Tuesday, December 16, 2014

Quản lý và thu thuế bán hàng trên Facebook: Hướng đến một sân chơi công bằng

Luật sư Trần Hồng Phong

Bán hàng trên facebook là hoạt động “thương mại điện tử” 

Kinh doanh bằng hình thức “thương mại điện tử”, hay nói một cách một cách nôm na dễ hiểu là bán hàng trên mạng internet, là một xu hướng tất yếu và chắc chắn sẽ phát triển bùng nổ trên toàn thế giới trong tương lai gần, trong đó có Việt Nam. Công nghệ kết nối toàn cầu đã mang lại những tiện ích và hiệu quả to lớn và không thể thay thế.

Để hoạt động thương mại điện tử được được an toàn, bảo đảm quyền lợi cho tất cả các bên, hạn chế rủi ro, tranh chấp … , tất yếu phải có một khung pháp lý quy định và điều chỉnh những vấn đề cơ bản. Tại Việt Nam từ nhiều năm qua, Quốc Hội đã lần lượt ban hành Luật giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ... Việc ban hành những văn bản pháp quy gần đây như Nghị định 52/2013 về thương mại điện tử, Thông tư 47/2014 của Bộ Công Thương về quản lý thương mại điện tử thực ra là sự hướng dẫn thi hành, quy định chi tiết và cụ thể hơn những vấn đề luật định và cũng đã có phần chậm so với đòi hỏi và thực tế.

Theo định nghĩa tại điều 3 Nghị định 52/2013, hoạt động thương mại điện tử “là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”. Như vậy, có thể thấy việc tổ chức hay cá nhân kinh doanh mua bán trên mạng xã hội như Facebook chính là hoạt động thương mại điện tử, cho nên cũng là đối tượng điều chỉnh của pháp luật về thương mại điện tử - như các website bán hàng chính thống khác.

Xét về mặt kỹ thuật, mạng xã hội toàn cầu như Facebook thực sự là một “thiên đường” kinh doanh, đồng thời có đủ tính năng của một sàn giao dịch thương mại điện tử chính thống, ngoài tính năng chia sẻ thông tin cá nhân và kết nối cộng đồng. Thực tế ngày càng có nhiều người tại Việt Nam lập “sạp” bán hàng của mình trên facebook

Phải đăng ký và đóng thuế

Khoản 1 Điều 6 Thông tư 47/2014 của Bộ Công Thương về “quản lý hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội” quy định như sau: Các mạng xã hội có một trong những hình thức hoạt động kinh doanh trên website mà ở đó “cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ;  cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; có chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ” thì “phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử”.

Ngoài ra, tại khoản 3 điều 6 Thông tư 47/2014 cũng quy định người bán hàng trên các mạng xã hội/trên sàn giao dịch điện tử còn phải tuân thủ những quy định tại Điều 37 Nghị định 52/2013. Tức là trên website/trang cá nhân của mình phải: 1. Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin về tên và địa chỉ thường trú của cá nhân. 2. Công khai mã số thuế cá nhân của cá nhân. 3. Công khai số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác (chẳng hạn email).

Chưa hết, người bán hàng trên mạng xã hội còn có trách nhiệm phải: Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ. Và cuối cùng là phải “thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, có thể thấy là người bán hàng trên facebook không chỉ phải đóng thuế (ở đây là thuế thu nhập cá nhân), mà còn phải công khai nhiều thông tin, cũng như phải tôn trọng và thực hiện nhiều quy định khác. Chẳng hạn như phải có quy định về việc đổi trả hàng, cơ chế giải quyết khiếu nại, có trách nhiệm bảo mật thông tin của khách hàng mà mình có được trong quá trình bán hàng. Tức là không được sử dụng hay cung cấp thông tin khách hàng cho bên thứ ba, để có thể sử dụng vào mục đích xấu, ảnh hưởng đến uy tín, quyền tự do cá nhân của công dân.

Hướng đến một sân chơi công bằng, bình đẳng

Những quy định như trên là hoàn toàn hợp lý, trước hết là bảo đảm sự công bằng, tránh cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh. Chỉ xét về thuế, hãy hình dung việc một cá nhân cho thuê nhà một tháng thu nhập một vài triệu đồng cũng phải đóng thuế, thì việc mua bán hàng trên mạng xã hội facebook, doanh thu có thể hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, mà lại không phải đóng thuế rõ ràng là vô lý.

