Thursday, August 7, 2014

Biên bản phiên tòa

Biên bản phiên tòa là một văn bản tố tụng quan trọng, do thư ký tòa thực hiện, có nội dung ghi nhận mọi diễn biến của phiên tòa xét xử.

Dưới đây là một Biên bản phiên tòa của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ghi lại diễn biến phiên tòa phúc thẩm một vụ án dân sự.








 ---------------------------------

Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong

1. Trong mọi phiên tòa xét xử, đều phải lập thành Biên bản, ghi nhận mọi diễn biến của phiên tòa. Điều 211 Bộ luật tố tụng dân sự qui định về Biên bản phiên toà như sau:

1. Biên bản phiên toà phải ghi đầy đủ các nội dung sau đây:
a) Các nội dung chính trong quyết định đưa vụ án ra xét xử.
b) Mọi diễn biến tại phiên toà từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên toà;
c) Các câu hỏi, câu trả lời và phát biểu tại phiên toà.

2. Có thể nói, Biên bản phiên tòa là một văn bản tố tụng rất quan trọng, vì về nguyên tắc, nó ghi nhận lại mọi diễn biến, lời ăn tiếng nói của các bên tại phiên tòa. Hơn nữa, đây lại là văn bản do chính cơ quan xét xử lập, nên có ý nghĩa chứng cứ rất cao. Những gì đã được ghi nhận trong Biên bản phiên tòa xem như đương sự “hết đường cãi”. Trong nhiều trường hợp, kết quả xét xử bị thay đổi, bản án bị hủy, sửa đổi hay giám đốc thẩm … chính là nhờ những “tình tiết” được thể hiện trong Biên bản phiên tòa.

3. Luật qui định (tại Bộ luật tố tụng dân sự) là: “ Sau khi kết thúc phiên toà, chủ toạ phiên toà phải kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký Toà án ký vào biên bản đó. Kiểm sát viên và những người tham gia tố tụng có quyền được xem biên bản phiên toà ngay sau khi kết thúc phiên toà, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên toà và ký xác nhận” – có nghĩa là luật sư và các đương sự (nguyên đơn, bị đơn…) có quyền xem biên bản phiên tòa và thậm chí còn có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa. Tuy nhiên đáng tiếc ( nếu không muốn nói là vô cùng đáng tiếc) là trên thực tế hầu như không có vụ án nào mà luật sư, đương sự được tòa cho xem Biên bản phiên tòa. Mà thường là chỉ có thể đọc và biết Biên bản phiên tòa sơ thẩm ở giai đoạn xét xử phúc thẩm (tức là xem “nguội” sau vài tháng). Qui định “sau khi kết thúc phiên tòa” phải có Biên bản chẳng ai rõ là bao lâu.

4. Biên bản phiên tòa mà quí vị đang xem ở trên là Biên bản phiên tòa phúc thẩm. Sở dĩ tôi có được là vì bản án sơ thẩm sau đó đã bị Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên hủy. Cho nên với tư cách là một luật sư tiếp tục tham gia vào vụ án (xét xử lại), tôi mới có cơ hội biết Biên bản phiên tòa phúc thẩm trong đó có mình là như thế nào, ý kiến của mình được ghi nhận ra sao…

5. Có một điều rất đáng nói là về nguyên tắc, thư ký phải ghi đầy đủ, trung thực và khách quan mọi diễn biến, tình tiết trong phiên tòa. Tức là không “nặng” bên này, “nhẹ” bên kia. Thế những, thông thường chẳng ai biết thư ký ghi nhận như thế nào, có đầy đủ hay không. Rồi trước khi chính thức ban hành phải được chính vị thẩm phán chủ tọa phiên tọa đọc, “duyệt”, yêu cầu chỉnh sửa …vv, cho nên nếu gặp vụ án mà thẩm phán tiêu cực, xét xử thiếu khách quan thì nhiều khi đọc biên bản, đương sự có thể “tức hộc máu” vì những điều mình trình bày thì không được ghi nhận, thậm chí những điều mình không nói thì lại có trong biên bản (!?), hay những điều có lợi cho bên kia thì rất nhiều …vv và vv.

6. Nói về ý nghĩa của quyền được xem biên bản phiên tòa, trước đây tôi cũng đã có lần có ý kiến, được đăng trên báo Kinh tế Sài Gòn. Mời quí vị tham khảo thêm trong phần cuối bài viết này.

7. Trong Biên bản phiên tòa nói trên, nói chung là tôi nhận thấy Biên bản ghi lại diễn biến phiên tòa cũng ở mức độ “tạm được”. Nhưng so với nhiều phiên tòa khác mà tôi tham dự thì cũng là khá tốt. Ý kiến của tôi về việc đề nghị hủy bản án sơ thẩm đã được thư ký tòa ghi nhận ( và sau đó tòa đã tuyên hủy án sơ thẩm. Tất nhiên, không phải hoàn toàn là do “công” của tôi).

8. Để kết thúc phần này, tôi xin kể một kỷ niệm về một phiên tòa phúc thẩm tại TAND TP.HCM. Đây là một vụ án mà theo tôi có dấu hiệu chạy án rất rõ ràng. Ngay trong phần thủ tục phiên tòa, tôi có ý kiến đề nghị thư ký tòa phải ghi đầy đủ ý kiến của tôi vào Biên bản phiên tòa. Và tôi đề nghị được xem Biên bản phiên tòa ngay sau phiên xử để biết rõ tòa có ghi nhận đầy đủ diễn biến phiên tòa và kết quả tranh luận hay không. Hội đồng xét xử (gồm 3 vị thẩm phán) đã nhìn tôi bằng ánh mắt “mang hình viên đạn”. Sau đó, chủ tọa đột ngột tuyên bố Hội đồng xét xử “cần hội ý”. Sau khi hội ý, chủ tọa bước ra tuyên bố “chấp nhận đề nghị của luật sư. Nhưng phiên tòa hôm nay phải tạm hoãn để … xác minh thêm”. Ở lần xử sau, Tòa đã “quyết tâm” tuyên bên tôi thua kiện (một số tiền rất lớn). Tuy nhiên, hình như ông trời có mắt, cho nên sau đó chúng tôi có làm đơn đề nghị giám đốc thẩm bản án này và đã được TAND tối cao chấp nhận. Bản án phúc thẩm “có vấn đề” đó đã bị tuyên hủy.

--------------------------------

Bài liên quan:

Cần bảo đảm quyền được xem biên bản phiên tòa