Monday, October 6, 2014

Hai nhãn hiệu Rượu Bàu đá trên thị trường


Bàu Đá là một trong những loại rượu thủ công ngon và nổi tiếng nhất của Việt Nam

Huỳnh Kiều

(Ecolaw.vn) – Rượu Bàu Đá là một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Bình Định. Để đưa sản phẩm này thành một hàng hóa đích thực, doanh nghiệp kinh doanh cần phải được bảo hộ nhãn hiệu. Sau nhiều năm tranh cãi, nay Rượu Bàu Đá được xem là một nhãn hiệu chung.

Ngày 10-6-2011, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định đã tổ chức lễ công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá”. ( Giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu độc quyền).

Theo văn bằng này, có 53 doanh nghiệp, cơ sở và hộ cá nhân nấu rượu thuộc Hiệp hội sản xuất kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định được sử dụng nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá”. Trong đó có 37 hộ trực tiếp sản xuất rượu Bàu Đá ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Sự kiện này đã chính thức khép lại vụ tranh chấp pháp lý xung quanh thương hiệu “Rượu Bàu Đá” giữa tỉnh Bình Định và Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh ở Đà Nẵng, kéo dài gần 10 năm nay.

Tranh chấp vì độc quyền

Trước đó, năm 2001, Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh đã đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu “Rượu Bầu Đá” cho sản phẩm của mình. Trên thực tế, Công ty Minh Anh không sản xuất mà đặt cơ sở thu mua rượu tại làng nghề truyền thống sản xuất rượu Bàu Đá ở thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, sau đó đóng chai và đưa ra thị trường với nhãn hiệu “Rượu Bầu Đá”.

Sau khi được cấp chứng nhận nhãn hiệu rượu Bàu Đá như nói trên, công ty Minh Anh đã và cho rằng mình được độc quyền kinh doanh sản phẩm rượu đóng chai mang nhãn hiệu rượu Bàu Đá; đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng không cho phép các loại rượu khác mang nhãn hiệu “rượu Bàu Đá” được bán ra thị trường.

Tháng 4-2010, việc tranh chấp xảy ra khi doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Ngọc Hương (TP. Quy Nhơn tỉnh Bình Định) gửi đơn đăng ký nhãn hiệu rượi Bàu đá và nhận được thông báo của Cục Sở hữu công nghiệp thuộc Bộ Khoa học-Công nghệ với nội dung “Nhàn hiệu không được bảo hộ” vì trước đó nhãn hiệu này đã được Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh TP Đà Nẵng đăng ký.

Sau đó, DNTN Ngọc Hương có văn bản gởi UBND tỉnh Bình Định, đề nghị xác nhận và có ý kiến với Cục Sở hữu công nghiệp xem xét cấp giấy bảo hộ nhãn hàng hóa cho cơ sở.

Để giải quyết, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường Bình Định (Sở KHCN-MT) đã tìm hiểu các chứng cứ xác nhận nguồn gốc rượu Bầu Đá, các qui định pháp luật về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa …

Sở địa phương yêu cầu hủy bỏ Giấy chứng nhận đã cấp

Ngày 9-6-2003, Sở KHCN-MT Bình Định có công văn số 350 gởi Cục Sở hữu công nghiệp, đề nghị hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 37439 mà Cục đã cấp cho Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh. Kèm theo công văn này là các cứ liệu chứng minh tên gọi rượu Bầu Đá có xuất xứ từ Bình Định, đã có từ lâu đời và được sử dụng, thừa nhận rộng rãi, phổ biến tại địa phương.

Căn cứ vào công văn của Sở KHCN-MT Bình Định và các cứ liệu kèm theo, Cục Sở hữu công nghiệp đã có công văn số 797 ngày 13-6-2003 yêu cầu Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh (Đà Nẵng), phải hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 37439, mà Cục đã cấp cho nhãn hiệu "Bàu Đá" đối với sản phẩm rượu của công ty. Cục Sở hữu công nghiệp cũng đề nghị Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh phải có ý kiến giải trình liên quan đến sự việc.

