Hỏi: Kính thưa Luật sư, tôi là tác giả ca khúc “Hành khúc trên đường đổi mới” viết về Ngân hàng nông nghiệp VN. Ca khúc này đã được NH nông nghiệp VN mua tác quyền để làm nhạc hiệu cho toàn hệ thống. Giá chuyển nhượng tác quyền là 15.000.000 đ. Theo đó, NH Nông nghiêp VN và tôi đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả. Tuy nhiên khi chuyển tiền cho tôi thì phía NH yêu cầu tôi xuất hóa đơn đỏ. Tôi không phải là doanh nhân,không có hoạt động kinh doanh dịch vụ gì thì làm sao xuất hóa đơn?
Tôi xin hỏi luật sư: nếu NH đã ký hợp đồng với tôi thì hợp đồng là căn cứ để hạch toán chi tiền, tôi chỉ cần viết biên nhận khoản tiền chuyển nhượng này là được rồi. Thế tôi có phải đi mua hóa đơn đỏ để giao cho NH mới được nhận tiền không? Và theo thông tin trên trang web của quí luật sư thì báo TT đã mua tác quyền của nhà văn X. Thử hỏi báo TT có yêu cầu nhà văn đó xuất hóa đơn đỏ để giao tiền tác quyền không? Rất mong L Sư cho ý kiến giùm. Xin cám ơn (Thy Đ.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Trong cuộc sống, những người không thường xuyên cung ứng dịch vụ (ví dụ như bác sĩ, kiến trúc sư, nhạc sĩ …vv) thì do không đăng ký kinh doanh, nên hiển nhiên không thể có hóa đơn để xuất cho các đơn vị, tổ chức đã mua/sử dụng dịch vụ của mình. Do vậy, theo qui định của pháp luật về thuế, những cá nhân thuộc dạng này khi làm việc/cung ứng dịch vụ cho các đơn vị, tổ chức theo hợp đồng công việc hoặc theo dự án thì khi nhận tiền thù lao không cần thiết và không bắt buộc phải mua hóa đơn.
Đồng thời, hợp đồng dịch vụ ( hay hợp đồng chuyển tác quyền âm nhạc như chị nêu), với đầy đủ thông tin của cả hai bên ( Số CMND, địa chỉ, …) có thể xem là “chứng từ hợp lệ” để các đơn vị, tổ chức đã thuê dịch vụ sử dụng tính vào chi phí hợp lý của mình. Và bản thân cá nhân người cung cấp dịch vụ có thể sử dụng hợp đồng này làm cơ sở để đóng thuế thu nhập cá nhân. (Thông thường, khi ký hợp đồng có thể ghi rõ là khoản thuế do bên nào chịu).
Cần nói rõ hơn là hóa đơn là chứng từ thu do bên nhận tiền xuất, “hóa đơn đỏ” mà chị nêu chính là hóa đơn giá trị gia tăng (VAT). Theo qui định, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (thu tiền) có trách nhiệm xuất và đóng thuế giá trị gia tăng, thường là 10%. Thực chất, tiền thuế VAT chính là do người tiêu dùng đóng cho doanh nghiệp, để sau đó doanh nghiệp đóng cho cơ quan thuế. Trong trường hợp của chị, Ngân hàng là người sử dụng, nên nếu họ muốn xuất hóa đơn thì về nguyên tắc còn phải đóng thêm khoản thuế này nữa. Thực ra, theo tôi hiểu và nghĩ thì có thể là ngân hàng ngại rằng nếu không có hóa đơn thì sẽ không quyết toán được. Nhưng thực ra không phải như vậy ( chỉ cần có hợp đồng là cần và đủ, có thể xem là chứng từ chi hợp lý).
Ngoài ra, theo qui định thì hoạt động “chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ” cũng không phải là đối tượng phải chịu thuế VAT. Nên việc xuất hóa đơn ở đây, nếu có, cũng là không đúng.
Nói tóm lại, trường hợp của chị không cần phải xuất hóa đơn đỏ cho Ngân hàng. Chị hãy đề nghị bộ phận kế toán của Ngân hàng xem xét lại vấn đề này và giải quyết (thanh toán) cho chị. Chẳng lẽ việc “nhỏ xíu” như vậy mà lại phải đưa ra tòa án tranh chấp, kiện tụng? Chúc chị sớm giải quyết dứt điểm vụ “rắc rối” này. www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ
ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu
quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên
website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi
người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân
sự, tranh chấp dân sự”
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843
Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn
|