Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Trong trường hợp anh nêu, tuy doanh nghiệp đối tác là phía nước ngoài (có vốn nước ngoài), nhưng về mặt pháp luật vẫn là một doanh nghiệp Việt Nam, vì hoạt động theo giấy chứng nhận ĐKKD do cơ quan hành chính Việt Nam cấp, trên lãnh thổ Việt Nam và theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Về việc hợp đồng thương mại (ở đây là hợp đồng dịch vụ - một dạng của hợp đồng thương mại) ký kết giữa hai bên chỉ bằng tiếng Anh có sai hay không? hay có bắt buộc phải bằng tiếng Việt hay không? - hiện pháp luật không cấm và cũng không có quy định theo kiểu “bắt buộc” phải dùng ngôn ngữ tiếng Việt. Tức là có thể hiểu rằng nếu các bên ký hợp đồng chỉ du nhất bằng tiếng Anh thì cũng được, mà ký chỉ du nhất bằng tiếng Việt cũng được. Và/hoặc ký vừa là tiếng Việt, vừa là tiếng Anh (hợp đồng song ngữ) thì cũng được luôn!
Qua kinh nghiệm thực tế, nếu xét thuần túy về mặt ngôn ngữ giao dịch, theo tôi các bên nên ký bản song ngữ (vừa tiếng Anh, vừa tiếng Việt) là tốt nhất. Vì khi đó, cả hai bên đều có cơ hội hiểu rõ về hợp đồng/giao dịch mà mình giao kết. (Tức là phía người nước ngoài hiểu qua bản tiếng Anh, còn người Việt Nam thì hiểu qua bản tiếng Việt).
Ngoài ra, còn một số vấn đề sau đây cần lưu ý, trước khi quyết định ký hợp đồng chỉ bằng tiếng Anh.
Một là, dù là hợp đồng tiếng Việt hay tiếng Anh, thì sau này nếu có tranh chấp, nếu đưa ra Tòa án giải quyết thì bắt buộc phải dùng tiếng Việt (ngôn ngữ tiếng Việt). Đây là quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Cho nên nếu chỉ ký bằng tiếng Anh, thì phải dịch ra tiếng Việt, phải có người phiên dịch trong quá trình hòa giải, tranh tụng tại phiên tòa. Và các thẩm phán Việt Nam cũng chỉ có thể hiểu và dùng tiếng Việt tốt. Hay nói khác đi, nếu ngoài bản tiếng Anh, ký thêm bản tiếng Việt thì chắc chắn sẽ tốt hơn. Còn nếu các bên đồng thuận chọn giải quyết tranh chấp bằng hình thức Trọng tài (tại các Trung tâm trọng tài thương mại), thì có thể chọn ngôn ngữ giải quyết tranh chấp là tiếng Anh. Tuy nhiên, trong trường hợp này phía Việt Nam (hay bất kỳ bên nào), phải có người giỏi tiếng Anh, có khả năng trình bày, trao đổi bằng tiếng Anh một cách tinh thông, chuyên nghiệp. Nếu không có thì phải thuê luật sư giỏi tiếng Anh, chi phí tăng cao.
Hai là, trong trường hợp ký hợp đồng song ngữ, thì vẫn cần phải có quy định trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa hai ngôn ngữ (tiếng Anh và tiếng Việt) trong hợp đồng, thì ngôn ngữ nào sẽ được ưu tiên áp dụng. Thông thường nên chọn ngôn ngữ “ưu tiên” là tiếng Việt. Nếu không có thỏa thuận về tình huống này, thì trong nhiều trường hợp sẽ đâm ra rắc rối, khó lường. Chẳng hạn về ngày giao hàng, bản tiếng Anh thì ghi "Monday" tức là "thứ Hai", mà bản tiếng Việt lại ghi "thứ Năm" - thì không biết đường nào mà tính!
Ba là, cho dù là hợp đồng ký bằng ngôn ngữ nào đi chăng nữa, thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là nội dung và cả hình thức của hợp đồng phải tốt, chuẩn. Dự liệu hướng giải quyết trong các tình huống pháp lý có thể xảy ra… www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”
|
CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn
|