Friday, August 8, 2014

Bài Quan điểm bảo vệ quyền lợi của luật sư phát biểu tại phiên tòa

Trong phiên tòa xét xử một vụ án, luật sư ( với tư cách là “người bào chữa” trong vụ án hình sự, hoặc “người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự” trong vụ án dân sự …) sẽ nêu/phát biểu/trình bày quan điểm của mình trong phần “tranh luận” tại phiên tòa. 

Ảnh minh họa

Cụ thể, các bên sẽ lắng nghe và tranh luận với nhau, đưa ra bằng chứng và lý lẽ của mình để bác bỏ quan điểm, chứng cứ của phe “đối phương”. Về nguyên tắc, Hội đồng xét xử sẽ xem xét xem bên nào đưa ra lý lẽ xác đáng hơn, đúng pháp luật hơn (hay còn gọi là căn cứ vào kết quả tranh tụng) để tuyên bên đó thắng kiện. Dưới đây là một bài phát biểu về quan điểm bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của luật sư trong một vụ án dân sự, về tranh chấp hợp đồng mua bán nhà giữa hai người là vợ chồng của nhau, tại phiên tòa phúc thẩm.

( Lưu ý: Bài khá dài, và do cũng không có những yếu tố xâm phạm bí mật đời tư, phiên tòa xét xử công khai và vụ án này cũng đã được phản ánh trên một vài tờ báo, nên chúng tôi quyết định giữ nguyên 100% nội dung).

-------------------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

TP. Hồ Chí Minh, ngày 4 tháng 10 năm 2012

QUAN ĐIỂM BẢO VỆ QUYỀN LỢI
( Cho “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” Khúc Thị Ngà, phiên tòa phúc thẩm)

Luật sư Trần Hồng Phong

Kính gửi: HỘI ĐỒNG XÉT XỬ TAND TP.HCM

Ý kiến chung:

- Đây là vụ án nội bộ trong một gia đình. Hiện nay, giữa bị đơn (ông Huy) và bà Ngà đang làm thủ tục ly hôn. Trong vụ án ly hôn, có đề cập đến vấn đề chia tài sản, các khoản nợ của hai vợ chồng – liên quan đến vụ án này. Vấn đề quan trọng là làm sáng tỏ bản chất, thực sự công bằng, khách quan. Hiện nay người vợ đang phải một mình nuôi hai đứa con còn nhỏ,  chồng thì bỏ đi khỏi nhà trên 1 năm nay. Nếu theo kết quả bản án sơ thẩm, thì người vợ sẽ trắng tay. Còn tài sản thì chuyển giao toàn bộ cho mẹ chồng (bà Ngọ).

- Có nhiều tình tiết, vấn đề liên quan đến vụ án cho thấy ông Huy, bà Ngọ có dấu hiệu đặt điều, vu khống - cần có thêm thời gian thu thập thêm chứng cứ, làm rõ ( qua đơn tố cáo).

- Trước phiên Tòa này, bà Ngà đã cung cấp cho Tòa nhiều chứng cứ mới. Tất cả những chứng cứ này đều phù hợp với toàn bộ những lời khai xuyên suốt của chị Ngà thể hiện trong hồ sơ vụ án. Nếu được HĐXX xem xét và chấp thuận, sẽ chứng minh lời khai nại của chị Ngà là đúng sự thật, việc mua bán đất giữa ông Huy bà Ngọ là giả tạo, nhằm mục đích xóa hủy tài sản chung của vợ chồng.

- Điều đáng lưu ý là những chứng cứ này đều hình thành sau thời điểm ông Huy- bà Ngọ đã ký HĐCNQSDĐ hoặc là lời trình bày/xác nhận của chính những người có quan hệ ruột thịt ( chị em ruột, cô ruột, dì ruột) với ông Huy và bà Ngọc ( chứ không phải là chị Ngà). Do vậy có tính khách quan và chính xác. Cụ thể là:

1. Đoạn băng ghi âm lời nói của ông Huy về việc bán đất ngày 31-7 và 1-8-2011.

2. Đơn trình bày của 2 nhân chứng Đặng Thị Tính ngày 24-7-2011 và Mạc Thị Huyền.

3. Hợp đồng giao nhận khoán thầu xây lắp - thể hiện số điện thoại của ông Huy là 0983390332- nhắn tin cho bà Ngà ngày 5-8-2011.

4. Giấy mời của công an quận Gò Vấp ngày 8-8-2011 – về việc bà Ngọ dựng chuyện nói rằng đã trả nợ cho vợ chồng Huy - Ngà.

5. Đơn trình bày của bà Đặng Thị Tính ngày 3-10-2012 về việc ông Huy bán đất.

6. Giấy xác nhận của bà Đặng Thị Tính ngày 3-10-2012, về việc ngày 31-7-2011 ông Huy nói bà Ngọ sẽ đem 900 triệu vào mua lại đất của bà Ngà, và tối ngày 6-8-2011, ông Huy có giao “Đơn khởi kiện”, “ Đơn xin giải quyết tranh chấp” và Thông báo của ông Huy.

7. Đơn khởi kiện và Đơn xin giải quyết tranh chấp, đứng tên bà Ngọ.

8. Giấy xác nhận của bà Bùi Thị Minh về việc ngày 31-7-2011 ông Huy nói bà Ngọ sẽ đem 900 triệu vào mua lại đất của bà Ngà.

Nội dung:

I. Quá trình giải quyết và xét xử sơ thẩm có nhiều sai phạm về thủ tục tố tụng:

1. Bà Ngà là “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” hay “bị đơn”?

Theo Đơn kiện cũng như nội dung sự việc thể hiện giữa bà Ngọ (nguyên đơn) và ông Huy (bị đơn) không hề có tranh chấp. Sở dĩ bà Ngọ không được cấp Giấy CNQSDĐ là do bị bà Ngà có đơn ngăn cản.

Tòa sơ thẩm xác định yêu cầu khởi kiện của bà Ngọ là:

- Tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đã ký với ông Huy ngày 11-7-2011.

- Hủy bỏ văn bản đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền của bà Ngà lập ngày 8-7-2011.

Trên thực tế, cả hai yêu cầu trên đều là sự “tranh chấp” trực tiếp với bà Ngà chứ không phải là ông Huy.

Ngược lại, phía bà Ngà cũng có yêu cầu phản tố hoàn toàn đối ứng với 2 yêu cầu khởi kiện của bà Ngọ. Đó là đề nghị hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Huy và bà Ngọ. Điều này càng cho thấy rõ sự tranh chấp dân sự giữa bà Ngọ và bà Ngà.

Do vậy, theo chúng tôi, trong vụ án này, bà Ngà cần phải được xác định là bị đơn chứ không phải là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

2. Việc Tòa sơ thẩm không xem xét và giải quyết yêu cầu độc lập của bà Ngà là sai tố tụng nghiêm trọng:

Trong vụ án này, Tòa sơ thẩm xác định bà Ngà là người có quyền, nghĩa vụ liên quan.

Theo qui định tại Điều 177 BLTTDS, “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu độc lập nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ hoặc yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm”.

Về thủ tục, theo Điều 178 và 167, 168 BLTTDS: “khi người có quyền, nghĩa vụ liên quan nộp đơn yêu cầu thì Toà án phải nhận đơn. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, Toà án phải xem xét có thụ lý đơn yêu cầu hay không. Trường hợp không thụ lý, Tòa phải có văn bản ghi rõ lý do trả lại Đơn yêu cầu”.

Hồ sơ vụ án thể hiện rõ việc bà Ngà đã có yêu cầu phản tố là đề nghị hủy Hợp đồng CNQSDĐ giữa ông bà Huy – Ngọ. Thể hiện tại nhiều tài liệu:

- “BB không tiến hành hòa giải được” ngày 29-5-2012, bà Ngà đã có yêu cầu: “Tôi không đồng ý việc mua bán đất giữa ông Huy bà Ngọ. Tôi xin được yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Ngọ và ông Huy. Tôi sẽ có Đơn yêu cầu cụ thể nộp cho tòa sau”.

- Sau đó, bà Ngà đã có Đơn yêu cầu gửi Tòa. (không có hồ sơ !?).

- Biên bản phiên tòa, bản án sơ thẩm và Đơn kháng cáo của bà Ngà.

Ngay tại Biên bản phiên tòa cũng đã thể hiện rõ (bút lục 221 trang sau) hội thẩm hỏi: “cơ sở bà bác yêu cầu nguyên đơn là gì”, sau đó bà Ngà lặp lại yêu cầu này nhiều lần (ghi nhận trong Biên bản). Như vậy, rõ ràng ý kiến của bà Ngà đã thể hiện yêu cầu độc lập của bà, không liên quan gì đến nội dung (yêu cầu) khởi kiện giữa bà Ngọ và ông Huy.

Yêu cầu của bà Ngà là hoàn toàn phù hợp với qui định của pháp luật và Tòa án cần phải xem xét, giải quyết – theo hướng có chấp nhận yêu cầu phản tố và độc lập này hay không. Nếu chấp nhận thì phải hướng dẫn đương sự đóng tạm ứng án phí ( vì có liên quan đến tài sản có mệnh giá lớn). Trong trường hợp Tòa không chấp nhận thì cũng phải có hướng dẫn trả lời hoặc phân tích rõ trong bản án.

Thế nhưng, quá trình giải quyết vụ án vừa qua, thể hiện trong hồ sơ vụ án, Bản án sơ thẩm và Biên bản phiên tòa – cho thấy Tòa sơ thẩm đã không giải quyết yêu cầu độc lập của bà Ngà. Trong Bản án sơ thẩm chỉ thể hiện Ngà “không đồng ý” với yêu cầu của bà Ngọ và có nêu ý kiến của bà Ngà là “bà đã giao thông báo hủy hợp đồng ủy quyền cho ông Huy, có lập Vi bằng làm bằng chứng. Hợp đồng ủy quyền chấm dứt mà ông Huy vẫn bán cho bà Ngọ là hành vi tẩu tán tài sản. Nay bà không đồng ý về hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Huy bà Ngọ”.

Việc khi bà Ngà nộp đơn kháng cáo, chính thẩm phán phụ trách xét xử phiên tòa sơ thẩm lập “Biên bản ghi nhận kháng cáo” có nội dung rằng “Vì bà Ngà trình bày sai sự thật, Tòa yêu cầu bà sửa chữa điểm 2 (về Đơn yêu cầu) của Đơn kháng cáo, rồi nộp cho Tòa” hoàn toàn không làm thay đổi bản chất sự việc và cũng không đúng thẩm quyền, mang tính áp đặt. Vì theo qui định tại điều 244 và 246 BLTTDS, Tòa sơ thẩm có trách nhiệm nhận Đơn kháng cáo và kiểm tra thông tin trong Đơn đã đầy đủ chưa, chứ không có quyền ghi nhận theo hướng áp đặt rằng đơn kháng cáo không có căn cứ.

Mặt khác, thậm chí cho dù bà Ngà không/chưa nộp đơn về yêu cầu độc lập của mình đi nữa thì khi xét xử, nếu bà Ngà đưa ra yêu cầu thì Tòa vẫn có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Vì theo qui định tại Điều 217 BLTTDS, tại phiên tòa, HĐXX có nhiệm vụ “hỏi người quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu độc lập không”.

Chúng tôi cho rằng việc Tòa sơ thẩm không xem xét yêu cầu độc lập của bà Ngà là sai tố tụng ớ mức độ nghiêm trọng.

3. Chưa làm rõ ý kiến của “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” ông Bùi Văn Tranh trong quá trình giải quyết/xét xử vụ án :

Ông Bùi Văn Tranh là chồng của bà Ngọ (nguyên đơn). Theo qui định tại Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản xác lập trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Do vậy, việc tòa triệu tập ông Tranh tham gia vào vụ án với tư cách là “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” là phù hợp và nhằm mục đích xác định: khu đất mà mà Ngọ đã mua ( từ ông Huy) có liên quan gì đến ông Tranh hay không? Nếu có/hoặc không liên quan – thì ý kiến của ông Tranh đối với yêu cầu khởi kiện của bà Ngọ ra sao?

Thế nhưng, trong suốt quá trình giải quyết vụ án từ khi khởi kiện đến ngày có Quyết định đưa vụ án ra xét xử ( ngày 22-6-2012), Tòa sơ thẩm không triệu tập ông Tranh. Vì vậy, ông Tranh không tham gia các hòa giải, không có ý kiến gì.

Ngay trong QĐ đưa vụ án ra xét xử ngày 22-6-2012 (duy nhất) cũng không có tên ông Tranh trong danh sách những người tham gia tố tụng. Như vậy, có thể thấy là tại thời điểm Tòa đưa vụ án ra xét xử, Tòa đã “bỏ lọt” ông Tranh.

Đến ngày 16-7-2012, ông Tranh có lập “Giấy ủy quyền” ủy quyền cho bà Thục Đoan đại diện tham gia tố tụng (với lý do là “theo Giấy triệu tập của tòa ngày 10-7-2012”. Thế nhưng, trong Thông báo mở lại phiên tòa ngày 10-7-2012 cũng không có tên ông Tranh tham gia tố tụng.

Như vậy, xét về mặt hình thức, làm sao có cơ sở để xác định ông Tranh là “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” trong vụ án này ? Và nếu đã xác định ông Tranh là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, thì phải ý kiến, phải được triệu tập tham gia hòa giải, đối chất …vv. Và nếu những ý kiến này liên quan đến các đương sự khác, thì sao ?

Thực ra, ông Tranh ( thông qua người đại diện theo ủy quyền) cũng có “ý kiến”. Đó là duy nhất một Bản tự khai ngày 17-7-2012 (bút lục 198), khai “tôi thống nhất với trình bày của bà Ngọ”. Tuy nhiên, theo chúng tôi ý kiến này là hoàn toàn không rõ ràng. Vì không thể hiện rõ về quyền lợi, nghĩa vụ liên quan của mình – theo tư cách tố tụng mà ông Tranh tham gia.

4. Tư cách “người đại diện theo ủy quyền của bà Ngọ” của bà Trịnh Thị Thục Đoan chưa rõ ràng:

Tòa sơ thẩm xác định bà Đoan là người đại diện theo ủy quyền cho bà Ngọ. Thế nhưng, trong hồ sơ vụ án thể hiện bà Ngọ cùng lúc có tới 2 người đại diện theo ủy quyền: bà Đoan và ông Kim Ron Tha. Cụ thể:

- Giấy ủy quyền của bà Ngọ ((bút lục 141, không ghi ngày tháng) bà Ngọ ủy quyền cho ông Kim Ron Tha ( sinh 1976, trú 526 Cộng Hòa, P.13, Tân Bình) là người đại diện cho mình “nộp đơn, tham gia hòa giải, tố tụng” cho đến khi “hoàn tất nội dung ủy quyền”.

