Ca sỹ Khánh Ly trong chương trình biểu diễn tháng 8/2014 tại Hà Nội - Ảnh: N.V
(Ecolaw.vn) - Đầu tháng 8/2014, trong các chương trình biểu diễn của ca sỹ Khánh Ly tại Hà Nội và Đà Nẵng có xảy ra chuyện nhạc sỹ Phó Đức Phương, đại diện cho Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đến gặp đơn vị tổ chức đòi tiền tác quyền những bài hát của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn do Khánh Ly biểu diễn.
Liên quan đến việc ca sỹ Khánh Ly hát nhạc Trịnh Công Sơn, chiều ngày 27-8-2014, trong cuộc gặp gỡ tại Hà Nội giữa đại diện Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Công ty TNHH Giải trí Đồng Dao (đơn vị tổ chức live concert Khánh Ly tại Hà Nội, Đà Nẵng vào tháng 8.2014 vừa qua), Một giấy xác nhận có chữ ký của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lập từ năm 2000 đã lần đầu tiên được công bố.
Cụ thể Công ty Đồng Dao đã cung cấp bản sao giấy xác nhận viết tay có chữ ký của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ năm 2000 (có xác nhận của tòa án Mỹ, do ca sĩ Khánh Ly gửi về), nội dung: đồng ý cho ca sĩ Khánh Ly sử dụng các tác phẩm của ông, với số tiền tác quyền là 5.000 USD.
Bút tích của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, cho phép ca sỹ Khánh Lý được sử dụng những bài hát của ông
Theo Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, thỏa thuận viết tay giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly này cần có ý kiến từ gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Còn số tiền tác quyền mà Đồng Dao đóng cho VCPMC sau đó sẽ được trả cho ai, trả như thế nào… sẽ phụ thuộc vào gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cũng như ý kiến ca sĩ Khánh Ly.
Theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn có quyền tác giả đối với những sáng tác của ông, bao gồm quyền nhân thân (đặt tên tác phẩm, đứng tên tác giả, công bố tác phẩm ...) và quyền tài sản (biểu diễn, cho phép người khác biểu diễn, sao chép, truyền đạt tác phẩm đến công chúng, cho thuê tác phẩm...).
Trong trường hợp cụ thể này, việc Trịnh Công Sơn đồng ý cho ca sỹ Khánh Ly sử dụng bài hát của mình với tiền tác quyền là 5.000 USD có thể được hiểu một cách đơn giản là Khánh Ly được hát (biểu diễn) bài hát của ông.
Tuy nhiên, nếu phân tích theo kiểu "moi móc", "quét nhà ra rác" thì kể cũng có nhiều điểm phải bàn thêm trong văn bản của Trịnh Công Sơn. Chẳng hạn như theo luật Việt Nam, thì nếu giao dịch dân sự mà thỏa thuận bằng đô la (ngoại tệ) là trái pháp luật! Hay như việc "sử dụng" bài hát cũng có thể hiểu theo nhiều nghĩa, vì không rõ. Chẳng hạn như Khánh Ly có thể khai thác nhằm mục đích kinh doanh từ việc "sử dụng", như có thể in ấn thành băng đĩa (các chương trình biểu diễn), phát hành trên mạng internet ...Ngoài ra, về nguyên tắc, những giao dịch như thế này cũng cần phải quy định về thời gian hay số lần sử dụng, chứ không thể đơn giản hiểu là Khánh Ly sẽ được sử dụng vĩnh viễn...vv. Chúng tôi cũng chỉ bàn luận cho vui thôi, chứ không hề có ý gì khác (Hê hê).
Trên mạng Facebook còn có ý kiến cho rằng do nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã qua đời, nên giấy xác nhận bán tác quyền không còn giá trị nữa, mà phải do gia đình nhạc sỹ (những người thừa kế quyền tác giả đối với các tác phẩm của ông) quyết định. Theo quan điểm của chúng tôi thì giấy này vẫn có giá trị kể cả khi Trịnh Công Sơn qua đời. Vì giấy bán tác quyền nói trên là một giao dịch dân sự hợp pháp, cũng giống như việc bán nhà vậy, người chủ nhà đã ký giấy bán thì dù sau đó người chủ nhà qua đời giấy bán vẫn có giá trị. Tuy nhiên, nếu là giấy ủy quyền - thì sau khi chủ thể ủy quyền qua đời, đồng nghĩa với việc giấy ủy quyền hết giá trị (quy định tại Bộ luật dân sự).
Cát Hiệp
----------------------Bài liên quan:
-----------------------------
Quy định tại Luật sở hữu trí tuệ:
Điều 18. Quyền tác giả
Quyền tác giả đối với tác phẩm quy định tại Luật này bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.
Điều 19. Quyền nhân thân
Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
1. Đặt tên cho tác phẩm;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Điều 20. Quyền tài sản
1. Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
a) Làm tác phẩm phái sinh;
b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
c) Sao chép tác phẩm;
d) Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
đ) Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện theo quy định của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 Điều 19 của Luật này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.