Friday, August 1, 2014

Thủ tục thành lập, chấm dứt hoạt động … - của Văn phòng đại diện, Chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Việt Nam


Luật sư Tố Nga 

(Ecolaw.vn) – Bài viết này tổng hợp thủ tục cấp phép thành lập, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện và Chi nhánh của doanh nghiệp (thương nhân) nước ngoài tại Việt Nam.

Qui định chung:

Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là một đơn vị phụ thuộc của tổ chức kinh tế nước ngoài, do thương nhân nước ngoài sở hữu, thành lập để hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam. Vì ở VN, nên Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải tuân theo qui định theo pháp luật Việt Nam.

Văn phòng đại diện có chức năng là “đại diện” cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, chỉ được hoạt động theo phạm vi được uỷ quyền của thương nhân nước ngoài.

Chi nhánh tại VN có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo uỷ quyền.

Thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh của mình tại Việt Nam. Ví dụ: Công ty Cocacola Mỹ mở Văn phòng đại diện tại VN. Như vậy, công ty này phải chịu trách nhiệm về hoạt động của Văn phòng đại diện tại VN.

Người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của mình và của Văn phòng đại diện, Chi nhánh theo pháp luật Việt Nam trong trường hợp thực hiện các hoạt động ngoài phạm vi được ủy quyền.

Điều kiện để được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại Việt Nam:

- Là thương nhân được pháp luật nước, vùng lãnh thổ (sau đây gọi chung là nước) nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh công nhận hợp pháp;

- Trường hợp thành lập Văn phòng đại diện: thương nhân đó đã hoạt động không dưới 01 năm, kể từ khi được thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp ở nước của thương nhân.

- Đối với Chi nhánh: đã hoạt động không dưới 05 năm, kể từ khi thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp.

Các trường hợp không được cấp Giấy phép:

- Thương nhân nước ngoài không đáp ứng đủ các điều kiện nói trên.

- Thương nhân nước ngoài chỉ kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Thương nhân nước ngoài đề nghị cấp Giấy phép thành lập trong thời gian 02 năm, kể từ ngày bị thu hồi Giấy phép thành lập.

- Có bằng chứng cho thấy việc thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khoẻ của nhân dân, làm huỷ hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường.

- Nộp hồ sơ không hợp lệ và không bổ sung đủ hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Giấy phép thành lập có thời hạn 05 năm nhưng không vượt quá thời hạn còn lại của Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài trong trường hợp pháp luật nước ngoài có quy định thời hạn Giấy đăng ký kinh doanh của thương nhân nước ngoài.

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép thành lập, điều chỉnh, gia hạn, chấm dứt hoạt động:

- Nếu là “Chi nhánh”: Bộ Thương mại.

- Nếu là “Văn phòng đại diện”: Sở Thương mại.

Trình tự, thủ tục cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh:

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện:

a) Đơn đề nghị (theo mẫu) - do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;

b) Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập hoặc đăng ký kinh doanh xác nhận – đã được hợp pháp hóa lãnh sự theo pháp luật Việt Nam.

Trong trường hợp có quy định thời hạn hoạt động của thương nhân nước ngoài thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm;

c) Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương chứng minh được sự tồn tại và hoạt động thực sự của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất;

d) Bản sao Điều lệ hoạt động của thương nhân đối với thương nhân nước ngoài là các tổ chức kinh tế.

đ) Bản sao hộ chiếu hoặc giấy CMND (nếu là người Việt Nam); Bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu Văn phòng Đại diện;

e) Bản sao hợp đồng thuê địa điểm đặt trụ sở Văn phòng Đại diện. (có thể nộp lúc đề nghị thành lập hoặc nộp khi thông báo hoạt động nhưng phải được công chứng theo luật định).

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh gồm:

a) Đơn đề nghị (theo mẫu ) - do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;

b) Bản sao Điều lệ hoạt động của Chi nhánh, trong đó quy định rõ phạm vi ủy quyền cho người đứng đầu Chi nhánh;

c) Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập hoặc đăng ký kinh doanh xác nhận. Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương có quy định thời hạn hoạt động của thương nhân nước ngoài thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 03 năm;

d) Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương chứng minh sự tồn tại và các hoạt động thực sự của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất.

đ) Bản sao hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân (nếu là người Việt Nam); Bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu Chi nhánh;

e) Bản sao hợp đồng thuê địa điểm đặt trụ sở (có thể nộp lúc đề nghị thành lập hoặc nộp khi thông báo hoạt động nhưng phải được công chứng theo luật định).

Tài liệu có giá trị tương đương với Báo cáo tài chính có kiểm toán nói trên bao gồm: văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất do cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập cấp hoặc các văn bản khác được tổ chức độc lập, có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận chứng minh sự tồn tại và hoạt động thực sự của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất.

Điều kiện về hồ sơ:

- Các giấy tờ do cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp hay văn bản xác nhận phải được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận; được hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và dịch ra tiếng Việt; bản dịch, bản sao phải được công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Bản sao các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp hay văn bản xác nhận phải được công chứng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thời hạn cấp Giấy phép: 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Sau khi được cấp Giấy phép, trong thời hạn 45 ngày, Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải đăng báo và thông báo cho cơ quan đã cấp phép về việc mở cửa hoạt động tại trụ sở đã đăng ký.

Phải đăng thông báo trên báo viết hoặc báo điện tử được phép phát hành tại Việt Nam trong 03 số liên tiếp. Nội dung: Tên, địa chỉ trụ sở của Văn phòng đại diện, Chi nhánh; Tên, địa chỉ trụ sở của thương nhân nước ngoài; Người đứng đầu Văn phòng đại diện, Chi nhánh; Số, ngày cấp, thời hạn của Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh, cơ quan cấp Giấy phép; Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh.

----------------------------

Thủ tục điều chỉnh Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh

Các trường hợp phải điều chỉnh Giấy phép (phải thực hiện trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi) sau đây:

a) Thay đổi người đứng đầu của Văn phòng đại diện, Chi nhánh;

b) Thay đổi địa điểm đặt trụ sở của thương nhân nước ngoài trong phạm vi nước nơi thương nhân thành lập hoặc đăng ký kinh doanh;

c) Thay đổi địa điểm đặt trụ sở của Văn phòng đại diện trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

d) Thay đổi địa điểm đặt trụ sở của Chi nhánh tại Việt Nam;

đ) Thay đổi tên gọi hoặc hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh.

Hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị điều chỉnh.

- Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của Thương nhân nước ngoài.

- Bản gốc Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh đã được cấp.

- Giấy tờ chứng minh người đứng đầu Văn phòng đại diện/Chi nhánh sắp mãn nhiệm đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính với Nhà nước Việt Nam (trong trường hợp thay đổi người đứng đầu).

- Bản sao hộ chiếu, thị thực nhập cảnh (nếu là người nước ngoài) hoặc hộ chiếu hoặc giấy CMND (nếu là người Việt Nam) của người đứng đầu Văn phòng đại diện/Chi nhánh sắp kế nhiệm (trong trường hợp điều chỉnh do thay đổi người đứng đầu).

----------------------

Thủ tục đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh:

Các trường hợp phải đề nghị cấp lại: (phải thực hiện trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi)

a) Thay đổi địa điểm đặt trụ sở của Văn phòng đại diện từ một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác;

b) Thay đổi tên gọi hoặc thay đổi nơi đăng ký thành lập của thương nhân nước ngoài từ một nước sang một nước khác;

c) Thay đổi hoạt động của thương nhân nước ngoài.

d) Giấy phép thành lập bị mất, bị rách hoặc bị tiêu huỷ (thực hiện ngay sau khi phát sinh sự kiện).

Trong trường hợp thay đổi địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại điện (qui định tại điểm (a)) nói trên:

Thương nhân nước ngoài phải làm thủ tục chấm dứt hoạt động Văn phòng đại diện tại Sở Thương mại nơi đang đặt trụ sở và đề nghị cấp lại Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Sở Thương mại nơi dự kiến đặt trụ sở mới.

Hồ sơ xin cấp lại bao gồm:

- Đơn đề nghị (theo mẫu của Bộ Thương mại).

- Xác nhận của cơ quan đã cấp Giấy phép về việc xoá đăng ký Văn phòng đại diện tại địa phương cũ;

- Bản sao có công chứng Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện đã được cấp.

Trong trường hợp (b), (c) nói trên, hồ sơ bao gồm:

- Đơn đề nghị (theo mẫu của Bộ Thương mại).

- Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài.

- Bản gốc Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh đã được cấp.

Trường hợp bị mất, rách, tiêu hủy (qui định tại điểm (d) nói trên), hồ sơ gồm:

- Đơn đề nghị (theo mẫu của Bộ Thương mại).

- Bản gốc hoặc bản sao Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh đã được cấp (nếu có).