- Hợp đồng ủy quyền lập ngày 11-7-2012, bà Ngọ ủy quyền cho bà Trịnh Thị Thục Đoan có nội dung ủy quyền tương tự. Điều đáng nói là trong Hợp đồng ủy quyền này không hề có nội dung nào đề cập đến việc hủy bỏ việc ủy quyền cho ông Kim Ron Tha trước đó.

Như vậy, tại thời điểm xét xử, bà Ngọ đang đồng thời ủy quyền cho hai người. Việc một công việc ( tham gia tố tụng) mà lại ủy quyền cho cùng lúc hai người là có sự “chồng lấn” về mặt chủ thể. Hai chủ thể không thể cùng đại diện theo ủy quyền để thực hiện một công việc giống nhau. Vì như vậy là có sự mâu thuẫn, xung đột về quyền và nghĩa vụ, dẫn đến khả năng có các hậu quả khác nhau…

5. Tòa sơ thẩm không thể bác bỏ “giá trị chứng cứ” của Vi bằng khi không có đương sự nào phản đổi và có yêu cầu tranh chấp/hủy bỏ:

Từ ngày 30-6-2011, sau khi phát hiện ông Huy có dấu hiệu tẩu tán tài sản chung, bà Ngà đã gửi đơn ngăn chặn tới nhiều cơ quan ( UBND quận Gò Vấp, Phòng TNMT, Sở Tư pháp …) và liên hệ với Phòng công chứng để hủy “Hợp đồng ủy quyền” lập ngày 3-6-2012.

Sau đó, theo hướng dẫn của Phòng công chứng và Sở Tư pháp, bà Ngà đã gửi Thông báo về việc hủy hợp đồng ủy quyền với ông Huy bằng hình thức có thể nói là chặt chẽ và hợp pháp nhất. Đó là nhờ Văn phòng Thừa phát lại lập Vi bằng – cũng chính là chứng cứ – ghi nhận việc mình đã trực tiếp giao văn bản Thông báo hủy hợp đồng ủy quyền cho ông Huy.

Theo điều 2 Nghị định 61/2009 của Chính Phủ về Thừa phát lại, “Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”.

Căn cứ theo qui định tại Bộ luật dân sự và Nghị định 61/2009, có thể khẳng định việc Văn phòng Thừa phát lại quận Tân Bình lập bản Vi bằng số 294/2011 ngày 6-7-2011 là đúng thẩm quyền, trình tự chặt chẽ và rõ ràng. Do thừa phát lại Đỗ Thị Thúy Hảo lập, cùng thư ký Phan Phúc Huy đã “ghi nhận việc bà Khúc Thị Ngà có giao cho ông Bùi Văn Huy thông báo về việc hủy hợp đồng ủy quyền vào lúc 8h45 phút ngày 6-7-2011 tại địa chỉ số 74 Phạm Văn Bạch phường 12, quận Gò Vấp”. ( có thông tin ghi nhận là số 774).

Như vậy, xét về mặt pháp lý, Vi bằng chính là chứng cứ/có giá trị chứng cứ để xác định bà Ngà đã giao văn bản thông báo hủy hợp đồng ủy quyền cho ông Huy. Giá trị này đến nay vẫn còn nguyên vì chưa bị ai bác bỏ.

Theo qui định tại Điều 46 Nghị định 61/2009 về “Giải quyết tranh chấp việc lập vi bằng của Thừa phát lại” thì “đối với việc lập vi bằng, nếu có tranh chấp thì các bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết”. Như vậy, trong sự việc này, nếu có ai cho rằng Vi bằng không đúng, thì phải có yêu cầu gửi Tòa án.

Theo “Biên bản tiếp xúc giải quyết khiếu nại” ( bút lục 117) lập ngày 14-10-2011 tại Phòng công chứng số 5, khi Phòng công chứng xác định việc bà Ngà nộp Thông báo hủy hợp đồng ủy quyền là phù hợp và có Vi bằng của Văn phòng Thừa phát lại với nội dung “đã thông báo cho ông Huy” thì ý kiến của ông Huy là : “ Đã nắm rõ, không yêu cầu có văn bản hay quyết định giải quyết khiếu nại”. Như vậy, chính ông Huy cũng không khiếu nại Vi bằng.

Việc bà Ngà giao bản thông báo cho ông Huy còn được chính hai nhân chứng là ông Phạm Thanh Hải và bà Nguyễn Thị Mai, cùng cháu Hoan (con ông Huy) chứng kiến, nhìn thấy. Như vậy có tới 5 người nhìn thấy việc này – phù hợp với sự ghi nhận trong Vi bằng.

( Riêng việc bà Ngà giao văn bản cho ông Huy có nội dung cụ thể là gì, thì ông Hải, bà Mai hiển nhiên không phải là người trong cuộc hay có liên quan, nên cũng không thể hay có nghĩa vụ phải biết chính xác. Chưa kể bà Mai bị tố là người có quan hệ tình cảm bất chính với ông Huy thì khó có thể làm chứng khách quan).

