Hỏi: Kính gửi luật sư Trần Hồng Phong, nay tôi có một vài vướng mắt về pháp luật mong luật sư có thể giải đáp giúp tôi. Vốn là gia đình tôi đang bị kiện về 2 vấn đề như sau:
- Sự việc thứ nhất: Bà nội tôi kiện mẹ tôi về việc thực hiện cấp dưỡng cho bà.
+ Sự việc như thế này, khi ông nội tôi còn sống đã chia cho cha tôi và các chú tôi mỗi người vài công đất (tức vài ngàn m2), và có thoả thuận là phải cấp dưỡng cho ông bà tôi 12 giạ lúa thông dụng/năm, việc cấp dưỡng này được áp dụng cho đến khi ông bà tôi mất. Ông tôi đã mất từ năm 1982. Cha mẹ tôi vẫn thực hiện cấp dưỡng đều đặn mỗi năm như đã thoả thuận (thoả thuận miệng).
+ Đến năm 1999, cha tôi qua đời để lại tài sản đó cho mẹ tôi, mẹ tôi đứng chủ quyền toàn bộ miếng đất đó có sự đồng ý của các đồng thừa kế.
+ Khi cha tôi mất, gia đình tôi rất khó khăn, mẹ tôi một mình nuôi 4 chị em tôi và phải lo trả số nợ mà cha tôi để lại.
+ Lúc đó, mẹ tôi có thoả thuận với bà tôi là tạm hoãn cấp dưỡng cho bà và bà đã đồng ý, gia đình tôi rất cực khổ trong suốt 10 năm, cho đến năm 2010 cho dù bà tôi vẫn chưa yêu cầu cấp dưỡng nhưng mẹ tôi vẫn tự nguyện cấp dưỡng cho bà (vì thấy mình bớt khó khăn hơn xưa, các con đã tìm được việc làm). Đến năm 2011 mẹ tôi vẫn thực hiện cấp dưỡng bình thường. Cũng năm 2011 bà tôi yêu cầu mẹ tôi cấp dưỡng thêm 5 triệu đồng tiền mà mẹ tôi đã tạm hoãn trong 10 năm, mẹ tôi đã đồng ý và hứa sẽ đóng cho bà tôi vào mồng 4 tết âm lịch năm 2012. Hai bên đã đồng ý thoả thuận như vậy.
+ Nhưng sau đó bà tôi không đồng ý giá tiền đó, nhưng không thoả thuận lại với mẹ tôi mà đi thưa mẹ tôi.
Cuối cùng toà tuyên án mẹ tôi phải đóng 16.800.000đ cùng với án phí về "thực hiện di sản do người chết để lại". Mẹ tôi không đồng ý đã làm đơn kháng án.
- Sự việc thứ hai: Chú tôi thưa mẹ tôi để đòi lại 1000m2 đất.
+ Cùng với sự việc bà tôi, thì chú tôi cũng thưa mẹ tôi cùng lúc.
+ Cũng trên miếng đất mà mẹ tôi đứng chủ quyền hiện nay thì trong đó có sự việc như sau: lúc ông tôi còn sống có hứa cho chú tôi 1.000m2. Nhưng chú tôi đã bỏ xứ đi để lại cho cha tôi đứng tên toàn bộ miếng đất đó. Khi cha tôi chết thì mẹ tôi đứng chủ quyền toàn bộ mà tôi đã trình bày như trên sự việc thứ nhất.
+ Đến năm 2011 chú tôi về, mẹ tôi có làm giấy chia lại cho chú tôi 1000m2 với vị trí đất ông tôi cho và mọi người đã thoả thuận. Nhưng chú tôi không nhận mà làm đơn thưa mẹ tôi đã cho chú tôi miếng đất với hình thể kỳ dị và không có lối đi.
+ Chú tôi viết đơn yêu cầu mẹ tôi phải giao lại 1.000m2 đất và phải chia cho chú phần đất mặt tiền có lối đi ra bên ngoài.
