Thursday, November 13, 2014

Vụ tranh chấp quyền sử dụng karaoke nhạc Việt tại Đài Loan

(Ecolaw.vn) - Tại Đài Loan, công ty TNHH quốc tế Huyền Hoặc, chuyên kinh doanh loại hình karaoke, đang tiến hành các bước pháp lý để khởi kiện một công ty kinh doanh cùng lĩnh vực ở VN. Lý do: Nguyên đơn cho rằng công ty tại VN đã xâm phạm quyền khai thác độc quyền một số ca khúc tại Đài Loan của họ.  

* Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong

Ảnh minh họa  

Theo ông Tsao Sheng Ching, Giám đốc Công ty Zhen Feng International Multimedia Ltd.Co (tên Việt là Công ty Huyền Hoặc, có trụ sở tại TP.Đài Trung) thì ở Đài Loan hiện nay có khoảng 45.000 người Việt do vậy có nhu cầu giải trí bằng karaoke nhạc Việt.

Vì thế, từ tháng 11.2013 đến nay, công ty này đã ký hợp đồng sử dụng tác phẩm âm nhạc với khoảng hơn 100 ca - nhạc sĩ VN để sử dụng tác phẩm âm nhạc của họ, độc quyền trên lãnh thổ Đài Loan.

Tuy nhiên vào khoảng giữa năm 2014, Huyền Hoặc phát hiện Công ty TNHH TM & DV Đông Hải tại TP.HCM (gọi tắt là Đông Hải) đã ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc của một số trong các ca - nhạc sĩ mà Huyền Hoặc từng ký hợp đồng cho Công ty Gao-Le Audio & Video Equipment Co. Ltd (Công ty Gao Le) - mà chưa được sự đồng ý của các ca - nhạc sĩ trong cuộc cũng như của Công ty Huyền Hoặc.

Ông Tsao Sheng Ching nói trong danh mục 3.511 ca khúc mà Công ty Đông Hải ủy quyền cho Gao Le, thì có khoảng 1.000 ca khúc đã là độc quyền của Công ty Huyền Hoặc.

Văn phòng luật sư Hà Hải (đại diện cho Huyền Hoặc) cũng đã trưng ra các đơn yêu cầu luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ông: Vũ Quốc Việt (nhạc sĩ), Bằng Cường (ca - nhạc sĩ), Lý Hải, Tống Gia Vỹ, Lâm Vũ, Nguyễn Hoàng Duy, Akira Phan, Phạm Trưởng… Những nghệ sĩ này nghĩ rằng họ đã bị Công ty Đông Hải lạm dụng sự tín nhiệm, không tham khảo ý kiến hoặc thông báo khi phổ biến tác phẩm của họ ra nước ngoài (cụ thể ở Đài Loan).

Theo các ca - nhạc sĩ này, trước đây họ có ký hợp đồng với Công ty Đông Hải nhưng vẫn nghĩ rằng chỉ là phát hành ở phạm vi trong nước, nên khi Công ty Huyền Hoặc đặt vấn đề phát hành dưới dạng karaoke ở Đài Loan thì họ đã ký kết hợp đồng.


------------------

Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Vấn đề khá phức tạp. Có thể hiểu một cách đơn giản là một số ca sỹ, nhạc sỹ ký hợp đồng cho phép sử dụng ca khúc của mình tại Việt Nam với công ty Đông Hải. Sau đó, cũng những ca sỹ, nhạc sỹ này ký hợp đồng với công ty Huyền Hoặc, cho phép công ty này được sử dụng ca khúc của họ tại Đài Loan. Tức là ca sỹ, nhạc sỹ đã bán tác phẩm/biểu diễn của mình cho hai đối tượng khác nhau. Do hai đối tượng này cùng sử dụng tại Đài Loan, nên có khu vực "chồng lấn" về quyền lợi.