Mặt khác, cho dù là Văn phòng thừa phát lại có ghi sai chính tả về địa chỉ hay số hợp đồng, thì cũng không có bản hợp đồng nào khác để có thể gây nhầm lẫn. Bản chất của Vi bằng là ghi nhận sự kiện/sự việc – chứ không phải là ghi nhận những tình tiết mang tính chất về nội dung giao dịch.

Chưa kể nếu Vi bằng ghi nhận sự việc không đúng, thì Thừa phát lại đã vi phạm điều cấm qui định tại Nghị định 61/2009. Và do vậy phải bị xử lý, thậm chí xem xét về trách nhiệm hình sự.

Chính vì vậy, trong khi không có đương sự nào yêu cầu hay phản đối, mà Tòa sơ thẩm vẫn tự đánh giá, và phán quyết trong bản án - theo hướng không thừa nhận giá trị chứng cứ của Vi bằng là hoàn toàn sai qui định của pháp luật.

6. Yêu cầu “hủy bỏ văn bản đơn phương chấm dứt ủy quyền” của nguyên đơn đã được HĐXX chấp thuận và giải quyết không đúng thủ tục tố tụng.

Tại bản án sơ thẩm, HĐXX tuyên “chấp nhận yêu cầu của bà Ngọ hủy bỏ văn bản đơn phương chấm dứt ủy quyền”.

Tuy nhiên, trong Đơn khởi kiện và Đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện ngày 16-5-2012 đều không đề cập đến yêu cầu “hủy văn bản đơn phương hủy hợp đồng ủy quyền” của nguyên đơn (bà Ngọ).

Hồ sơ vụ án thể hiện phía nguyên đơn lần đầu tiên nêu ra yêu cầu trên là tại phiên tòa sơ thẩm – thể hiện tại Biên bản phiên tòa. Trong phần hỏi: bà Đoan khai “ tôi vẫn giữ yêu cầu tiếp tục hoàn tất và yêu cầu hủy bỏ văn bản đơn phương chấm dứt hợp đồng của bà Ngà”.

Theo qui định tại điều 218 BLTTDS, “Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự, nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu”.

Chúng tôi cho rằng yêu cầu “hủy bỏ văn bản ủy quyền” của bà Ngọ đã “vượt quá” yêu cầu khởi kiện ban đầu. Vì nếu giải quyết theo yêu cầu này, thì bà Ngà đã trở thành bị đơn – tức là làm thay đổi phạm vi xét xử của vụ án.

7. Tòa sơ thẩm xác định tư cách tố tụng của Thừa phát lại quận Tân Bình không đúng và có sự mâu thuẫn, không rõ ràng:

Tòa sơ thẩm xác định hai thành viên của Văn phòng thừa phát lại (bà Đỗ Thị Thúy Hảo (thừa phát lại) và ông Phan Phúc Huy) là “nhân chứng” trong vụ án này. Theo chúng tôi, điều này là không đúng. Vì lẽ:

- Nguyên đơn có yêu cầu hủy văn bản thông báo về việc hủy hợp đồng ủy quyền của bà Ngà – trong khi việc này được ghi nhận trong Vi bằng - là một văn bản pháp lý có giá trị chứng cứ. (Như trình bày ở trên).

- Như vậy, việc xác định có hay không căn cứ đề hủy văn bản thông báo chính là việc xác định tính xác thực và đúng đắn của Vi bằng – do Văn phòng thừa phát lại lập. Trong vụ việc này, bản Vi bằng được lập theo qui định tại Nghị định 61/2009 – thuộc quyền hạn và trách nhiệm của Văn phòng Thừa phát lại. Hay nói cách khác đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền hạn và nghĩa vụ của Văn phòng thừa phát lại và thừa phát lại.

- Do vậy, trong vụ án này Văn phòng thừa phát lại quận Tân Bình ( gồm 2 người có tên trên) phải được triệu tham gia với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Chứ không thể/không phải đơn thuần chỉ là “người làm chứng” – với vai trò chứng kiến và trình bày những điều mà mình thấy – giống như trường hợp của ông Hải và bà Mai.

- Về mặt hình thức thủ tục xác định tư cách tố tụng của Văn phòng thừa phát lại cũng không chặt chẽ, có sự mâu thuẫn. Cụ thể:

o Trong Bản tự khai ngày 10-5-2012 của bà Hảo – tòa xác định bà Hảo là “người liên quan”. Trong Bản tự khai của ông Phan Phúc Huy ngày 15-5-2012 (bút lục 183) cũng xác định ông Huy là “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”.

o Thế nhưng trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử thì ghi không rõ ràng (viết tay thêm vào chữ “nhân chứng”. Còn trong Biên bản phiên tòa và Bản án sơ thẩm thì xác định là “người làm chứng”.

Sự mâu thuẫn này là sai sót không nhỏ và thể khắc phục được.

