Monday, October 6, 2014

Hợp đồng hôn nhân, xu hướng tất yếu


Hoài Thương

(Ecolaw.vn) – Tháng 5/2013, Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến về việc có nên đưa việc thỏa thuận “hôn ước” (hay còn gọi là “hợp đồng hôn nhân”) vào Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi sắp tới hay không. Nên hiểu về vấn đề này như thế nào?


“Hợp đồng hôn nhân” … “xưa như trái đất” ở nước ngoài 

Hợp đồng hôn nhân (“contrat de mariage” trong tiếng Pháp, “premarital agreement” trong tiếng Anh; hay “Hôn ước” - thuật ngữ được dùng ở nam Việt Nam từ trước năm 1975) thực ra không phải là vấn đề mới mẻ gì. Rất nhiều nước từ lâu đã qui định về hợp đồng hôn nhân vào trong luật. Có thể kể ở đây như : Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Thái Lan …

Hợp đồng hôn nhân là một thỏa thuận lập thành văn bản, do hai bên nam và nữ ( lúc này chưa phải là vợ - chồng) ký với nhau trước khi kết hôn. Nội dung ghi nhận sự thỏa thuận của hai bên về các vấn đề liên quan đến quan hệ hôn nhân sau này, mà chủ yếu là về vấn đề tài sản, về việc chia tài sản khi ly hôn, tài sản chung riêng trong quá trình hôn nhân ….

Theo giáo trình của Trường Đại học luật Hà Nội, hợp đồng hôn nhân đầu tiên xuất hiện từ thời La Mã cổ đại, giai đoạn trước thời hoàng đế Justinian và Stipuliatio (khoảng thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên). Lúc này, để ngăn ngừa việc cưới vợ nhằm lấy của hồi môn, sau đó li dị, luật La Mã đã qui định: trước khi kết hôn cho phép bố mẹ hoặc pater familias (người chủ hộ) của cô dâu thỏa thuận điều kiện về của hồi môn, nếu trường hợp li dị hoặc người chồng chết trước thì của hồi môn được trả lại cho vợ. Chẳng hạn, trong trường hợp người chồng chết thì của hồi môn buộc phải trả lại cho bố đẻ hoặc pater familias của vợ.

Tại Việt Nam, Luật Hôn nhân và Gia đình lâu nay bỏ ngỏ vấn đề này. Cấm thì cũng chẳng cấm, nhưng không có qui định. Ai muốn hiểu, muốn làm ra sao thì làm !

Chính điều này đã tiềm ẩn nhiều rủi ro, phức tạp trong quan hệ hôn nhân. Đặc biệt là khi hai bên ly hôn với nhau. Thay vì chỉ cần “xìa” ra một tờ giấy, ghi rõ ngày đó tôi với anh đã cam kết, thỏa thuận như thế nào, thì này phải chứng minh, phải tranh cãi hết hơi hết sức thế nào là tài sản chung, cái nào là tài sản riêng, cái nào có trước khi kết hôn, thế nào là công sức của bên này, bên nọ … Mặc dù, nói một cách đơn giản thì Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam qui định khi ly hôn, tài sản chung chia đều cho hai bên, nếu không có thỏa thuận nào khác.

Không rõ ràng, phải giả cách, thiệt hại nặng nề

Năm 2012, dư luận quan tâm đến hai vụ án khá đình đám liên quan đến tranh chấp tài sản khi ly hôn tại Việt Nam.

Đầu tiên là vụ ly hôn của người mẫu Ngọc Thúy. Sau khi ly hôn, chồng cũ của Ngọc Thúy là ông Nguyễn Quốc An (Việt kiều Mỹ) đã kiện đòi Ngọc Thúy phải trả cho mình số tài sản trị giá tới 14,4 triệu USD ( tương đương khoảng 288 tỉ đồng). Ông An cho rằng đây là tài sản mà ông đã bỏ tiền của cá nhân mình ra mua tại Việt Nam, và nhờ Ngọc Thúy “đứng tên” trong thời gian còn là vợ chồng.

Theo thông tin trên các báo, sau đám cưới khoảng 10 tháng, ông An và Ngọc Thúy đã gửi đơn xin ly hôn tại Tòa án quận Cam (Orange County), bang California, Mỹ. Tòa thượng thẩm bang California quyết định thu hồi số tài sản đang thuộc quyền sở hữu của Ngọc Thúy trả cho ông An vì được mua bằng tiền riêng của ông An.

Tuy nhiên, do Việt Nam và Mỹ chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp nên bản án tại Mỹ xem như “vô giá trị”, không thể thực hiện tại Việt Nam.