2. Theo thông tin trong bài báo, thì các ca sỹ khi ký hợp đồng với công ty Đông Hải "nghĩ rằng chỉ phát hành ở phạm vi trong nước", tức là chỉ tại Việt Nam. Tuy nhiên pháp luật quy định khi ký hợp đồng, thì chủ thể (ở đây là nhạc sỹ, ca sỹ) có trách nhiệm phải hiểu rõ nội dung giao dịch trước khi đặt bút ký (trừ trường hợp bị lừa dối). Hay nói khác đi, người ký hợp đồng phải có trách nhiệm tôn trọng hợp đồng, cũng chính là tôn trọng chính mình, tôn trọng quyền lợi của người khác. Không thể trước đây ký, hưởng quyền lợi, rồi nay "nghĩ rằng" thế này, thế nọ.

3. Vấn đề quan trọng nhất, là trong hợp đồng đã ký giữ các ca sỹ và nhạc sỹ với công ty Đông Hải, có thể hiện rõ ràng những nội dung sau đây hay không:

- Công ty Đông Hải được quyền sử dụng các ca khúc/biểu diễn trên phạm vi ngoài lãnh thổ Việt Nam? 

- Công ty Đông Hải có quyền "kinh doanh, khai thác" những ca khúc mà họ có quyền sử dụng (theo hợp đồng đã ký với các ca sỹ, nhạc sỹ) với các đối tác khác hay không? Cụ thể là họ có quyền "chuyển nhượng" quyền khai thác tác phẩm cho công ty Gao Le, để công ty này sử dụng ở Đài Loan hay không? Theo lẽ thông thường, nếu Đông Hải có quyền này, thì khi Đông Hải chuyển giao cho Gao Le, là một công ty Đài Loan, gần như tương ứng với việc Gao Le được quyền khai thác kinh doanh những ca khúc này tại Đài Loan.

4. Nếu trong hợp đồng thể hiện rõ hai nội dung trên, thì có thể khẳng định Đông Hải không sai. Mà chính là các ca sỹ, nhạc sỹ đã sai khi bán ca khúc/biểu diễn của mình cho hai công ty một lúc. Ngược lại, nếu trong hợp đồng không thể hiện hai nội dung trên, thì cũng chưa đồng nghĩa với việc Đông Hải thua kiện, mà phải xem xét lại một lần nữa các hợp đồng đã ký - có thể hiện Đông Hải chỉ có quyền khai thác độc quyền tại Việt Nam hay không? Nếu hợp đồng nêu rõ Đông Hải chỉ được khai thác tác phẩm tại Việt Nam, thì việc Đông Hải bán ca khúc cho Gao Le, để Gao Ly sử dụng tại Đài Loan là sai.

5. Tuy nhiên, nếu hợp đồng không ghi rõ ràng 2 vấn đề pháp lý nêu trên (khả năng về tình huống này là cao), thì đây sẽ là một trận chiến pháp lý khá căng. Mà trong đó các bên phải vận dụng hệ thống pháp luật của Đài Loan, cùng các chứng cứ chứng minh. Việc này nằm ngoài khả năng bình của tôi (tạm thời vào lúc này)!. 

6. Nói chung, vấn đề sở hữu trí tuệ, bao gồm cả vấn đề tác quyền (quyền tác giả, quyền của người biểu diễn) như trường hợp này, khi xảy ra tranh chấp, chưa bao giờ là dễ phán xử và phụ thuộc nhiều vào quan điểm, đánh giá chủ quan của Tòa án hay cơ quan trọng tài. Có những việc tưởng chừng rất dễ thấy thắng - thua, nhưng phán quyết của cơ quan xét xử nhiều khi là đảo ngược. Các vụ tranh chấp giữa "những gã khổng lồ" như Samsung, Apple, Microsof, Google ... là những minh chứng rõ ràng về điều này. Đặc biệt, yếu tố đăng ký trước luôn là một lợi thế rất quan trọng. Nói nôm na là nguyên tắc "ai có trước thì thắng" thường được áp dụng. 

Chúng ta hãy cùng chờ xem kết quả giải quyết vụ tranh chấp này, mà trong đó khả năng các bên tự giàn xếp với nhau cũng là điều rất có thể xảy ra.      


--------------------

Bài liên quan: