còn con gì nữa? Công ty sản xuất nhiều sản phẩm bị lỗi quá. Người tiêu dùng khi sử dụng nhớ tên: "TÂN HIỆP PHÁT" nhé! Chúc mọi người may mắn.
THÍCH 9

--------------------

Quy định tại Bộ luật hình sự:

Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.