Thursday, October 9, 2014

Hỏi về “sáp nhập” và “hợp nhất” doanh nghiệp


Hỏi: Kính chào Luật sư ! Công ty tôi muốn hợp nhất - hoặc sát nhập 2 công ty là Doanh nghiệp tư nhân M và công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) G với nhau thành một công ty cổ phần. Trên thực tế, vốn của ông A (chủ DNTN M) đang chiếm 80% trong công ty G. Khi thành công ty cổ phần chúng tôi muốn thay đổi tên, địa chỉ và điều lệ công ty. Vốn pháp định cũng sẽ tăng lên và ngành nghề hoạt động sẽ bổ sung thêm. Xin hỏi quí luật sư là nếu sát nhập thì có được không? Thủ tục như thế nào? Xin chân thành cám ơn. ( Long G.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Trước hết, cần sửa lại tên thuật ngữ cho chính xác là “sáp nhập” chứ không phải là “sát nhập”. Vấn đề anh hỏi, pháp luật qui định như sau:

Khoản 1 điều 152 Luật Doanh nghiệp quy định “Hai hoặc một số công ty cùng loại có thể hợp nhất thành một công ty mới bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty hợp nhất, đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất”.

Khoản 1 điều 153 Luật Doanh nghiệp quy định “Một hoặc một số công ty cùng loại có thể sáp nhập vào một công ty khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập”.

Như vậy, giữa “hợp nhất” và “sáp nhập” khác nhau ở chỗ là tạo thành một công ty mới (hợp nhất) và vẫn giữ nguyên công ty cũ (sáp nhập). Còn điểm giống nhau và cũng mang tính nguyên tắc là chỉ có thể sáp nhập hay hợp nhất những công ty “cùng loại” với nhau. Hiểu nôm na là “xăng” thì chỉ có thể nhập chung với “xăng” chứ không thể nhập chung với “dầu” – tức là phải cùng loại hình doanh nghiệp: cùng là công ty TNHH, hoặc cùng là DNTN, cùng là công ty cổ phần …vv). Hay nói cách khác, hai doanh nghiệp có loại hình khác nhau thì không thể sáp nhập hoặc hợp nhất được.

Như vậy, trường hợp anh hỏi trước mắt không thể sáp nhập hoặc hợp nhất DNTN M và công ty TNHH G được. Tuy vậy, vẫn có thể thông qua một số thủ tục mang tính “trung gian” để đạt được mục tiêu như anh hỏi.

Cụ thể có thể thực hiện các bước sau:

1. Chuyển đổi DNTN M thành công ty TNHH M.

2. Sáp nhập 2 công ty TNHH M. và G. (đang tồn tại) thành công ty TNHH mới.

3. Cuối cùng, làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty TNHH mới thành công ty cổ phần.

Về trình tự thủ tục, tôi tóm gọn như sau:

1. Chuyển đổi DNTN M thành công ty TNHH M:

Khoản 3 điều 23 Nghị định 43/2010 quy định Hồ sơ chuyển đổi bao gồm:

- Giấy đề nghị chuyển đổi doanh nghiệp;

- Điều lệ công ty;

- Danh sách chủ nợ và số nợ chưa thanh toán, gồm cả nợ thuế, thời hạn thanh toán; danh sách người lao động hiện có; danh sách các hợp đồng chưa thanh lý;

- Danh sách thành viên đối với trường hợp chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân thành viên công ty đối với thành viên

- Văn bản cam kết của chủ DN M về việc chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả các khoản nợ chưa thanh toán của DN M và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;

- Văn bản thỏa thuận với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty TNHH được chuyển đổi tiếp nhận và thực hiện các hợp đồng đó;

- Văn bản cam kết của chủ DN M hoặc thỏa thuận giữa chủ DN và các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của DN Minh Đức…

Nơi nhận hồ sơ: Phòng ĐKKD cấp tỉnh. (Tại TPHCM: Sở kế hoạch đầu tư TP. HCM).

Thời gian giải quyết: 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

2. Sáp nhập công ty TNHH G vào công ty TNHH M (mới chuyển đổi thành):

Do vốn của chủ DNTN M chiếm 80% trong công ty TNHH M., nên có thể làm thủ tục sáp nhập công ty TNHH G vào công ty TNHH M.

Điều 22 Nghị định 43/2010 quy định Hồ sơ xin sáp nhập bao gồm:

- “Thông báo” về việc tiếp nhận thành viên mới đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đã đăng ký. Nội dung gồm:

• Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận ĐKKD (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp và mã số thuế);

• Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức; họ, tên, quốc tịch, số Giấy CMND hoặc Hộ chiếu đối với thành viên là cá nhân; giá trị vốn góp và phần vốn góp, thời điểm góp vốn, loại tài sản góp vốn, số lượng và giá trị của từng loại tài sản góp vốn của các thành viên mới;

• Phần vốn góp đã thay đổi của các thành viên sau khi tiếp nhận thành viên mới;

• Vốn điều lệ của công ty sau khi tiếp nhận thành viên mới;

• Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.

- Quyết định bằng văn bản và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên về việc tiếp nhận thành viên mới;

- Giấy tờ xác nhận việc góp vốn của thành viên mới của công ty;

- Bản sao quyết định thành lập;

- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền và quyết định ủy quyền tương ứng đối với thành viên là tổ chức. Hoặc bản sao CMND hoặc Hộ chiếu của thành viên là cá nhân.

- Quyết định, biên bản họp của Hội đồng thành viên phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty.

- Hợp đồng sáp nhập giữa 2 công ty.

- Biên bản họp và quyết định của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên về việc sáp nhập.

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty nhận sáp nhập và các công ty bị sáp nhập.

Nơi nhận hồ sơ: Phòng ĐKKD cấp tỉnh. (Tại TPHCM: Sở kế hoạch đầu tư TP. HCM).

Thời gian giải quyết: 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.

Sau khi nhận được GCN ĐKKD, Doanh nghiệp phải đăng bố cáo thành lập doanh nghiệp mới thực hiện đồng thời với việc bố cáo chấm dứt hoạt động doanh nghiệp cũ.

3. Chuyển đổi công ty TNHH M. (đã được sáp nhập) thành công ty cổ phần:

Khoản 4 điều 23 Nghị định 43/2010 quy định hồ sơ chuyển đổi gồm:

- Giấy đề nghị chuyển đổi doanh nghiệp;

- Biên bản họp của Hội đồng thành viên về việc chuyển đổi công ty;

- Điều lệ công ty sau khi chuyển đổi;

- Danh sách cổ đông sáng lập hoặc cổ đông phổ thông và các giấy tờ kèm theo:

• Đối với cổ đông là cá nhân: bản sao CMND/ hộ chiếu;

• Đối với cổ đông là tổ chức: bản sao quyết định thành lập, Giấy chứng nhận ĐKKD; văn bản uỷ quyền, CMNDhoặc hộ chiếu của người đại diện theo uỷ quyền.

- Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp hoặc thỏa thuận góp vốn đầu tư.

Nơi nhận hồ sơ: Phòng ĐKKD cấp tỉnh. (Tại TPHCM: Sở kế hoạch đầu tư TP. HCM).

Thời gian giải quyết: 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.

Khi nhận Giấy chứng nhận ĐKKD của công ty chuyển đổi, công ty phải nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận ĐKKD của công ty được chuyển đổi.

Chúc mọi việc thuận lợi, tốt đẹp. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn