Monday, November 17, 2014

"Sự kiện văn hóa" nổi bật 2014: Diễn viên Công Lý mặc quần lót lên bìa sách pháp luật


Bìa sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 có gương mặt của diễn viên hài Công Lý - Ảnh: M.Hoa

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời thẩm phán Phạm Công Hùng (TANDTC) nói: "Tôi không hiểu ban biên tập cuốn sách, nhà xuất bản nghĩ gì mà lựa chọn hình ảnh như vậy để làm bìa, nó giống như một sự hài hước và phỉ báng vào nền tư pháp Việt Nam".

Quả thật hình ảnh in hình một người đứng trên quả cầu lửa, hai tay cầm hai "cán cân công lý" không phải là thần Công lý mà là diễn viên hài Công Lý , trên người chỉ mặc một chiếc quần nhỏ, khuôn mặt được cắt ghép, đang cười rất tươi làm nhiều người phải ... bật cười!

Tại nhà sách Phương Nam (Q.Gò Vấp, TP.HCM), anh Phan Việt - một khách hàng - xem cuốn sách rồi nhăn mặt: “Về nội dung tôi chưa dám nói, nhưng cái bìa trông thật là thiếu nghiêm túc, phản cảm. Không hiểu có phải NXB có ý nói rằng công lý ở đây chỉ là tên một diễn viên hài?”.

Bất ngờ trước hình ảnh của mình trên bìa sách, diễn viên Công Lý nói: “Tôi quá ngạc nhiên và không hiểu tại sao lại có hình ảnh của tôi được sử dụng như thế này. Tôi không được xin phép, không được hỏi và hoàn toàn không biết gì về việc hình ảnh của mình bị sử dụng một cách bừa bãi như vậy. Ở đây, hình ảnh của tôi được sử dụng trong một trạng thái không bình thường. Theo tôi hiểu, họ muốn nói đến công lý ở Việt Nam đây. Nhưng tôi vô cùng ngạc nhiên không hiểu tại sao người ta lại dám làm việc này. Tôi sẽ tìm hiểu xem thực chất việc này là gì”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thẩm phán Phạm Công Hùng (TAND tối cao) bức xúc: “Khi nhìn vào bìa sách và tên sách, điều đầu tiên tôi có thể nói đó là sự thiếu văn hóa của người thực hiện cuốn sách này khi đưa một hình ảnh hài không ra hài, bi không ra bi để làm bìa cho một tác phẩm với nội dung là Bộ luật dân sự và các văn bản liên quan. Tôi thấy người ta lấy gương mặt một diễn viên hài khá quen thuộc ở miền Bắc ghép vào hình người đứng lên quả cầu và trên người chỉ mặc độc một chiếc xà lỏn. Hai tay dang ra cầm hai chiếc đĩa cân. Liệu đây có phải NXB muốn nói đến hình ảnh mới của công lý, công bằng và tư pháp Việt Nam? Rằng cả nền tư pháp, tố tụng của Việt Nam chỉ là nụ cười hài hước trên một thân hình được lắp ghép?”.

Thẩm phán Phạm Công Hùng cũng cho biết cảm thấy bị xúc phạm khi nghề nghiệp bị nhạo báng như vậy: “Ðể ra đời được bộ luật đó cần sự lao động trí tuệ của biết bao nhiêu người, đó là chuẩn mực để điều chỉnh các quan hệ hành vi trong xã hội. Tôi không biết những người thực hiện cuốn sách này có tìm hiểu gì về Bộ luật dân sự không mà lại có ý tưởng làm bìa như vậy. Nếu họ có kiến thức nhất định về pháp luật, hẳn nhiên họ không thể nhạo báng pháp luật như thế”.

“Nếu không có sự thỏa thuận nào giữa cá nhân này và NXB, đương nhiên cá nhân bị sử dụng ảnh như thế hoàn toàn có thể khởi kiện NXB” - ông Hùng nói.

Xung quanh vụ việc này, ông Nguyễn Huy Chánh, trưởng đại diện NXB Lao Ðộng - Xã Hội tại TP.HCM, cho biết NXB sẽ kiểm tra xem tại sao lại chọn mẫu bìa như vậy.

Hê hê. Có lẽ đây sẽ là sự kiện hay đúng hơn là sự cố "văn hóa" nổi bật nhất trong năm 2014 này!

---------------------

Bình luận của Luật sư Trần Hồng Phong:

Có dấu hiệu phá hoại hoặc là "sách lậu"!