Loại trừ việc chỉ rao bán những món hàng nhỏ, lặt vặt, nếu cá nhân kinh doanh những mặt hàng mang tính công nghệ cao như đồng hồ, hàng điện tử, hay mỹ phẩm cao cấp, hàng tiêu dùng mang thương hiệu nổi tiếng …vv, nếu nhà nước không có sự quản lý, người kinh doanh không khai báo về nguồn gốc thì đó chính là sự “tiếp tay” cho tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng có nguồn gốc bất hợp pháp. Và nạn nhân đầu tiên chính là những khách hàng, có thể bị lừa gạt mà không biết phải bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách nào, khi không biết rõ về người bán, bằng chứng giao dịch quá sơ sài, đơn giản, lại mang tính “ảo” trên mạng…

Lâu nay không ít người cho rằng cá nhân bán hàng trên facebook đa phần là kinh doanh theo kiểu làm thêm, lặt vặt không đáng kể. Thực tế không phải như vậy. Ngoại trừ một số ít người ra bán hàng dư, quà tặng, hàng cũ… một cách ngẫu nhiên, đột suất, thì phần lớn đều những người kinh doanh trên mạng xã hội đều bán hàng nhập khẩu từ nước ngoài, qua thủ tục hải quan, thương hiệu và bỏ vốn khá lớn. Họ còn đầu tư thời gian, công sức một cách chuyên nghiệp trong quảng cáo, quảng bá. Doanh thu và lợi nhuận không hề nhỏ.

Tôi từng có thời gian phụ trách pháp lý ở diễn đàn Webtretho.com là nơi từng cho phép thành viên bán “hàng thanh lý”. Thực tế từng có khiếu nại, tranh chấp về việc bán hàng mỹ phẩm giả, trị giá hàng chục triệu đồng của một cá nhân. Mặc dù không liên quan trực tiếp đến việc mua bán giữa các thành viên, nhưng Ban quản trị đã phải đứng ra giàn xếp, hòa giải…Cũng qua đó, cho thấy cho đến thời điểm này chúng ta chưa có một khung pháp lý quy định và điều chỉnh việc kinh doanh của cá nhân trên mạng xã hội. Tiềm ẩn những tranh chấp, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, thất thu thuế …vv.

Có thể nói, việc quản lý kinh doanh trên mạng xã hội còn là trách nhiệm của nhà nước, tôn trọng và thực thi các hiệp định đa phương, song phương, cam kết của Việt Nam với Tổ chức thương mại quốc tế về quyền thương mại, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ …vv.

Tuy nhiên, để những quy định của pháp luật đi vào thực tiễn chắc chắn cần có thời gian và còn nhiều khó khăn, bất cập trong giai đoạn đầu. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ khó truy ra người bán nếu họ cố tình “ảo”, thiếu ý thức. Trên hết cần phải công khai phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức tự giác, sự hiểu biết của những người kinh doanh trên mạng.

Một khi pháp luật rõ ràng và công bằng, thì đối với những người kinh doanh nghiêm túc, có trách nhiệm, đây còn là cơ hội để họ làm đúng, tạo dựng uy tín, thương hiệu cho chính mình. Chẳng hạn như trên website bán hàng Ebay, có những người bán được xếp hạng theo cấp, rất uy tín và được nhiều người tin tưởng mua hàng, hiệu quả bán hàng rất cao.

.................

Ghi chú: Trên một vài trang web hiện nay cũng có thông tin là cá nhân bán hàng trên Facebook thì không phải kê khai và đóng thuế. Cách hiểu như vậy là không đúng với tinh thần của pháp luật nói chung và Nghị định 52/2013 nói riêng. Cần lưu ý là về nguyên tắc, thì trong kinh doanh phải bình đẳng và đã kinh doanh thì phải khai báo, nộp thuế. Vấn đề là hiện nay Facebook vẫn chưa chính thức đăng ký hoạt động tại VN, mặc dù thực tế đang hoạt động rất "rầm rộ" và có nguồn thu không nhỏ, cho nên việc triển khai Thông tư 47/2014 vào đối tượng các cá nhân bán hàng trên Facebook là khó khăn.

---------------------
Cuộc sống muôn màu