Hiện giờ, sự việc thứ 2 nhà tôi đang chờ Toà án xử lý. Kính mong Luật sư cho tôi lời khuyên phải làm sao? Tôi xin chân thành cám ơn (Tr. Tu)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Nói về nguồn ngọn, việc mẹ bạn có được miếng đất như hiện nay không phải do công sức lao động của mình, mà do ông bà nội để lại. Pháp luật cũng qui định con cái có trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ khi về già. Về đạo lý, đó cũng là việc rất nên làm. Do vậy, bất luận thế nào, dù nghèo hay không nghèo, thì mẹ bạn, hoặc cả gia đình bạn, đều nên thực hiện đúng nghĩa vụ cấp dưỡng của mình. Nhất là khi giá trị cũng không phải là quá lớn.
Bà nội bạn chắc cũng đã quá già yếu, nên nay có đòi thêm hay thay đổi ý kiến gì đó thì cũng là điều dễ hiểu và nên linh hoạt chấp thuận cho bà vừa lòng. Mình nên đặt mình vào hoàn cảnh của bà, sẽ dễ thấy thông cảm và dễ hiểu hơn.
Vì bạn không gửi bản án, nên tôi không hiểu nội dung vụ án như thế nào. Tuy nhiên, về nguyên tắc thì bên “thua kiện” phải chịu án phí, bằng khoảng 5% giá trị phần tài sản tranh chấp. Theo đó có thể hiểu là do mẹ bạn đã đưa ra quan điểm “phản tố” nào đó và đã không được tòa chấp thuận. Do vậy phải chịu án phí.
Về nguyên tắc, kết quả xét xử phúc thẩm có thể sẽ khác so với bản án sơ thẩm. Tuy nhiên tôi có lời khuyên là gia đình bạn không nên cố “ăn thua” làm gì với bà nội đã đến tuổi gần đất xa trời của mình. Có thể cái “thua” hôm nay chính là cái được ở ngày mai bạn ạ.
Về việc thứ hai, việc mẹ bạn đồng ý chia cho người chú 1.000m2 đất ngày trước của ông bà là việc cũng rất đáng hoan nghênh, ghi nhận. Vì về nguyên tắc mẹ bạn có quyền không chia – vì đất đã đứng tên của mẹ bạn, tức mẹ bạn có toàn quyền cho hay không cho, chia hay không chia. ( Tất nhiên, nếu không chia thì tình nghĩa bà con chắc chắn sẽ bị sứt mẻ rất nhiều).
Theo qui định tại Bộ luật dân sự, mọi giao dịch liên quan đến bất động sản (mua, bán, cho, tặng …) bất luận thế nào đều phải bảo đảm nguyên tắc “có lối đi”. Vì nếu không thì làm sao người chủ đất đi vào khu đất của mình? Việc này gọi là “quyền về lối đi qua bất động sản liền kề”.
Có lẽ vì miếng đất mà mẹ bạn chia cho chú bạn không có lối đi vào, nên chú bạn đã khởi kiện mẹ bạn là có căn cứ pháp luật. Nếu thực sự không có lối đi, thì khả năng thắng kiện của chú bạn là chắc chắn. Khi đó tòa sẽ đưa ra các giải pháp như: hoán đổi đất, hai bên thỏa thuận đền bù phần một phần diện tích đất để dùng làm lối đi ra …vv. Và chính vì vậy, tốt nhất là ngay từ lúc này, gia đình bạn nên suy nghĩ về “giải pháp có lợi nhất cho mình” – sao cho vẫn phải bảo đảm nguyên tắc có lối đi trên khu đất chia cho chú bạn.
Cuối cùng, qua những thông tin bạn nêu, tôi không hề nghĩ rằng mẹ bạn hay gia đình bạn là “xấu”. Nhưng rõ ràng đôi khi sự thiếu hiểu biết về pháp luật vô hình chung đã làm cho mình trở thành một người hình như là không tốt, chưa tốt.
Chúc gia đình bạn giải quyết cả hai việc một cách linh hoạt, hợp tình hợp lý và kết thúc trong tốt đẹp, thuận hòa. www.ecolaw.vn
-----------------------
Qui định của pháp luật:
Quyền về lối đi qua bất động sản liền kề
1. Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thoả thuận khác.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.
3. Trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.
(Điều 275 Bộ luật dân sự)
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ
ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu
quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên
website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi
người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân
sự, tranh chấp dân sự”
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843
Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn
|