Sự việc giống như là một câu chuyện như hài và khó hình dung nổi đó là sự thật. Tôi cho rằng trong vụ việc này có dấu hiệu của sự phá hoại, cố ý và cũng cho thấy vai trò hết sức cẩu thả, yếu kém trong quản lý của nhà xuất bản. Con voi đã lọt qua lỗ kim, vượt qua hàng loạt "trạm kiểm soát" mà chẳng hề hấn gì.

Về nội dung, ngoài sự đùa cợt thiếu văn hóa, bức ảnh đã thể hiện sự miệt thị, bôi bác một vấn đề nghiêm túc là pháp luật. Mà cụ thể ở đây là Bộ luật dân sự, một bộ luật rất quan trọng, quy định những vấn đề thiết yếu trong cuộc song của công dân, triển khai những vấn đề liên quan đến quyền con người

Xét về mặt pháp luật, có hai vấn đề:

Một là việc xâm phạm quyền đối với hình ảnh cá nhân. Theo quy định tại Điều 31 Bộ luật dân sự, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh. Ở đây, diễn viên Công Lý đã bị tác giả (tạm xác định) tự lý lấy hình ảnh, rồi ghép dán vào bức tranh minh họa thần Công Lý không những là sai, mà thậm chí còn có dấu hiệu xâm phạm đến danh dự, tên tuổi của nghệ sỹ. Có lẽ nghệ sỹ Công Lý sẽ yêu cầu Nhà xuất bản và tác giả xin lỗi, thu hồi ấn phẩm và bồi thường thiệt hại về danh dự, tinh thần.  

Hai là về mặt quản lý và hoạt động xuất bản, đã thế hiện sự tắc trách, cẩu thả đến mức khó mà chấp nhận được của Nhà xuất bản và những người có liên quan. 

Theo quy định tại Luật xuất bản, để ra lò một cuốn sách, ngoài việc được cấp phép, trước khi in phải vượt qua rất nhiều “cửa kiểm soát”. Cụ thể là qua Biên tập viên, mà ở đó Biên tập viên có nhiệm vụ và quyền hạn từ chối biên tập bản thảo có dấu hiệu vi phạm, cũng như chịu trách nhiệm trước tổng biên tập NXB và trước pháp luật về phần nội dung xuất bản phẩm do mình biên tập. Tiếp đó, cuốn sách sẽ được Tổng biên tập NXB trự tiếp đọc và ký duyệt. Sau đó trình giám đốc NXB ký quyết định xuất bản. Thế mà cuốn sách trên vẫn có mặt trên quầy.

Chính vì vậy, tôi cũng đặt ra nghi vấn: liệu có thể đây là một cuốn sách in lậu? Không có giấy phép?

Cuối cùng, tôi cho rằng đây là một sự phá hoại cố ý, hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên, vô tư. Vì việc chọn ra cái tên Công Lý, rồi lấy ảnh diễn viên đang cười, gắn vào hình người mặc quần đùi, mà bức ảnh lại thể hiện biểu tượng Thần Công Lý rõ ràng là cố tình gây cười một cách thâm thúy, bôi bác. 

Có lẽ đây sẽ là một "sự kiện văn hóa" nổi bật trong năm 2014 này.

(Ghi chú: Nội dung bài viết này cũng đã được đăng trên báo Pháp luật TP.HCM)

..................................

Cập nhật:

Nhà xuất bản bị phạt 250 triệu đồng

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa quyết định xử phạt NXB Lao động - Xã hội vì in hai cuốn sách luật có hình ảnh phản cảm. Tổng mức tiền phạt hơn 250 triệu đồng.

Bộ TT&TT xác định hai cuốn sách là Bộ luật Dân sự và hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự năm 2014 và Bộ luật Hình sự và hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2014 có những sai phạm như xúc phạm đến các cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước là Quốc hội (cơ quan ban hành hai bộ luật).

Trong hai cuốn sách trên thì ở trang bìa một cuốn có hình ảnh cán cân công lý, một bên để chiếc đồng hồ và một bên để xấp tiền là xúc phạm cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Còn một cuốn đã xúc phạm cá nhân khi đưa lên trang bìa hình ảnh của diễn viên hài Công Lý chắp vào cơ thể một người đàn ông khác ăn mặc phản cảm.

Tiếp đó các tiêu đề của hai cuốn sách gây bạn đọc hiểu nhầm là thời điểm ban hành hai bộ luật này vào năm 2014 trong khi không phải như vậy. Sai phạm nữa của NXB là in bản thảo không phù hợp bản thảo đã được duyệt. Ở bản thảo đã được duyệt không có hình ảnh minh họa, hình ảnh quốc huy và cũng không có tên “năm 2014” nhưng khi xuất bản lại có thêm những nội dung và hình ảnh đó.

(Theo báo Pháp luật TP.HCM ngày 19-11-2014)

---------------------

Cuộc sống muôn màu