Thế là ông An đành phải kiện đòi tài sản tại Việt Nam. Mà theo luật Việt Nam, thì tài sản được hình thành trong thời ký hôn nhân rất khó có thể xác định chung riêng, luật không truy về nguồn gốc, mà chỉ nêu nguyên tắc là hễ tài sản tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là của chung vợ chồng.

Một vụ khác là vụ án "thần bài" Nguyễn Văn Mến và bà Nguyễn Thị Tuyết Vân. Theo ông Mến là một việt kiều giàu có tại Mỹ. Năm 1992, ông Mến về Phan Thiết mua nhà, đất. Thời điểm này do là Việt kiều không đứng tên nhà đất dược, nên ông nhờ bà Vân (lúc này là "người yêu") đứng tên. Qua năm 1997, hai người kết hôn. Và sau đó ly hôn, khi ly hôn, bà Vân đã cung cấp giấy tờ nhà, đất do bà Vân đứng tên, mua năm 1992 để "chứng minh" là tài sản riêng của mình. Tòa án TP. Phan Thiết đầu năm 2013 đã tuyên chấp nhận yêu cầu của bà Vân. Tuy nhiên qua tháng 5/2013, TAND tỉnh Bình Thuận xử phúc thẩm đã tuyên hủy bản án này vì cho rằng đơn kiện của bà Vân không có cơ sở.

Chỉ qua hai vụ việc nêu trên, rõ ràng đã cho thấy có điều gì đó không ổn trong những vụ án ly hôn mà một bên là “đại gia” trước khi kết hôn. Mà kết quả là khi ly hôn phía “đại gia” thường bị thiệt thòi rất lớn, trong khi phía bên kia lại được “hưởng lợi” – vì thực chất số tài sản mà mình được chia không phải là sự kết tinh lao động một cách chân chính. Chính điều này vô hình chung đã tạo ra sự bất công đối với người chủ thực sự và chân chính. Có công bằng và hợp lý không khi một người không làm mà được “hưởng” theo kiểu “ăn theo” nhờ qui định của pháp luật ? Và thực tế có được mấy người “may mắn” như vậy?

Hôn ước thể hiện sự bình đẳng, chủ động trong hôn nhân

Theo luật sư Trần Hồng Phong (công ty luật hợp danh Ecolaw), luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam cần bổ sung qui định về Hôn khế. Sao cho trước khi kết hôn, hai bên có quyền (nhưng không bắt buộc) thỏa thuận với nhau về những vấn đề liên quan đến tài sản, nhân thân. Thậm chí là cả việc nuôi con, chia tài sản khi ly hôn ….vv. Vì đây là những vấn đề thật sự rất quan trọng và sẽ phải diễn ra/trải qua trong cuộc sống hôn nhân sau này giữa hai người. Quan hệ hôn nhân, suy cho cùng, chính là một “giao kết dân sự” và tình cảm giữa hai cá nhân - nên cũng chứa đựng và tiềm ẩn biết bao nhiêu rủi ro như mọi giao dịch dân sự khác.

Khi mua một món đồ tương đối có giá trị, người ta đã phải đắn đó, suy nghĩ thật nhiều. Vậy tại sao lại “nhắm mắt đưa chân”, phó thác cho số phận khi lao vào một cuộc hôn nhân với một người khác mà mình chưa thực sự hiểu rõ, mà không chủ động điều chỉnh, dự liệu và thỏa thuận với nhau – trên cơ sở bảo đảm hạn chế rủi ro, bảo đảm cho quan hệ hôn nhân được hạnh phúc và bền vững?

Xét về đạo lý và truyền thống của người Việt, luật sư Phong cho rằng việc xây dựng khế ước hôn nhân hoàn toàn không có gì là xấu xa, thiếu cao thượng, thiếu tình cảm, nhỏ mọn hay “không xứng đáng là đấng nam nhi” - như nhiều bạn gái từng nói. Mà theo tôi, thậm chí còn là tốt cho người phụ nữ. Tạo điều kiện cho người phụ nữ có cơ hội “ra giá” cho hôn nhân của mình, là sự “thách cưới” cần thiết và hợp pháp. Nhất là khi ngày nay, vai trò và vị trí của người phụ nữ trong gia đình đã thực sự được nâng lên đáng kể. Người phụ nữ không đơn giản chỉ là người ở nhà, nội trợ, vai trò thấp kém - mà thực sự đã tham gia vào việc kiếm tiền, quản lý, thậm chí đóng vai trò quyết định trong kinh tế gia đình.

Thực ra, lâu nay luật pháp vẫn qui định vợ chồng có quyền có tài sản riêng, có quyền làm kinh tế độc lập. Nên việc có khế ước hôn nhân thực ra chính là nhằm mục đích minh định và rành mạch về vấn đề tài sản chung - riêng. Xác định rõ tài sản riêng có trước khi ly hôn của mỗi bên, hạn chế tranh chấp về sau, cũng như đưa ra những điều kiện theo hướng có lợi cho người yếu thế (thường là phụ nữ). Như vậy, không có gì là không tốt cả. ( Không nói đến những vấn đề tài chính chi tiêu cho các mục đích cơ bản và tối thiểu hàng ngày trong một gia đình – hiển nhiên là trách nhiệm chung của cả hai vợ chồng)

Hãy hình dung tình huống: một cô gái trẻ lấy một đại gia đã lớn tuổi, qua một đời vợ. Trước khi kết hôn, tài sản của đại gia đã có sẵn. Như vậy, nếu theo đúng luật hiện nay, sau khi cưới một năm mà ly hôn, thì hầu như cô gái sẽ phải ra đi trong tay trắng.

Luật sư Phong cho biết chính mình đã tham gia vào một vụ án ly hôn như vậy. Chứng kiến trường hợp một cô gái trẻ, đẹp ly hôn với một doanh nhân nước ngoài chỉ sau một năm chung sống, mà chỉ được “cho” 100 triệu đồng và một chiếc xe gắn máy – trị giá chỉ bằng một nửa tháng lương của doanh nhân này. Vì giữa họ không có tài sản gì có đăng ký tại Việt Nam. Cô gái đã bị thiệt thòi quá nhiều.

Trong trường hợp này, giá như luật pháp cho phép, và cô gái và người doanh nhân có một bản Khế ước, thỏa thuận rõ là kết hôn thì phải mua nhà, nếu ly hôn thì được đền bù, chia tài sản ra sao …vv - thì rõ ràng là tốt hơn nhiều cho phía người phụ nữ yếu thế này.

Hôn ước không bắt buộc phải có mà do sự chủ động của các bên, không làm hạn chế quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với nhau, không ảnh hưởng đến nghĩa vụ đối với con. Hôn ước với những ý nghĩa tích cực như đã trình bày ở trên, đồng thời đang được áp dụng tại nhiều nước tiên tiến, có hệ thống pháp luật lâu đời, tại sao lại không thể thực hiện tại Việt Nam?

---------------------

Nước ngoài: hầu hết các ngôi sao đều có hợp đồng hôn nhân

Năm 2008, ngôi sao điện ảnh Trung Quốc Chương Tử Di đã cùng vị hôn phu tương lai của mình là tỷ phú Mỹ gốc Isarel Vivi Nevo ký kết một bản hợp đồng hôn nhân . Theo đó, tài sản của ai thì người ấy vẫn giữ nguyên mà không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng sau này. Những thu nhập của hai người trong quá trình chung sống cũng được xem là “hồn ai người ấy giữ”. Đồng thời, cả hai cũng đã thống nhất rằng trong trường hợp cuộc hôn nhân của họ không được tốt đẹp, phải đi đến việc ly hôn, thì thay vì chia tài sản chung cua vợ chồng như những trường hợp phổ biến khác, Chương Tử Di sẽ được nhận một khoản tiền được xác định là tiền “trợ cấp”. Tuy nhiên, cuối cùng thì hai người đã chia tay dù chưa kết hôn.

Ông trùm Playboy Hugh Hefner (86 tuổi) khi kết hôn với người mẫu Crystal Harris (26 tuổi), dù có yêu nhưng vẫn không để lý trí lấn át tình cảm. Theo nguồn tin từ tạp chí US thì để có đám cưới với triệu phú Playboy, Crystal Harris đã phải đồng ý ký vào bản hợp đồng hôn nhân mà trong đó ghi rõ, cô không được chia bất kì tài sản nào khi chồng qua đời (ước tính ngài Hugh sở hữu khối tài sản lên tới 43 triệu USD).

Hay cặp đôi quyền lực của Hollywood Angelina Jolie và Brad Pitt quyết định ký kết hợp đồng hôn nhân chủ yếu vì khối tài sản vô giá của họ là những đứa con. Jolie tuyên bố bản thân cô không cần một đồng nào của "ông Smith", nhưng Pitt phải có nhiệm vụ chu cấp tiền nuôi con và Angelina Jolie được quyền nuôi tất cả các con nếu hai người ly hôn.

Còn cặp đôi Tom Cruise và Kate Holmes thì có bản hợp đồng hôn nhân rằng Katie Holmes sẽ nhận được 3 triệu đô mỗi năm trong thời gian làm vợ của Tom. Và nếu cuộc hôn nhân kéo dài 11 năm và lâu hơn nữa cô sẽ nhận được một nửa tài sản của Tom.