Hỏi: Ông bà nội tôi có 5 người con, một người mất do bệnh năm 28 tuổi, hiện tại còn 4 người (2 trai và 2 gái). Riêng bác Hai tôi là con riêng của bà nội tôi nhưng vẫn mang họ của ông nội tôi. Ba mẹ tôi là người phụng dưỡng ông bà nội.
Năm 1997, ba tôi làm giấy chủ quyền nhà và để ông bà nội đứng tên trên căn nhà cấp 4 ở quận 1. Năm 2001, ba mẹ tôi (con thứ năm - theo thứ tự bác Hai, cô Ba, bác Tư (đã mất), ba tôi và cô Út), có bỏ ra số tiền 200 triệu đồng để xây mới lại căn nhà của ông bà nội. Và ông nội tôi có việt giấy xác nhận cho ba mẹ tôi có bỏ ra số tiền 200 triệu đồng (tương đương 40 lượng vàng SJC) để xây mới căn nhà (vàng lúc đó 5 triệu đ/lượng). Mấy cô tôi nói ba mẹ tôi bức tử ông nội để ép buộc ông nội tôi viết tờ giấy đó.
Năm 2004, bà nội tôi mất và đó 4 năm ông nội tôi cũng mất tức năm 2008, nhưng ông nội tôi không viết di chúc để lại.
Sau 2 năm ngày ông nội tôi mất, hai cô và bác tôi đòi bán nhà chia ra. Lúc này ba mẹ tôi mới nói là có giấy xác nhận của ông nội, nên khi bán nhà xong phải trả tiền xây nhà lại cho ba mẹ tôi. Mọi người chỉ đồng ý trả lại cho ba mẹ tôi 1 tỷ đồng, không quy ra vàng ( nhưng ba mẹ tôi muốn quy ra vàng) và buộc ba tôi phải ra công chứng ký tên đồng sở hữu.
Giờ ba mẹ tôi làm thế nào để lấy lại tiền đã bỏ ra xây nhà? Trừ khoản tiền trả cho ba mẹ tôi thì phần còn lại sẽ chia đều cho bốn người, ba mẹ tôi chỉ muốn lấy lại phần của mình đủ để mua nhà vì ba mẹ tôi chưa có nhà và ba người kia đã có nhà rồi.
Nếu ba tôi ký tên vô đồng sở hữu nhà thì có lấy lại được tiền đã bỏ ra? Có bất lợi gì cho ba mẹ tôi không? Mong nhận được sự tư vấn của luật sư. Chân thành cám ơn. ( Thanh T.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Qua thông tin bạn kể, đây là một vụ tranh chấp về di sản thừa kế. Di sản ở đây là căn nhà đứng tên ông nội bạn – nhưng được hiểu là tài sản của ông và bà nội bạn - nếu không có tình tiết pháp lý nào khác có thể hiểu căn nhà này không liên quan đến bà nội bạn.
Trường hợp này, nếu trong gia đình không tự giải quyết được thì vụ việc sẽ chuyển lên Tòa án - mà ở đây là TAND Quận 1 (TP.HCM). Thời hạn khởi kiện chia di sản thừa kế vẫn còn kéo dài tới năm 2018 – 10 năm tính từ ngày ông nội bạn qua đời.
Về chia di sản, chắc bạn và gia đình cũng đã tìm hiểu và biết rằng trong trường hợp người có tài sản qua đời không để lại di chúc, thì tài sản sẽ được chia đều cho tất cả các người con – kể cả con “riêng” ( hay còn gọi là con ngoài giá thú).
Câu hỏi của bạn là : Nếu ba tôi ký tên vô đồng sở hữu nhà thì có lấy lại được tiền đã bỏ ra? Có bất lợi gì cho ba mẹ tôi không? tôi có ý kiến trao đổi như sau:
Việc bạn bạn nói ba bạn có nên “ký tên đồng sở hữu nhà” có lẽ là chỉ việc “kê khai di sản thừa kế” (?). Vì theo qui định của pháp luật, sau khi cha mẹ qua đời thì những người thừa kế sẽ cùng nhau làm thủ tục “kê khai di sản thừa kế”, qua đó giải quyết luôn việc chia di sản. Đây là tình huống mà các bên (những người hưởng thừa kế) không có tranh chấp với nhau.
Do vậy, nếu ba bạn ký vào giấy “đồng sở hữu” ( bản kê khai di sản thừa kế) tức là xem như đã thừa nhận không có tranh chấp và chấp nhận phương án “nhận 1 tỷ đồng” – như đề nghị của những đồng thừa kế khác.
Trong khi đó, ba mẹ bạn lại cho rằng 1 tỷ đồng là chưa thỏa đáng, vì 1 tỷ đồng ngày hôm nay nếu tính theo vàng thì không thể nào mua được 40 lượng vàng như thời điểm năm 2001, chưa kể kỷ phần được hưởng theo thừa kế. Điều này có nghĩa là ba bạn không đồng ý (có tranh chấp) về quyền lợi.
Do vậy, theo tôi trước mắt ba bạn không/chưa nên ký vào bản kê khai di sản thừa kế mà cần “đấu tranh” làm sáng tỏ hướng giải quyết phần chi phí đã bỏ vào xây nhà trước đây. Nếu không đạt được thỏa thuận thì nên đưa ra Tòa án – vì đó là cách tốt nhất và duy nhất để ba mẹ bạn có cơ hội và điều kiện để chứng minh và có thể đòi lại đến mức cao nhất quyền lợi hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, có thể nói ngay là việc ba mẹ bạn muốn đòi đủ 40 lượng vàng ( ngoài ra vẫn được hưởng chia di sản như các đồng thừa kế khác) - theo đánh giá của tôi, là “nhiệm vụ bất khả thi”. Vì lẽ : việc ba mẹ bạn bỏ 200 triệu xây nhà cho ông bà nội năm 2001 là tự nguyện chứ không phải là cho vay nợ. Mặt khác, số tiền đó đã “chuyển hóa” thành căn nhà, và gia đình bạn cũng đã và đang sống trong căn nhà đó. Như vậy, xét theo qui luật tự nhiên thì căn nhà trong quá trình sử dụng sẽ được “khấu hao”, giảm giá trị theo thời gian… Nên không thể nói là những người con còn lại của ông bà nội bạn phải có trách nhiệm “gánh nợ” và trả lại đủ 40 lượng vàng cho ba mẹ bạn được.
Ấy là chưa kể trong trường hợp này do “ngẫu nhiên” mà giá vàng tăng lên tới 6 lần so với thời điểm năm 2001. Chứ giả sử ngược lại, nếu giá vàng giảm 6 lần thì chắc chắn khi đó ba mẹ bạn sẽ lại muốn nhận tiền chứ không muốn nhận vàng. Đúng không?
Qua phân tích như trên, tôi muốn nói rằng việc ba mẹ bạn yêu cầu những đồng thừa kế khác phải xem xét và bù hoàn lại phần chi phí mà ngày trước ba mẹ bạn đã xây nhà là hoàn toàn hợp lý, hợp tình, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, 200 triệu (hay 40 lượng vàng) ở thời điểm năm 2001, qua quá trình sử dụng và biến động như tôi phân tích ở trên – thì tại thời điểm hiện nay có giá trị là bao nhiêu cần phải cân nhắc một cách toàn diện, khách quan và linh hoạt, không cứng nhắc.
Mặt khác, ngay trong trường hợp số tiền 200 triệu đồng ngày xưa có bị tính “thấp” xuống, thì lại có “tác dụng” là “tăng” giá trị khối di sản của ông bà nội bạn để lại. Trong trường hợp này, ba bạn cũng sẽ được hưởng kỷ phần nhiều hơn. Tuy rằng có thể không bằng được theo ý muốn.
Ví dụ thế này nhé : Giả sử căn nhà của ông bà nội bạn hiện nay trị giá 200 lượng vàng. Nếu nay mọi người thống nhất “trả lại” cho ba mẹ bạn 25 lượng vàng, thì giá trị khối di sản sẽ còn : 200-25=175 lượng. Ba bạn sẽ hưởng 175/4 lượng vàng ( khoảng trên 43 lượng). Nếu trả lại cho ba bạn 15 lượng, thì giá trị khối di sản sẽ là 185 lượng, ba bạn sẽ hưởng 185/4 (khoảng 46 lượng).
Ngoài ra, một vấn đề khác tôi cũng muốn trao đổi thêm là theo bạn thì người Bác Tư đã qua đời nên ông bà nội chỉ còn 4 người con và chia di sản cho 4. Tuy nhiên, nếu người Bác Tư này có vợ/con, thì những người này sẽ có quyền nhận phần di sản mà lẽ ra Bác Tư còn sống sẽ được hưởng. Trường hợp này gọi là “thừa kế thế vị”. Khi đó, di sản sẽ chia làm 5 phần chứ không phải 4 phần.Chúc gia đình bạn mọi việc tốt đẹp, giải quyết xong vụ việc mà vẫn giữ gìn được hòa hữu trong đại gia đình. www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ
ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu
quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên
website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi
người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân
sự, tranh chấp dân sự”
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843
Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn
|