(Ecolaw.vn) - Trong một công ty cổ phần, Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyền lực cao nhất và có quyền thông qua những quyết định quan trọng liên quan đến hoạt động của công ty. Tuy nhiên, ngoài việc tiến hành cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, quyết định của Đại hội đồng cổ đông có thể thông quan bằng hình thức gửi thư lấy ý kiến của cổ đông. Dưới đây là một vụ án tranh chấp về giá trị pháp lý của quyết định của Đại hội đồng cổ đông, có thể xem như một bài học kinh nghiệm cho các doanh nghiệp, cá nhân.
Trong vụ án này,
Nguyên đơn: là một số cổ đông (cá nhân) gồm: Ông Lương Tuấn H., ông Nguyễn Hải N., ông Nguyễn Cảnh T. và ông Nguyễn Ngọc T. - đều ngụ tại Hà Nội.
Bị đơn: là Công ty cổ phần nhiếp ảnh Hà Nội (trụ sở: quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Khởi kiện yêu cầu hủy bỏ quyết định của Đại hội đại biểu cổ đông
Công ty cổ phần nhiếp ảnh Hà Nội được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước từ tháng 9 năm 1999. Thực hiện Luật Doanh nghiệp (có hiệu lực ngày 01-01-2000), ngày 14-01-2002 Công ty đã tiến hành họp Đại hội đại biểu cổ đông để quyết định về các vấn đề:
- Thông qua báo cáo tài chính các năm 2000 và 2001.
- Sửa đổi điều lệ cũ.
- Tăng vốn điều lệ.
Do không nhất trí với những quyết định của đại hội này, một số cổ đông của Công ty (là các nguyên đơn nói trên) đã khởi kiện ra Tòa án.
Ngày 13-6-2002, TAND TP. Hà Nội đã xử sơ thẩm ra bản án kinh tế sơ thẩm số 16 tuyên hủy toàn bộ nghị quyết mà đại hội đã thông qua và buộc Công ty cổ phần nhiếp ảnh Hà Nội phải tiến hành Đại hội cổ đông lại theo đúng quy định của pháp luật.
Do không có kháng cáo kháng nghị, nên bản án này đã có hiệu lực pháp luật.
Thông qua quyết định bằng hính thức lấy ý kiến
Sau khi có bản án sơ thẩm nêu trên, Công ty không tiến hành họp Đại hội cổ đông mà sử dụng hình thức thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông bằng lấy ý kiến. Cụ thể:
1. Việc thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông bằng hình thức lấy ý kiến tháng 6 năm 2003:
Để thi hành bản án số 16, Công ty cổ phần nhiếp ảnh Hà Nội đã không họp Đại hội đồng cổ đông mà sử dụng hình thức lấy ý kiến các cổ đông bằng văn bản để thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Từ ngày 14-3-2003 và các ngày sau đó, Hội đồng quản trị Công ty đã họp, thống nhất chủ trương, triển khai các bước như gửi tài liệu, phiếu lấy ý kiến, quy định thời hạn để các cổ đông gửi ý kiến về Công ty, thành lập Ban kiểm phiếu...Đối với những cổ đông không có điều kiện nhận tài liệu trực tiếp đều được Công ty gửi bảo đảm đến từng người.
Theo kết quả kiểm phiếu ngày 23-6-2003, số cổ đông gửi ý kiến về Công ty chiếm 73,1% tổng số vốn điều lệ, trong đó có 72% nhất trí với dự thảo điều lệ, 69% nhất trí tăng vốn điều lệ. Công ty đã gửi thông báo kết quả kiểm phiếu và các tài liệu liên quan tới các cổ đông, theo đó bản điều lệ mới của Công ty có hiệu lực từ ngày 01-7-2003, vốn điều lệ tăng từ 1,4 tỷ lên 3,1 tỷ đồng; các cổ đông không nhận trực tiếp tài liệu cũng được Công ty gửi bảo đảm như trên, không có trường hợp nào Bưu điện phải trả lại do không phát được.