8. Các đương sự có nhiều lời khai mâu thuẫn nhưng Tòa không tiến hành đối chất

Theo qui định tại Điều 88 Bộ luật tố tụng dân sự, khi có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa các bên thì đương sự có quyền yêu cầu thẩm phán “tiến hành đối chất giữa đương sự và người làm chứng – việc đối chất phải ghi thành biên bản”.
Trong hồ sơ vụ án thể hiện rất nhiều tình tiết có sự mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, giữa nguyên đơn, bị đơn, người làm chứng … Chẳng hạn:

- Lời khai của ông Tranh “thống nhất với yêu cầu của nguyên đơn” là không rõ ràng, thể hiện sự mâu thuẫn với tất cả các tình tiết của vụ án.

- Mâu thuẫn giữa lời khai của Thừa phát lại và hai nhân chứng Hải, Mai về việc giao văn bản cho ông Huy.

- Mâu thuẫn về việc giao tiền mua bán đất, gián bán đất giữa ông Huy và bà Ngọ. …

II. Hợp đồng CNQSDĐ giữa ông bà Huy – Ngọ là hợp đồng giả cách, thực chất là nhằm mục đích xóa sổ tài sản chung của vợ chồng, “tác giả” là ông Huy:

1. Bà Ngà đã đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền đúng luật, ông Huy biết nhưng vấn cố tình ký hợp đồng với bà Ngọ nhằm mục đích tẩu tán tài sản chung:

HĐ ủy quyền Huy – Ngà là ủy quyền không có thù lao. Tại khoản 2 Điều 593 BLDS qui định: “Trong trường hợp uỷ quyền không có thù lao, thì bên được uỷ quyền có thể đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên uỷ quyền biết trong một thời hạn hợp lý”.

Trên thực tế, bà Ngà đã đơn phương đình chỉ hợp đồng ủy quyền hoàn toàn đúng pháp luật. Cụ thể :

- Gửi “Thông báo về việc chấm dứt hợp đồng ủy quyền” cho ông Huy bằng hình thức chặt chẽ nhất là nhờ Văn phòng thừa phát lại lập Vi bằng – có giá trị chứng cứ.
- Lập “Văn bản đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền” tại Phòng công chứng.

- Gửi Đơn ngăn chặn.

Tất cả đều diễn ra trước ngày 11-7-2011, tức là việc ủy quyền giữa Huy – Ngà không còn hiệu lực nữa. Và do vậy, ông Huy không có tư cách (về mặt chủ thể) để ký hợp đồng với bà Ngọ sau đó.

Việc Tòa sơ thẩm cho rằng việc bà Ngà thông báo cho ông Huy là không đúng qui định chúng tôi không đồng ý và đã có phân tích ở trên.

2. Bà Ngọ không phải là người thực sự mua đất:

Nếu bà Ngọ là người mua đất thực sự, thì không thể có việc bà Ngọ tới nhà bà Tính nói ông bà Huy - Ngà đã bán đất cho “người ta và nếu không ra sổ được thì ông Huy bị bắt đền”.

Theo Đơn trình bày của bà Tính ngày 24-7-2011 và 3-10-2012, bà Ngọ có nói như sau:

- Ngày 1-6-2011: Huy – Ngà đã bán đất, có người đặt cọc 30 triệu đồng ngày 31-5-2011. Ngày 10-6-2011 sẽ trả hết tiền.

- Ngày 4-6-2011: “Chúng nó bán đất rồi”, “bán đi để trả hết nợ, còn khoảng hơn 700 triệu đồng thì mua miếng đất nhỏ”.

- Ngày 30-7 và 3-8-2011: Huy tức vì đã bán đất cho người ta, người ta đặt cọc 930 triệu đồng, bây giờ không sang tên được nên người ta bắt đền 1,8 tỷ đồng.

- Lời nói của bà Ngọ ngày 5-8-2011: tôi làm gì có tiền mua đất - theo Đơn trình bày của bà Tính.

Trong băng ghi âm ngày 31-7 tới 1-8-2011 giữa ông bà Huy – Ngà. Ông Huy nói:

- Vì mày mà nó xiết xe của tao, xiết đồ của tao, từ giờ đến thứ 6 tao không ra được sổ cho nó thì nó sẽ tính xổ tao.

- Cái tiền tao lấy của người ta rồi, nó thông tin ra không lấy được sổ, nó xiết hết đồ của tao rồi. Tao đang đi lang thang từ chiều đến giờ ở đây đây.

- Giờ này mày có bán đất cho người ta đâu mà 1 tỉ. Tiền đâu.

Nếu ông Huy bán cho bà Ngọ, sao lại nói là bán cho “người ta” và “nếu không giao sổ thì người ta sẽ xiết xe, tính sổ tao”… . “Người ta” mà ông Huy nói không thể là bà Ngọ. Vì: bà Ngọ không hề “xiết xe”, “tính sổ”. Thời điểm này, bà Ngọ đang ở ngoài bắc.

3. Nhiều điểm vô lý, mâu thuẫn về giá bán, việc thanh toán tiền:

* Giá bán: lúc thì 100 triệu, lúc 930 triệu, lúc 800 triệu, lúc 900 triệu. Cụ thể:

- Trong Hợp đồng CNQSDĐ và Đơn khởi kiện ghi giá là 100 triệu đồng.

- Trong quá trình giải quyết vụ án, ông Huy và bà Ngọ khai giá là 930 triệu đồng.

- Ngày 5-8-2011, ông Huy nhắn tin nói: “lấy 800 triệu của mẹ tao đi trả nợ, tao bán lô đất cho mẹ tao đó”.

* Thời điểm thanh toán: lúc 1 lần, lúc 2 lần, lúc nói “đã trả nợ thay”.

- Điều 2 Hợp đồng, ghi “giao hết tiền sau khi hợp đồng được công chứng chứng nhận” – Tức ngày 11-7-2011.

- Trong BB hòa giải ngày 10-5-2012, bà Ngọ khai: thanh toán 2 đợt: giữa tháng 5-2011 là 500 triệu đồng và ngày 3-6-2011 là 430 triệu đồng. Ông Huy khai : giữa tháng 5-2011 là 500 triệu đồng, ngày 11-7-2011 là 430 triệu đồng – trong khi giữa tháng 5-2011, ông Huy bà Ngà vẫn chưa được cấp sổ.

- Theo tin nhắn ngày 5-8-2011 nói trên, ông Huy nhận tiền một lần.

- Trong BB hòa giải ngày 10-5-2011, ông Huy, bà Ngọ khai: giao tiền cho vợ chồng Huy – Ngà. Nhưng không có bằng chứng giao tiền.

- Trong Bản tường trình của ông Huy ngày 12-9-2012, thì bà Ngọ giao 500 triệu đồng cho ông Huy, sau đó ông Huy giao lại cho bà Ngà. Rồi bà Ngà gửi cho bà Tính. Lời khai này hoàn toàn mâu thuẫn với lời khai trước đây và chưa có cơ sở kiểm chứng là lời khai nào đúng.

- Theo “Đơn khởi kiện” và “Đơn xin giải quyết tranh chấp” đứng tên bà Ngọ (mà ông Huy giao cho bà Ngọ ngày 31-7-2012 với sự làm chứng của nhiều người) thì ghi nội dung: bà Ngọ đã dùng tiền của mình để trả nợ thay cho vợ chồng Huy – Ngà. Điều này là hoàn toàn vô lý vì không có bằng chứng, không đúng sự thật. Hiện nay số nợ chung của hai vợ chồng vẫn còn, chưa trả. ( Thậm chí bà Ngọ, dưới dự đạo diễn của ông Huy còn làm Đơn tố cáo bà Ngà ra công an mà nội dung là sự vu khống).

- Theo Giấy xác nhận của bà Tính, bà Minh, ngày 31-7-2011, ông Huy nói: “ngày mai mẹ tao mang 900 triệu đồng vào mua miếng đất của mày”.

Tất cả những chứng cứ trên đều phù hợp với toàn bộ những lời khai xuyên suốt của chị Ngà thể hiện trong hồ sơ vụ án và đủ cơ sở để chứng minh việc mua bán đất giữa ông Huy bà Ngọ là giả tạo, không có thật.

Theo qui định tại điều 138 BLDS về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo: “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác, thì giao dịch giả tạo vô hiệu. Nếu giao dịch được xác lập không nhằm mục đích làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các bên, thì giao dịch đó cũng bị coi là vô hiệu”.

Thực chất của việc ông Huy bán đất cho bà Ngọ là nhằm mục đích tẩu tán tài sản chung của vợ chồng, tài sản chuyển vào tay bà Ngọ là mẹ ruột ông Huy, để bà Ngà trở thành người trắng tay. Nguyên nhân: do có sự mẫu thuẫn giữa hai vợ chồng.

III. Một số vấn đề khác có liên quan:

1. Việc chậm trễ của cơ quan hành chính Nhà nước:

Có thể thấy rõ cùng việc giao văn bản thông báo hủy hợp đồng ủy quyền cho ông Huy một cách chặt chẽ và tốt nhất có thể (lập Vi bằng) ngày 9-7-2012 bà Ngà còn trực tiếp nộp đơn ngăn chặn và các tài liệu liên quan lên Sở Tư Pháp. Là nơi có thẩm quyền đưa thông tin ngăn chặn lên mạng internet, cập nhật đến các phòng công chứng.

Ngày 9-7-2011 là ngày thứ Sáu, ngày làm việc. Về nguyên tắc, do tính chất nhạy cảm, lẽ ra Sở Tư Pháp phải cập nhật thông tin này ngay. Nhưng có lẽ đến trưa ngày thứ Hai mới đưa lên. Dẫn đến việc vẫn ký được hợp đồng.

Như vậy, việc này hoàn toàn không có lỗi của bà Ngà. Vậy tại sao bà Ngà phải gánh chịu hậu quả do sai sót của nhân viên Nhà nước?

2. Một số tình tiết thể hiện sự thiếu khách quan của Tòa sơ thẩm:

* Áp sai ngày hủy hợp đồng ủy quyền giữa bà Ngà và ông Huy:

Ngày 8-7-2011 bà Ngà có văn bản hủy hợp đồng ủy quyền và đơn ngăn chặn gửi Sở Tư pháp và Phòng công chứng. Trong “Đơn xin ngăn chặn” ngày 8-7-2011 của tôi, cán bộ của Sở Tư pháp là ông Hứa Minh Phương đã ghi rõ là “Nhận ngày 8-7-2011”.

Không chỉ vậy, bà Ngà còn gửi bản “Chi tiết ngăn chặn” của Sở Tư pháp, trong đó thể hiện rõ là “ngày công văn” là ngày “8-7-2011” và ban hành theo “Đơn đề ngày 8-7-2011”.

Thế nhưng, khi xét xử Tòa lại “bỏ qua” 2 chứng cứ nói trên, mà lại ghi theo Biên bản xác minh ngày 4-6-2012 là “Ngày 11-7-2011(không xác định thời gian cụ thể) Sở Tư pháp mới nhận được Văn bản đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng” với cách viết như vậy - đã hoàn toàn bất lợi cho bà Ngà và mâu thuẫn với 2 chứng cứ mà bà Ngà đã nộp cho Tòa.

* Bỏ qua tình tiết về việc ông Huy bà Ngọ gian dối:

Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Ngà đã giao nộp cho Tòa 2 chứng cứ sau đây – đã trình bày ở phần trên :

- Tin nhắn của ông Huy, cho thấy thực chất ông Huy không bán đất cho bà Ngọ mà tự ý “cấn nợ”.

- Đơn trình bày ngày 24-7-2012 của bà Đặng Thị Tính (dì ruột ông Huy, em ruột bà Ngọ): Nội dung cho thấy bà Ngọ có nhiều dấu hiệu gian dối và không phải là người mua đất thật sự. Và ông Huy là người “đạo diễn” trong sự việc này

Thế nhưng, Tòa cũng không hề xem xét đến hai chứng cứ này.

Kính thưa Hội đồng xét xử,

Qua những điều trình bày trên, chúng tôi cho rằng:

- Về thủ tục tố tụng, với nhiều điểm sai sót như trên, có thể thấy là ở mức độ nghiêm trọng và không thể khắc phục tại phiên tòa phúc thẩm này.

- Về nội dung: việc xem xét, đánh giá chưa toàn diện, có phần thiếu khách quan, có những nhận định mang tính suy đoán, không phù hợp… Cần có điều kiện để kiểm chứng, xem xét, đánh giá lại

Căn cứ :

- Theo Điều 61 BLTTDS về việc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền có yêu cầu độc lập.

- Điều 271 BLTTDS về việc tại phiên tòa phúc thẩm, đương sự có quyền xuất trình bổ sung chứng cứ.

- Điều 277 BLTTDS về việc hủy bản án sơ thẩm, và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án trong trường hợp “Việc chứng minh và thu thập chứng cứ không chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được” và “có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.”

- Điều 138 BLDS về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo và các qui định khác tại Bộ luật dân sự về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.

- Nghị định 61/2009 về giá trị chứng cứ của Vi bằng được lập bởi Thừa phát lại.

Kính đề nghị HĐXX : Tuyên hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về TAND quận Gò Vấp để xét xử lại – nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên.

Tôi xin chân thành cám ơn

-----------------------------------

Phân tích pháp lý của luật sư Trần Hồng Phong

1. Về nguyên tắc, pháp luật tố tụng nói chung không qui định việc ý kiến phát biểu, tranh luận của luật sư hay các bên đương sự tại phiên tòa phải thể hiện bằng văn bản. Tuy nhiên, nếu muốn có cơ hội chiến thắng, hiển nhiên các luật sư ( hoặc các bên đương sự) cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc về việc này, mà tốt nhất là chuẩn bị sẵn bằng văn bản để khỏi “lạc đường” tại phiên tòa, cũng như gửi bài phát biểu cho Hội đồng xét xử sau khi phát biểu, để Tòa có điều kiện ghi nhận một cách đầy đủ và chính xác hơn ý kiến của luật sư vào trong bản án.

2. Trên thực tế, bài quan điểm bảo vệ của luật sư chỉ mang tính định hướng, khái quát, thể hiện quan điểm đánh giá của luật sư sau khi đã nghiên cứu hồ sơ vụ án tính đến thời điểm trước phiên tòa xét xử. Còn cụ thể và chi tiết như thế nào, còn phụ thuộc vào kết quả tranh luận và những tình tiết, chứng cứ mới ngay tại phiên tòa.

3. Theo qui định, Hội đồng xét xử phải xem xét đánh giá về vụ án một cách khách quan, toàn diện và đúng pháp luật. Có nghĩa là không được “bên trọng bên khinh” trong việc lắng nghe, ghi nhận và đánh giá quan điểm, chứng cứ do các bên, các luật sư đưa ra. Đồng thời, quan điểm, ý kiến phát biểu của luật sư phải được ghi nhận đầy đủ, trung thực trong Biên bản phiên tòa và bản án. Thế nhưng, trên thực tế không phải bao giờ cũng vậy.