Tháng 8-2007, Hiệp hội sản xuất kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định tiếp tục gửi hồ sơ đề nghị cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể “rượu Bàu Đá”.

Các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định cũng liên tục khiếu kiện yêu cầu trả lại thương hiệu rượu Bàu Đá cho tỉnh này.

Giải quyết trung dung của Cục Sở hữu trí tuệ

Liên quan đến vụ việc này, Cục Sở hữu trí tuệ đã nhiều lần đề nghị hiệp hội sản xuất kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định và công ty Minh Anh thỏa thuận với nhau. Tuy nhiên công ty Minh Anh không chấp nhận từ bỏ nhãn hiệu “rượu Bàu Đá” để hòa nhập, lấy tên chung rượu Bàu Đá cùng với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh loại rượu này ở Bình Định.

Đến tháng 6-2010, cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu hiệp hội sản xuất kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định bổ sung vào mẫu nhãn hiệu đăng ký “rượu Bàu Đá” một hình biểu tượng hoặc một thành phần chữ để phân biệt với nhãn hiệu của công ty Minh Anh. Hiệp hội sản xuất kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định đã bổ sung một logo kèm chữ “bd Rượu Bàu Đá” vào nhãn hiệu đăng ký.

Mãi đến tháng 6-2010, Hiệp hội sản xuất kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định và Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh - Đà Nẵng đã đạt được thỏa thuận với nhau về nhãn hiệu và Cục sở hữu trí tuệ đã chấp thuận cấp bằng bảo hộ cho nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá”.

Như vậy, từ nay, trên thị trường có 2 nhãn hiệu rượu Bàu Đá, đó là nhãn hiệu tập thể “Rượu Bàu Đá” Bình Định và Nhãn hiệu “Rượu Bầu Đá” của Công ty TNHH thực phẩm Minh Anh - Đà Nẵng.

----------------------------

Theo ông Lê Quang Tâm, chủ tịch hiệp hội sản xuất kinh doanh rượu Bàu Đá Bình Định, như vậy trên thị trường hiện nay sẽ có hai nhãn hiệu rượu Bàu Đá được bảo hộ cùng tồn tại. Đó là nhãn hiệu tập thể của tỉnh Bình Định và nhãn hiệu riêng của công ty Minh Anh.

Theo quy định, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu phải gia nhập hiệp mới có quyền sở hữu, sử dụng nhãn hiệu tập thể này. Những doanh nghiệp, cơ sở muốn gắn nhãn hiệu tập thể “rượu Bàu Đá” vào tên của doanh nghiệp, cơ sở đó phải có đủ điều kiện do hiệp hội kiểm tra, xác nhận.

----------------------------------

Bầu Đá mà nhấm mực khô
Có về âm phủ, (cũng) đội mồ mà lên

Danh tửu Việt Nam có thể kể đến như Làng Vân, Gò Đen, Hồng Đào …- trong số đó, người sành rượu không thể không biết đến cái tên Bàu Đá, một loại rượu đế đặc biệt của tỉnh Bình Định.

Làng Cù Lâm (xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) là nơi sản sinh ra rượu Bàu Đá. Theo những người lớn tuổi ở đây, trước kia, trong làng có một cái bàu rộng vài ha, xung quanh là đá, nước ở bàu này uống rất mát và ngọt. Lúc đó, nhiều nhà chưa có giếng lấy nước này về uống, nấu ăn và cả nấu rượu. Cái nguồn nước ngọt ngào ấy cho ra một loại rượu nấu từ gạo rất ngon, thơm và uống có hậu (giới uống rượu dùng từ này chỉ cho loại rượu uống xong còn ngòn ngọt ở cổ). Hương rượu của làng bay xa, nhiều người tìm đến mua. Vậy là hình thành làng rượu, hình thành danh tửu Bàu Đá.

Nhà thơ Nguyễn Duy vinh danh rượu Bàu Đá là “đệ nhất tửu”, thi sĩ Tản Đà thì phong là “đệ nhị tửu”… Mỗi người một cách cảm nhận, nhưng ai đã một lần nhấp thử chút men nồng của ly rượu Bàu Đá thì cũng chếnh choáng như hai con người sành rượu trên.