2. Việc thông qua quy định của Đại hội đồng cổ đông bằng hình thức lấy ý kiến tháng 4 năm 2005:
Do nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát Công ty đã hết, Công ty phải tiến hành đại hội cổ đông để bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát Công ty nhiệm kỳ mới 2005-2009.
Lần này, cũng như lần đại hội trước, Công ty đã tiến hành với thể thức lấy ý kiến các cổ đông bằng văn bản, cử Ban kiểm phiếu, gửi danh sách đề cử, thể lệ bầu, thông qua kết quả kiểm phiếu, danh sách trúng Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới tới các cổ đông vào tháng 4-2005. Các cổ đông Nguyễn Cảnh Toàn, Lương Tuấn Hải, Nguyễn Hải Nam, Nguyễn Ngọc Tiến cũng đã được Công ty gửi tài liệu, thông báo kết quả kiểm phiếu...theo đúng địa chỉ và cách thức gửi như lần đại hội tháng 6-2003.
Khởi kiện lần 2:
Vì không nhất trí với các nghị quyết của hai Đại hội trên, ngày 26 tháng 4 năm 2005, các cổ đông có tên nêu trên gửi đơn yêu cầu Tòa án hủy bỏ kết quả của cả hai Đại hội tháng 6-2003 và tháng 4-2005 vì cho rằng thể thức tiến hành hai Đại hội này trái Luật Doanh nghiệp.
Ngày 19-7-2005, TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm có bản án số 53/KDTM-ST căn cứ khoản 3 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 70, 71, 77, 79 Luật Doanh nghiệp; khoản 4 Điều 24 Nghị định số 03 ngày 03-02-2000 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp; Điều 49 bản điều lệ ngày 28-9-1999 của Công ty cổ phần nhiếp ảnh Hà Nội, quyết định:
1. Hủy bỏ những quyết định sau đây của Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nhiếp ảnh Hà Nội:
- Quyết định về việc ban hành điều lệ số 97/QĐ-CPNA-HĐQT ngày 01-7-2003. Theo đó, Bản điều lệ mới được ban hành ngày 01-7-2003 không có giá trị pháp lý.
- Quyết định số 113/QĐ-CPNA-HĐQT ngày 21-7-2003 về việc phát hành cổ phiếu.
- Các thông báo số 114/21-7-2003; số 134/14-8-2003; số 144/10-9-2003 của Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nhiếp ảnh Hà Nội về việc đăng ký mua cổ phần và nộp tiền mua cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
- Thông báo kết quả bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2005-2009.
2. Công nhận nghị quyết của Công ty về việc thông qua báo cáo tài chính các năm 2000, 2001, 2002.
3. Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 1999-2004 của Công ty cổ phần nhiếp ảnh Hà Nội tiến hành họp Đại hội đồng cổ đông theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp để giải quyết những vấn đề bị hủy ở trên...
Ngày 29-7-2005, Công ty cổ phần nhiếp ảnh Hà Nội kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm.
Ngày 20-3-2006, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội xử phúc thẩm đã ra bản án phúc thẩm số 65/2006/KDTM-PT quyết định:
1. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty cổ phần nhiếp ảnh Hà Nội, sửa một phần quyết định của bản án sơ thẩm như sau:
Áp dụng Điêu 79 Luật Doanh nghiệp, không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc hủy các quyết định về ban hành điều lệ sửa đổi, thông qua báo cáo tài chính các năm 2000, 2001, 2002, tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần nhiếp ảnh Hà Nội thông qua tháng 6 năm 2003 vì hết thời hạn yêu cầu.
2. Giữ nguyên phần quyết định của bản án sơ thẩm như sau:
Áp dụng Điều 76 Luật Doanh nghiệp, hủy các quyết định đã được Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần nhiếp ảnh Hà Nội thông qua tháng 4 năm 2005 về việc bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát Công ty nhiệm kỳ 2005-2009 vì không đúng thể thức. Công ty cổ phần nhiếp ảnh Hà Nội phải tiến hành Đại hội đồng cổ đông để bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát Công ty theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp.
Viện kiểm sát kháng nghị, Nguyên đơn yêu cầu xem xét lại
Sau khi xét xử phúc thẩm, ngày 20-4-2006 ông Nguyễn Hải Nam, cổ đông của Công ty cổ phần nhiếp ảnh Hà Nội có đơn khiếu nại với nội dung bản án kinh tế phúc thẩm ngày 20-3-2006 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội, Vì cho rằng đã:
- Kết luận không phù hợp tình tiết khách quan của vụ án.
- Có sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật.
Tiếp đó, ngày 20-9-2006, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có quyết định kháng nghị số 12/QĐ/KNGĐT-V12, kháng nghị bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 65/KDTM-PT ngày 20-3-2006 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xử hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại với lý do chính như sau:
- Quyết định của Đại hội đồng cổ đông phải được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông. Thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông bằng hình thức lấy ý kiến mà không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông là trái pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận là không đúng.
- Thời hiệu khởi kiện đối với lần lấy ý kiến bằng văn bản để thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông tháng 6-2003 vẫn còn, Tòa án cấp phúc thẩm nhận định hết thời hiệu là sai...
Phiên tòa giám đốc thẩm: bác kháng nghị của Viện kiểm sát
Ngày 12-01-2007 Hội đồng thẩm phán TANDTC đã tiến hành phiên tòa giám đốc thẩm đối với bản án bị kháng nghị nói trên.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao giữ nguyên quan điểm của bản kháng nghị nêu trên.
Sau khi nghị án, Hội đồng thẩm phán đã có Quyết định giám đốc thẩm số: 01/2006/KDTM-GĐT nội dung không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, giữ nguyên bản án kinh doanh thương mại số 65/2006/KDTM-PT ngày 20-3-2006 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội.
Lý do không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: Bị đơn sử dụng hình thức thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông bằng cách lấy ý kiến là đúng pháp luật. Tòa án cấp phúc thẩm xác định thời hiệu khởi kiện của các nguyên đơn đã hết là đúng pháp luật.
Quan điểm của Hội đồng thẩm phán như sau:
1. Về việc lấy ý kiến ý kiến thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông:
Theo quy định tại Điều 70 Luật Doanh nghiệp thì “Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của Công ty cổ phần và Điều 71 Luật Doanh nghiệp quy định “Đại hội đồng cổ đông họp ít nhất mỗi năm một lần”; còn hình thức thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông được quy định tại Điều 77 Luật Doanh nghiệp như sau:
“1. Đại hội đồng cổ đông thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản.
3. Trường hợp thông qua quyết định dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, khi quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận. Tỷ lệ cụ thể do Điều lệ Công ty quy định”
Điều 24 Nghị định 03/2000/NĐ-CP ngày 03-2-2000 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp quy định chi tiết việc lấy ý kiến thông qua Quyết định của Đại Hội Đồng Cổ Đông thì không phải là trong cuộc họp Đại Hội đồng cổ đông. Trong cuộc họp Đại Hội đồng cổ đông tài liệu gửi trước, thảo luận tại cuộc họp và biểu quyết.
Như vậy: Đại hội đồng cổ đông có hai hình thức thông qua nghị quyết của mình:
- Nếu họp thì quyết định được thông qua bằng hình thức biểu quyết.
- Nếu không họp thì gửi nội dung những vấn đề cần thông qua để lấy ý kiến các cổ đông. Nếu các ý kiến đồng ý đáp ứng được tỷ lệ theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của Công ty thì coi là quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua.
Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty không quy định những nội dung nào thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông thì được thông qua bằng hình thức lấy ý kiến mà giao cho Hội đồng quản trị Công ty lựa chọn. Vì vậy, Công ty cổ phần nhiếp ảnh sử dụng hình thức thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông bằng cách lấy ý kiến là phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp.
2-Về thời hiệu khởi kiện:
Các cố đông Nguyễn Hải N., Nguyễn Ngọc T., Lương Tuấn H. và Nguyễn Cảnh T. đã đăng ký địa chỉ tại Sổ cổ đông của Doanh nghiệp là cơ sở để Công ty giao dịch khi cần thiết. Trong trường hợp có thay đổi, các cổ đông phải đăng ký và báo lại với Công ty. Tuy nhiên, các cổ đông nêu trên không có báo cáo thay đổi và Công ty đã gửi bưu phẩm ghi số là hình thức bảo đảm để cổ đông nhận được bưu phẩm, bưu điện không trả lại tức là đã có người nhận, phù hợp với quy định của luật pháp. Địa chỉ này và hình thức gửi bưu phẩm ghi số sau đó vẫn được Công ty sử dụng gửi các giấy tờ, tài liệu và các đương sự đều nhận được. Do đó, việc các đương sự cho là cuối tháng 3-2005 mới biết các quyết định của Đại hội đồng cổ đông thông qua bằng việc lấy ý kiến bằng văn bản từ tháng 6-2003 là không có căn cứ chấp nhận.
Tòa án cấp phúc thẩm xác định thời hạn khởi kiện yêu cầu hủy bỏ kết quả thông qua quyết định của Đại hội đồng cổ đông bằng lấy ý kiến năm 2003 đã hết là không trái pháp luật, việc kháng nghị của Viện Kiếm sát nhân dân tối cao nhận định thời hạn khởi hiện vẫn còn là không đúng với các tình tiết của vụ án.
Mặt khác, việc buộc Công ty cổ phần nhiếp ảnh Hà Nội phải họp Đại hội đồng cổ đông là yêu cầu của nguyên đơn và kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án cấp phúc thẩm cũng quyết định Công ty cổ phần nhiếp ảnh Hà Nội phải họp Đại hội đồng cổ đông, nhưng những vấn đề gì cần được giải quyết trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông phải căn cứ vào quy định của pháp luật.
Theo Điều 73 Luật Doanh nghiệp chương trình họp Đại hội đồng cổ đông:
1. Ngưởi triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải chuẩn bị chương trình và nội dung họp;
2. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 53 của Luật này
có quyền kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp Đại hội đồng cổ đông. Kiến nghị phải bằng văn bản và được gửi đến Công ty chậm nhất 3 ngày trước ngày khai mạc...
3. Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông chỉ có quyền từ chối kiến nghị quy định tại khoản 2 điều này nếu có một trong các trường hợp sau đây:
a- Kiến nghị gửi đến không đúng thời gian hoặc không đủ, không đúng
nội dung;
b- Vấn đề kiến nghị không thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông;
c- Những trường hợp khác quy định tại Điều lệ Công ty.
Như vậy, những nội dung trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông không phải chỉ do Hội đồng quản trị chuẩn bị mà cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% số cổ phần phổ thông có quyền đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp Đại hội đồng cổ đông để xem xét những vấn đề khác bao gồm cả những vấn đề được thông qua hợp lệ trước đây nếu họ thấy bất hợp lý hoặc không còn phù hợp cần phải sửa đổi (miễn là đúng quy định tại Điều 70, Điều 71 Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của Công ty).
Tuy nhận định về lý do hủy quyết định thông qua Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông lần 2 năm 2005 của Tòa án cấp phúc thẩm chưa hoàn toàn chính xác, nhưng Viện Kiểm sát nhân dân dân tối cao không kháng nghị vấn đề này; đồng thời Bản án phúc thẩm đã quyết định Công ty cổ phần nhiếp ảnh Hà Nội phải họp Đại hội đồng cổ đông là đúng nên không cần thiết phải hủy bản án phúc thẩm theo đề nghị của bản kháng nghị.
(Nguồn: TANDTC)
------------------------