Friday, August 8, 2014

Biên bản giao nhận chứng cứ

Biên bản giao nhận chứng cứ là văn bản tố tụng do Tòa án lập, ghi nhận việc đương sự nộp chứng cứ cho Tòa án. Và do vậy, chính tờ Biên bản giao nhận chứng cứ là “chứng cứ” chứng minh việc đương sự đã nộp chứng cứ cho Tòa án. 

Dưới đây là Biên bản giao nhận chứng cứ do TAND thị xã Dĩ An tỉnh Bình Dương lập.





-----------------------------
Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Theo qui định về nguyên tắc chứng minh trong tố tụng nói chung ( vụ án dân sự, hình sự …) để chứng minh một vấn đề pháp lý nào đó, phải có chứng cứ (bằng chứng).

2. Trong vụ án dân sự, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự. Tức là đương sự có yêu cầu Toà án giải quyết vấn đề gì thì phải đưa ra chứng cứ để chứng minh, thể hiện yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Chẳng hạn ông A khởi kiện yêu cầu Tòa buộc ông B phải trả nợ cho mình. Thì Giấy mượn tiền giữa hai bên chính là một chứng cứ quan trọng. Còn nếu không có chứng cứ, thì khả năng thắng kiện hầu như không có.

3. Cụ thể, Điều 79 Bộ luật tố tụng dân sự qui định như sau:

- Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh.

- Cá nhân, cơ quan tổ chức khởi kiện bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

4. Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ đó.

5. Như vậy, có thể thấy vai trò của chứng cứ là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với việc xác định bản chất vụ việc/vụ án. Là cơ sở để Tòa án xem xét, đánh giá và đưa ra phán quyết của mình.

6. Theo qui định tại điều 84 Bộ luật tố tụng dân sự, trong quá trình Toà án giải quyết vụ án, vào bất kỳ thời điểm nào, đương sự đều có quyền và nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Toà án. Luật qui định việc đương sự giao nộp chứng cứ cho Toà án phải được lập thành văn bản gọi là “Biên bản về việc giao nhận chứng cứ”. Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của chứng cứ; số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Toà án. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ giữ.

7. Với qui định như trên, có thể thấy việc lập Biên bản giao nộp chứng cứ là nghĩa vụ bắt buộc của Tòa án. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn, rất đáng lên án và cũng là sự vi phạm pháp luật ‘công khai và triền miền kéo dài” là rất nhiều Tòa án đã không lập Biên bản giao nộp chứng cứ khi đương sự nộp chứng cứ cho Tòa. Dẫn đến việc đương sự không có bằng chứng chứng minh về việc giao nộp chứng cứ của mình. Nên khi xét xử, vì những lý do khác nhau (chẳng hạn là nhận tiền chạy án) tòa đã cố tình bỏ qua những chứng cứ do đương sự nộp. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt những vụ án oan sai, bất thường … mà đương sự là nạn nhân, chỉ còn biết khóc hoặc phẫn uất mà không biết làm sao.

8. Lời khuyên của tôi là khi giao nộp chứng cứ cho Tòa, quí vị cần yêu cầu Tòa lập Biên bản giao nộp chứng cứ. Khi tòa né tránh, hoặc nói theo kiểu giả lả “không cần thiết”, “không tin tui sao?” … thì tốt nhất nên nhẹ nhàng và cương quyết đề nghị Tòa làm cho đúng luật. Bản thân tôi đã vướng phải những bài học cay đắng và cảm thấy rất ân hận vì trong một số vụ án đã cả nể, không cương quyết yêu cầu Tòa án lập Biên bản giao nộp chứng cứ. Dẫn đến cảnh tự mình làm khó mình. Đối với cán bộ Tòa án, kinh nghiệm của tôi là đừng nghe những gì họ nói, mà hãy yêu cầu họ thực hiện đúng qui định của pháp luật. Kể cả đó là ông Chánh án, hay một vị thẩm phán có bề ngoài đạo mạo, đáng kính …