Friday, August 1, 2014

Quy định về website thương mại điện tử bán hàng

Luật sư Trần Hồng Phong

Nghị định 52/2013 ngày 16-5-2013 của Chính phủ quy định về thương mại điện tử, trong đó có phần quy định về website thương mại điện tử bán hàng. Bài viết này giới thiệu một cách khái quát về website thương mại điện tử bán hàng và một số quy định chung trong thương mại điện tử.

Thương mại điện tử chắc chắn sẽ phát triển nhanh trong tương lai gần (ảnh minh họa)


I. Những quy định chung:

1. Giải thích từ ngữ

Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

Chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại (dưới đây gọi tắt là chứng từ điện tử) là hợp đồng, đề nghị, thông báo, xác nhận hoặc các tài liệu khác ở dạng thông điệp dữ liệu do các bên đưa ra liên quan tới việc giao kết hay thực hiện hợp đồng.

Chứng từ điện tử trong Nghị định này không bao gồm hối phiếu, lệnh phiếu, vận đơn, hóa đơn gửi hàng, phiếu xuất nhập kho hay bất cứ chứng từ có thể chuyển nhượng nào cho phép bên nắm giữ chứng từ hoặc bên thụ hưởng được quyền nhận hàng hóa, dịch vụ hoặc được trả một khoản tiền.

Website thương mại điện tử là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.

Chức năng đặt hàng trực tuyến là một chức năng được cài đặt trên website thương mại điện tử hoặc trên thiết bị đầu cuối của khách hàng và kết nối với website thương mại điện tử để cho phép khách hàng khởi đầu quá trình giao kết hợp đồng theo những điều khoản được công bố trên website đó, bao gồm cả việc giao kết hợp đồng với hệ thống thông tin tự động.

2. Các hành vi bị cấm trong hoạt động thuơng mại điện tử

2.1. Vi phạm về hoạt động kinh doanh thương mại điện tử:

a) Tổ chức mạng lưới kinh doanh, tiếp thị cho dịch vụ thương mại điện tử, trong đó mỗi người tham gia phải đóng một khoản tiền ban đầu để mua dịch vụ và được nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc vận động người khác tham gia mạng lưới;

b) Lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh;

c) Lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh thương mại điện tử để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;

d) Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử khi chưa đăng ký hoặc chưa được cấp phép theo các quy định của Nghị định này;

đ) Cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử không đúng với thông tin trong hồ sơ đăng ký hoặc cấp phép;

e) Có hành vi gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thực hiện các thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử, đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, đăng ký hoặc xin cấp phép các dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong thương mại điện tử.

2.2. Vi phạm về thông tin trên website thương mại điện tử:

a) Giả mạo thông tin đăng ký hoặc không tuân thủ các quy định về hình thức, quy cách công bố thông tin đăng ký trên website thương mại điện tử;

b) Sử dụng biểu trưng của các chương trình đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử khi chưa được những chương trình này công nhận;

c) Sử dụng các đường dẫn, biểu trưng hoặc công nghệ khác trên website thương mại điện tử để gây nhầm lẫn về mối liên hệ với thương nhân, tổ chức, cá nhân khác;

d) Sử dụng đường dẫn để cung cấp những thông tin trái ngược hoặc sai lệch so với thông tin được công bố tại khu vực website có gắn đường dẫn này.

2.3. Vi phạm về giao dịch trên website thương mại điện tử:

a) Thực hiện các hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử;

b) Giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử;

c) Can thiệp vào hệ điều hành và trình duyệt Internet tại các thiết bị điện tử truy cập vào website nhằm buộc khách hàng lưu lại website trái với ý muốn của mình.

2.4. Các vi phạm khác:

a) Đánh cắp, sử dụng, tiết lộ, chuyển nhượng, bán các thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác hoặc thông tin cá nhân của người tiêu dùng trong thương mại điện tử khi chưa được sự đồng ý của các bên liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Giả mạo hoặc sao chép giao diện website thương mại điện tử của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để kiếm lợi hoặc để gây nhầm lẫn, gây mất lòng tin của khách hàng đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân đó.

3. Các hình thức tổ chức hoạt động thương mại điện tử

Các hình thức tổ chức hoạt động thương mại điện tử chia ra thành 2 nhóm gồm:

3.1. Website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân tự thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.

Ví dụ: website ecolaw.vn của công ty luật hợp danh Ecolaw mở ra để giới thiệu dịch vụ tư vấn pháp luật và bán Cẩm nang pháp luật Ecolaw.

3.2. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau:

a) Sàn giao dịch thương mại điện tử;

b) Website đấu giá trực tuyến;

c) Website khuyến mại trực tuyến;

d) Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.

4. Giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử

1. Doanh nghiệp, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử bán hàng có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý khiếu nại của khách hàng liên quan đến hợp đồng được giao kết trên website thương mại điện tử của mình.

2. Tranh chấp giữa doanh nghiệp, cá nhân bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ với khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng phải được giải quyết trên cơ sở các điều khoản của hợp đồng công bố tại website vào thời điểm giao kết hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.

3. Không được lợi dụng các ưu thế của mình trên môi trường điện tử để đơn phương giải quyết những vấn đề tranh chấp khi chưa có sự đồng ý của khách hàng.

4. Việc giải quyết tranh chấp phải thông qua thương lượng giữa các bên, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án theo các thủ tục, quy định hiện hành về giải quyết tranh chấp.

5. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải công bố rõ trên website quy trình tiếp nhận, trách nhiệm xử lý khiếu nại của khách hàng và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng được giao kết trên website thương mại điện tử của mình. Nếu không công bố thông tin theo quy định ở trên thì phải trực tiếp chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý khiếu nại của khách hàng và giải quyết các tranh chấp liên quan đến hợp đồng được giao kết trên website thương mại điện tử của mình;

II. Quy định về hoạt động của website thương mại điện tử bán hàng:

Muốn bán hàng, cung ứng dịch vụ qua hình thức thương mại điện tử, doanh nghiệp trước hết cần phải có một website dùng cho mục đích bán hàng được thiết lập một cách hợp pháp theo những quy định sau đây.

1. Điều kiện thiết lập website thương mại điện tử bán hàng

Doanh nghiệp, cá nhân có quyền thiết lập website thương mại điện tử bán hàng nếu đáp ứng các điều kiện sau:

1. Là doanh nghiệp có chức năng kinh doanh phù hợp. Nếu là cá nhân thì phải đã được cấp mã số thuế cá nhân.

2. Website phải với tên miền hợp lệ ( có đăng ký) và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet.

3. Trước khi hoạt động phải thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng – theo qui định ở phần sau đây.

2. Thủ tục thông báo thiết lập website thương mại điện tử bán hàng

Doanh nghiệp/cá nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng phải thông báo với Bộ Công Thương thông qua công cụ thông báo trực tuyến trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử. Thông tin phải thông báo bao gồm:

a) Tên miền của website thương mại điện tử;

b) Loại hàng hóa, dịch vụ giới thiệu trên website;

c) Tên doanh nghiệp/cá nhân sở hữu website;

d) Địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân;

đ) Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân;

e) Tên, chức danh, số chứng minh nhân dân, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của giám đốc, người chịu trách nhiệm đối với website thương mại điện tử;

g) Các thông tin khác (theo quy định của Bộ Công Thương).

3. Trách nhiệm của doanh nghiệp, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử bán hàng

1. Thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng. 2. Thực hiện đầy đủ việc cung cấp thông tin trên website theo các quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin (xem phần sau).

2. Tuân thủ các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng.

3. Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương V Nghị định này nếu website có chức năng thanh toán trực tuyến (xem phần sau – An toàn thanh toán trong thương mại điện tử).

4. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử, hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử.

5. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật.

4. Cung cấp thông tin trên website thương mại điện tử bán hàng

Trên website thương mại điện tử bán hàng bắt buộc phải cung cấp đầy đủ thông tin về người sở hữu website, hàng hóa, dịch vụ và các điều khoản của hợp đồng mua bán áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu trên website (xem phần sau).
Những thông tin này phải bảo đảm các yêu cầu sau rõ ràng, chính xác, dễ tìm và dễ hiểu; có khả năng lưu trữ, in và hiển thị được về sau và được hiển thị rõ đối với khách hàng trước thời điểm khách hàng gửi đề nghị giao kết hợp đồng.

Những thông tin bắt buộc phải cung cấp gồm:

4.1. Thông tin về người sở hữu website

Tên và địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp hoặc tên và địa chỉ thường trú của cá nhân.

Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân.

Số điện thoại hoặc một phương thức liên hệ trực tuyến khác.

4.2. Thông tin về hàng hóa, dịch vụ

Phải cung cấp những thông tin để khách hàng có thể xác định chính xác các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ nhằm tránh sự hiểu nhầm khi quyết định việc đề nghị giao kết hợp đồng.

4.3. Thông tin về giá cả

Phải thể hiện rõ giá đó đã bao gồm hay chưa bao gồm những chi phí liên quan đến việc mua hàng hóa hoặc dịch vụ như thuế, phí đóng gói, phí vận chuyển và các chi phí phát sinh khác.

4.4. Thông tin về điều kiện giao dịch chung

Bao gồm:

a) Các điều kiện hoặc hạn chế trong việc cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ, như giới hạn về thời gian hay phạm vi địa lý, nếu có;

b) Chính sách hoàn trả, bao gồm thời hạn hoàn trả, phương thức trả hoặc đổi hàng đã mua, cách thức lấy lại tiền, chi phí cho việc hoàn trả này;

c) Chính sách bảo hành sản phẩm, nếu có;

d) Các tiêu chuẩn dịch vụ, quy trình cung cấp dịch vụ, biểu phí và các điều khoản khác liên quan đến việc cung cấp dịch vụ, bao gồm cả những điều kiện và hạn chế nếu có;

đ) Nghĩa vụ của người bán và nghĩa vụ của khách hàng trong mỗi giao dịch.

Trong trường hợp website có chức năng đặt hàng trực tuyến, người bán phải có cơ chế để khách hàng đọc và bày tỏ sự đồng ý riêng với các điều kiện giao dịch chung trước khi gửi đề nghị giao kết hợp đồng.

4.5. Thông tin về vận chuyển và giao nhận

Bao gồm:

a) Các phương thức giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ;

b) Thời hạn ước tính cho việc giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ, có tính đến yếu tố khoảng cách địa lý và phương thức giao hàng;

c) Các giới hạn về mặt địa lý cho việc giao hàng hoặc cung ứng dịch vụ, nếu có.

4.6. Thông tin về phương thức thanh toán

Phải công bố toàn bộ các phương thức thanh toán áp dụng cho hàng hóa hoặc dịch vụ giới thiệu trên website, kèm theo giải thích rõ ràng, chính xác để khách hàng có thể hiểu và lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp.

Nếu website thương mại điện tử có chức năng thanh toán trực tuyến, thương nhân, tổ chức, cá nhân phải thiết lập cơ chế để khách hàng sử dụng chức năng này được rà soát và xác nhận thông tin chi tiết về từng giao dịch thanh toán trước khi thực hiện việc thanh toán.

5. An toàn thanh toán trong thương mại điện tử:

Doanh nghiệp, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử có chức năng thanh toán trực tuyến có trách nhiệm sau:

1. Phải đảm bảo an toàn, bảo mật giao dịch thanh toán của khách hàng, xử lý khiếu nại và đền bù thiệt hại trong trường hợp thông tin thanh toán của khách hàng qua website thương mại điện tử bị thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ, di chuyển trái phép hoặc bị chiếm đoạt gây thiệt hại cho khách hàng.

2. Trường hợp tự phát triển giải pháp thanh toán để phục vụ riêng website thương mại điện tử bán hàng của mình, phải áp dụng các biện pháp sau:

a) Thiết lập hệ thống thông tin phục vụ hoạt động thanh toán đảm bảo kết nối trực tuyến 24 (hai mươi bốn) giờ trong ngày và 7 (bảy) ngày trong tuần. Thời gian dừng hệ thống để bảo trì không quá 12 (mười hai) giờ mỗi lần bảo trì và phải có thông báo trước cho khách hàng;

b) Mã hóa thông tin và sử dụng các giao thức bảo mật để đảm bảo không lộ thông tin trên đường truyền;

c) Triển khai các ứng dụng có khả năng phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn các truy nhập bất hợp pháp và các hình thức tấn công trên môi trường mạng vào hệ thống thông tin phục vụ hoạt động thanh toán trực tuyến của mình;

d) Có các phương án kiểm soát quyền truy nhập hệ thống, quyền ra, vào nơi đặt thiết bị hệ thống thông tin phục vụ hoạt động thanh toán trực tuyến của mình;

đ) Có quy trình, hệ thống sao lưu và phục hồi dữ liệu khi hệ thống thông tin phục vụ hoạt động thanh toán gặp sự cố, đảm bảo sao lưu dữ liệu thanh toán ra các vật mang tin hoặc sao lưu trực tuyến toàn bộ dữ liệu;

e) Lưu trữ dữ liệu về từng giao dịch thanh toán theo thời hạn quy định tại Luật kế toán;

g) Trường hợp khách hàng thanh toán trước khi mua hàng hóa và dịch vụ, tiền thanh toán của khách hàng phải được giữ tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và khách hàng phải được cung cấp công cụ để theo dõi số dư thanh toán của mình trên hệ thống.

3. Công bố trên website chính sách về bảo mật thông tin thanh toán cho khách hàng.

Nghị định 52/2013 có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Thay thế Nghị định 57/2006.


Cẩm nang pháp luật Ecolaw là tài sản trí tuệ của công ty luật hợp danh Ecolaw, có ý nghĩa và chỉ nên sử dụng như là tài liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào mục đích khác.
Quí vị có thể click vào menu “Cẩm nang pháp luật” để tìm đọc vấn đề pháp lý mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực: Thương mại – Doanh nghiệp 

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn