Saturday, July 26, 2014

Phần lớn tiến sĩ tại Việt Nam lo làm quan mà không nghiên cứu khoa học



Nói đến tiến sĩ người ta thường liên tưởng đến những nhà khoa học. Nhưng ở Việt Nam phần lớn các tiến sĩ làm quan mà không nghiên cứu khoa học (ảnh minh họa)

Các Thủy 

(Ecolaw.vn) - Việt Nam hiện có khoảng 24.000 tiến sĩ. Tuy nhiên phần lớn trong số này lo làm quan chứ không nghiên cứu khoa học. Trong xã hội, quan điểm học để tiến thân được nhiều người áp dụng.



Báo Tuổi Trẻ đưa tin tại hội thảo “Giáo dục đại học VN hội nhập quốc tế” do Quỹ phát triển ĐHQG TP.HCM tổ chức sáng 9-11-2012, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (ĐH New South Wales, Úc) cho biết Việt Nam hiện có khoảng 24.000 tiến sĩ và 9.000 giáo sư và phó giáo sư. Tuy nhiên, điều đáng nói là tuy có số lượng hết sức hùng hậu như vậy, nhưng số công trình nghiên cứu khoa học công bố lại nằm vào nhóm thấp nhất các nước Đông Nam Á. Các bài báo nghiên cứu khoa học được đăng trên các tạp chí danh tiếng của Việt Nam, trong một năm, không bằng số lượng của một trường đại học tại Thái Lan.

Đặc biệt, có tới khoảng 70% tiến sĩ không làm nghiên cứu khoa học mà chỉ làm các chức vụ hành chính và quản lý.

Theo các ý kiến phát biểu tại hội thảo, do số lượng sinh viên tăng quá nhanh nên đa số giáo sư, tiến sĩ ở các trường đại học phải chạy sô giảng dạy, không có thời gian nghiên cứu khoa học. Mặt khác, kinh phí nghiên cứu khoa học ít và sử dụng chưa hiệu quả, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu thiếu và lạc hậu cũng là một nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.

Theo giáo sư Martin Hayden (ĐH Southern Cross, Úc), vai trò nghiên cứu của đại học chưa được nhấn mạnh và chủ yếu tập trung vào việc giảng dạy thay vì nghiên cứu, nhiều giảng viên chưa có trình độ tiến sĩ. Theo ông, phân bổ ngân sách của các bộ chủ quản chủ yếu tập trung vào việc trả lương, chỉ có khoảng 10% được chi cho nghiên cứu khoa học.

Kết quả nghiên cứu cho thấy do chất lượng nghiên cứu khoa học yếu kém, nên năm 2012, Việt Nam chỉ đứng thứ 76/141 quốc gia trong bảng xếp hạng trí tuệ toàn cầu.

Nếu như với nước ngoài, việc cầm tấm bằng tiến sĩ mới chỉ là có đủ trình độ để xử lý thông tin, bước khởi đầu cho con đường nghề nghiệp, thì tại Việt Nam, tấm bằng tiến sĩ lại được coi như điểm cuối cùng của quá trình đào tạo, kết thúc sự phấn đấu bằng cấp nghề nghiệp.

Có một thực tế mà ai cũng thấy, là tại Việt Nam bằng cấp, học vị hiện nay thường chỉ để tiến thân, đặc biệt là đối với những người là cán bộ, công chức làm việc trong cơ quan Nhà nước. Hầu như rất ít người học hành, nghiên cứu vì mục đích say mê khoa học thực sự.

Minh chứng rõ nhất cho việc lấy tấm bằng tiến sĩ chỉ để làm quan có thể thấy ngay trong bộ máy Chính phủ hiện hành. Trong số 20 vị Bộ trưởng đương chức có đến 12 vị có bằng tiến sĩ. Từ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến GS-TS, cho đến Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng cũng có bằng tiến sĩ, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ GS-TS, Bộ trưởng bộ NN và PTNT Cao Đức Phát –TS, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng – TS, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận GS-TS, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang – TS, Thống đốc NHNNVN Nguyễn Văn Bình cũng là tiến sĩ khoa học…