----------------------------------------------

Thủ tục xin gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh

Trong thời hạn ít nhất 30 ngày, trước khi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh hết hạn, thương nhân nước ngoài phải làm thủ tục gia hạn.

Điều kiện để xin gia hạn:

a) Có nhu cầu tiếp tục hoạt động tại Việt Nam dưới hình thức Văn phòng đại diện, Chi nhánh;

b) Thương nhân nước ngoài đang hoạt động theo pháp luật của nước nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh;

c) Không có hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam liên quan đến hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh.

Hồ sơ đề nghị gia hạn gồm:

- Đơn đề nghị gia theo mẫu của Bộ Thương mại.

- Báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương chứng minh sự tồn tại và hoạt động thực sự của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất, bao gồm: văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất do cơ quan có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập cấp hoặc các văn bản khác được tổ chức độc lập, có thẩm quyền xác nhận.

- Báo cáo hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh tính đến thời điểm đề nghị gia hạn Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh.

- Bản gốc Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh đã được cấp.

-------------------------------------------------

Thủ tục chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện, chi nhánh:

Văn phòng đại diện, Chi nhánh chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau:

a) Theo đề nghị của thương nhân nước ngoài và được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận;

b) Khi thương nhân nước ngoài chấm dứt hoạt động theo pháp luật của nước nơi thương nhân đó thành lập hoặc đăng ký kinh doanh;

c) Hết thời hạn hoạt động theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh mà thương nhân nước ngoài không đề nghị gia hạn;

d) Hết thời gian hoạt động theo Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh mà không được cơ quan cấp Giấy phép chấp thuận gia hạn;

đ) Bị thu hồi Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện, Chi nhánh theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Nghị định này.
Đối với trường hợp chấm dứt hoạt động qui định tại (a), (b), (c) nói trên:

Trong thời hạn ít nhất 30 ngày, trước ngày dự kiến chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh phải gửi Thông báo về việc chấm dứt hoạt động đến cơ quan cấp Giấy phép, các chủ nợ, người lao động, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan khác.

Thông báo dự kiến chấm dứt hoạt động (theo mẫu) phải niêm yết công khai tại trụ sở của Văn phòng đại diện, Chi nhánh và đăng báo viết hoặc báo điện tử được phép phát hành tại Việt Nam trong 03 số liên tiếp. Nội dung: nêu rõ thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động.

Ít nhất là 15 ngày trước khi chấm dứt hoạt động thương nhân nước ngoài, Văn phòng đại diện, Chi nhánh có nghĩa vụ thanh toán xong các khoản nợ và các nghĩa vụ khác với nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan.
Đối với trường hợp chấm dứt qui định tại (d), (đ) nói trên:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày quyết định không gia hạn, hoặc ngày quyết định thu hồi Giấy phép cơ quan cấp Giấy phép sẽ công bố trên báo viết hoặc báo điện tử được phép phát hành tại Việt Nam trong 03 số liên tiếp về việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh và nêu rõ thời điểm chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh.


Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bị chấm dứt hoạt động, thương nhân nước ngoài có nghĩa vụ thanh toán xong các khoản nợ và các nghĩa vụ khác với nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan.

Hồ sơ chấm dứt hoạt động bao gồm:

- Thông báo chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện (theo mẫu quy định).

- Bản gốc Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện

- Giấy biên nhận của cơ quan báo viết hoặc báo điện tử về việc dự kiến chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện hoặc các giấy tờ khác chứng minh việc đã đăng báo

- Bản sao giấy tờ chứng minh Văn phòng đại diện đã hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính với Nhà nước Việt Nam.

Sau đó, cơ quan cấp phép sẽ xóa tên Văn phòng đại diện, Chi nhánh trong sổ đăng ký.

------------------------

Văn bản pháp qui:

 - Nghị định 120/2011/NĐ-CP ngày 16-12-2011 sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại.

 - Thông tư số 11/2006/TT-BTM ngày 28-9-2006 của Bộ thương mại hướng dẫn thực hiện Nghị định số 72/2006/NĐ-CP qui định chi tiết luật thương mại về Văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

- Nghị định 72/2006/NĐ-CP ngày 25-7-2006 qui định chi tiết Luật thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.


Cẩm nang pháp luật Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw, có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như là tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Cẩm nang pháp luật” để tìm đọc vấn đề pháp lý mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực: Thương mại – Doanh nghiệp 

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn