Saturday, July 26, 2014

Chuyển nhượng tác quyền tại Việt Nam


Hary Potter là tác phẩm có giá tác quyền cao nhất

Thùy Linh

(Ecolaw.vn) – Cùng với sự ra đời của luật Sở hữu trí tuệ, sản phẩm của sự sáng tạo (tác phẩm văn học, kịch bản …) được ghi nhận, bảo hộ và thực sự trở thành một loại tài sản có giá. Thời gian qua, việc nhận và nhượng quyền tác giả đã trở nên phổ biến tại Việt Nam.


Hàng trăm hợp đồng chuyển nhượng tác quyền đã được thực hiện

Tháng 10-2008, chị Nguyễn Thị Thu Hương, tác giả tập sách “Hành trình xương thủy tinh” (từng được báo Tuổi Trẻ trích đăng tải) đã ký hợp đồng chuyển toàn bộ quyền tài sản – là một trong hai bộ phần cấu thành của quyền tác giả ( bao gồm Quyền nhân thân và Quyền tài sản) đối với tập sách này cho báo Tuổi Trẻ. Hầu hết các tác phẩm của Sơn Nam nay thuộc quyền khai thác của nhà xuất bản Trẻ

Theo đó, báo Tuổi Trẻ được quyền khai thác mọi lợi nhuận có được từ tác phẩm Hành trình xương thủy tinh và được quyền sử dụng tác phẩm này vào những chương trình liên quan đến việc học hành, nâng cao tri thức cho trẻ em, nhất là trẻ em kém may mắn, ở vùng sâu, vùng xa...

Khoản lợi nhuận đầu tiên liên quan đến việc này là toàn bộ nhuận bút của lần tái bản đầu tiên tập sách Hành trình xương thủy tinh (Tủ sách Tuổi Trẻ và NXB Trẻ), trị giá 13,5 triệu đồng đã được báo Tuổi Trẻ tiếp nhận để chuyển vào quỹ học bổng “Tiếp sức đến trường”.

Có thể thấy, thời gian gần đây, ngày càng có nhiều hợp đồng về việc chuyển nhượng quyền tài sản của tác giả được thực hiện tại Việt Nam. Nhất là sau khi Việt Nam ban hành luật về sở hữu trí tuệ và gia nhập WTO.

Rất sớm trước đây, tháng 7-2003 Nhà Xuất Bản Trẻ là một trong những đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đặt vấn đề mua tác quyền và đã ký hợp đồng mua toàn bộ tác quyền ( quyền tài sản) các tác phẩm của nhà văn “ông già nam bộ” Nam Sơn. Bao gồm những tác phẩm của nhà văn Sơn Nam viết từ trước 1975, với hơn 39 tựa sách.

Tháng 5-2005, công ty Phương Nam đã mua lại tác quyền nhiều sản phẩm của 5 nhà xuất bản nước ngoài. Theo đó, Phương Nam được phép độc quyền phát hành tại Việt Nam nhiều bộ sách có giá trị như: bộ sách học Anh ngữ của Tập đoàn Pearson Longman ( gồm 38 quyển ở các trình độ ) là SuperTots, SuperKids và Cutting .

Trước đó, Phương Nam cũng từng mua tác quyền một số sách của NXB McGraw Hill, NXB Wiley, NXB Bounty, NXB Thế Giới Mới (Trung Quốc) với các sách tâm lý giáo dục và văn học.

Không chỉ là sách cho người lớn, tháng 6-2005 Nhà xuất bản Kim Đồng cũng đã mua tác quyền của 6 tác giả có nhiều tác phẩm hay cho thiếu nhi là : Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Hà Ân, Võ Quảng, Phạm Hổ, Trần Đăng Khoa. Với những tác phẩm văn học rất nổi tiếng, từng được xem “gối đầu giường” của nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam như : Dế mèn phiêu lưu ký, Trăng nước Chương Dương, Góc sân và khoảng trời...

Đi đầu trong vấn đề mua tác quyền có lẽ là Nhà xuất bản Trẻ. Theo danh sách công bố chính thức, hàng trăm tác phẩm của rất nhiều nhà xuất bản nổi tiếng trên thế giới đã được Nhà xuất bản Trẻ ký hợp đồng khai thác tác quyền tại Việt Nam. Trong đó có những cuốn rất nổi tiếng như : A Brief History of Time (Lược sử thời gian), The Universe in a Nutshell (Vũ trụ trong vỏ hạt dẻ) của nhà khoa học Stephen Hawking.

“Quyền tài sản” có thể chuyển nhượng

Theo qui định, quyền tác gồm Quyền nhân thân và Quyền tài sản. Nếu như quyền nhân thân (đứng tên, đặt tên …) được xem là “gắn liền” với tác giả, không thể chuyển giao cho người khác thì quyền tài sản ( sao chép, phân phối, bán, cho thuê ….) tác giả có quyền chuyển giao cho người khác để “khai thác” một cách rộng rãi, hiệu quả hơn. Và tất nhiên sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn – cho cả hai phía : tác giả và người nhận mua.Hary Potter là tác phẩm có giá tác quyền cao nhất

Trên thực tế, việc chuyển nhượng quyền tài sản đối với tác phẩm là rất cần thiết và được pháp luật bảo đảm. Bởi nếu tác giả chỉ đơn thuần là người viết, mà không có khả năng để công bố, in ấn, kinh doanh sản phẩm trí tuệ của mình – mà điều này hầu như là phổ biến vì nhà văn đâu phải là doanh nhân, thì cơ hội để tác phẩm của mình được phổ biến rộng rãi đến “người tiêu dùng” sẽ trở nên rất khó khăn.

Nhưng nếu có những nơi chuyên nghiệp, chuyên kinh doanh về việc khai thác, phát hành … những sản phẩm trí tuệ làm việc đó thì có nghĩa là “chìa khóa” để giải quyết những khó khăn, hạn chế của tác giả xem như đã được giải quyết.

Trường hợp bộ sách Harry Portter của nữ văn sĩ người Anh Rowling là một trong những ví dụ sinh động nhất về sự thành công trong việc chuyển nhượng việc khai thác quyền tài sản đối với tác phẩm.

Chỉ sau vài tập đầu tiên của Harry Portter, hãng Warner Bros đã ký hợp đồng với Rowling ngay từ khi tập sách tiếp theo về cậu bé phù thủy Harry Portter … còn chưa được viết ra ! Và từ một thiếu phụ thất nghiệp, nghèo khó … với bộ sách 7 tập Harry Portter, nay Rowling đã đứng vào danh sách những người giàu có nhất hành tinh.

--------------------------------------------------------

Trung Quốc đổ xô mua tác quyền của Doris Lessing

Sau khi Giải Nobel 2007 được công bố thuộc về nhà văn người Anh Doris Lessing, giới làm sách châu Á, trong đó có các nhà xuất bản Trung Quốc phải tất tả tìm mua bản quyền các tác phẩm của bà.

Trong diễn văn công bố giải thưởng, Viện Hàn lâm Thụy Điển ngợi ca Lessing là “tác giả của những trang viết giàu tính sử thi về trải nghiệm của nữ giới, người đã khai phá kỹ lưỡng một nền văn minh chia cắt bằng sức mạnh của cái nhìn hoài nghi, nồng nhiệt nhưng có tầm bao quát xa rộng".

Nhà văn Doris Lessing và huy chương Nobel văn chương 2007Nhưng tác phẩm của bà chưa thực sự vươn rộng đến độc giả Trung Quốc. Các nhà xuất bản nước này không mong chờ Lessing đoạt giải, vì như thế, họ sẽ gặp rất nhiều bất lợi trong việc xếp hàng mua bản quyền tác phẩm của nhà văn.

Trong số rất nhiều các sáng tác của Lessing, chỉ có ba cuốn đã được dịch ra tiếng Trung: The Grass Is Singing (Cỏ hát) - cuốn tiểu thuyết đầu tay; The Golden Notebook (Cuốn sổ vàng) - tác phẩm nổi tiếng nhất và Love, Again (Yêu lần nữa).

Các nhà xuất bản tại Thượng Hải đang liên hệ để mua tiếp tác quyền các cuốn sách khác của bà, dù họ không hy vọng chúng sẽ đạt được doanh số phát hành lớn.

"Tác phẩm của các nhà văn đoạt giải Nobel rõ ràng là những cuốn sách kinh điển, nhưng chúng chỉ hấp dẫn một nhóm độc giả nhỏ thực sự yêu thích văn học nước ngoài. Sách của họ được xuất bản nhiều vì tầm quan trọng và vẻ đẹp ngôn ngữ của chúng hơn là vì giá trị thương mại”, Wu Hong, Phó giám đốc NXB Văn học nước ngoài Thượng Hải, cho biết.

Trước đây, NXB Văn học nước ngoài Thượng Hải đã mua được bản quyền hai tác phẩm của Elfriede Jelinek (Nobel Văn học 2004) và ba cuốn của Imre Kertesz (giải Nobel năm 2002).

My Name Is Red - cuốn tiểu thuyết của Nobel Văn học 2006 Orhan Pamuk đã bán ra được 290.000 bản. Nhưng ông Wu cho rằng, đó là một ngoại lệ. "Nếu chúng tôi mua được bản quyền sách của Lessing, chúng tôi sẽ in với số lượng 10.000 - 20.000 bản, dựa vào doanh số các cuốn sách Nobel trước đây”, ông Wu nói.

---------------------------

Quy định của pháp luật:

Quyền tài sản

Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây: 

  1. Làm tác phẩm phái sinh;
  2. Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
  3. Sao chép tác phẩm;
  4. Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
  5. Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
  6. Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền nêu trên phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

(Theo Điều 20, Luật Sở hữu trí tuệ)