Hỏi: Xin chào Luật sư! Xin hỏi luật sư về di chúc và thừa kế, như sau:
Bố mẹ tôi sinh được 4 người con, tôi là út. Tất cả anh, chị, em đã lập gia đình và tách hộ, tôi ở với bố mẹ, bố tôi đã mất. Hiện tại, mẹ tôi đứng chủ hộ khẩu gồm mẹ tôi, tôi và vợ con tôi )
1. Bố tôi trước khi mất đã để lại một bản di chúc, tuy nhiên khi đó gia đình tôi không xin xác nhận của địa phương, không có người làm chứng, không công chứng. Nay để hợp pháp bản di chúc do bố tôi viết lại thì mẹ tôi có thể "chắp bút" xác nhận và mời người làm chứng...., rồi xin xác nhận của địa phương có được không? Hay có cách nào hợp pháp bản di chúc đó. Hay mẹ tôi phải viết bản di chúc mới. (Mẹ tôi muốn sử dụng lời nhắn nhủ của bố tôi)
2. Mẹ tôi muốn để toàn bộ tài sản mà bố tôi đã di chúc cho tôi gồm nhà đất ở (nay tôi đang đứng tên nộp thuế đất , sổ đỏ thì vẫn tên mẹ tôi - mới kê khai vừa rồi), đất vườn, đất canh tác (đã đổi về hồ ao) mang tên mẹ tôi.
Muốn vậy, mẹ tôi phải làm gì? Sử dụng di chúc của bố tôi hay viết di chúc mới? cho-tặng? Có cách nào sang tên tôi trước khi mẹ tôi già yếu? Có thể tặng-cho tôi? có mất thuế không? Đặc biệt là khu đất vườn và ruộng canh tác đã đổi về ao hồ (Hiện tại trong sổ hộ khẩu nghề nghiệp của tôi vẫn là làm ruộng, nhưng thực tế tôi không trực tiếp làm ruộng, tôi học đại học và đang làm cho một doanh nghiệp trong nước, không phải ngạch công chức).
Nếu thực hiện sang tên cho tôi có cần sự đồng ý của các anh chị tôi không? có cần biên bản họp gia đình không? Điều này mẹ tôi không muốn vì các anh chị đang dòi mẹ tôi chia đất vườn (đất vườn này do tôi và bố tôi đắp hồ ao thành, khi đó các anh chị tôi đều đã tách hộ ra ở riêng, không có chung sản xuất gì cả).
3. Nếu mẹ chỉ thông báo cho tôi mà không sang tên, không làm di chúc thì khi mẹ mất (chung hộ khẩu với tôi) thì số đất vườn, ruộng, đất ở có thuộc quyền sử dụng của tôi không? anh chị tôi có quyền đòi chia không?
4. Mẹ tôi nên làm cách nào để chuyển tài sản cho tôi một cách thuận tiện nhất mà không cần sự đồng ý của các anh chị tôi? Xin Luật sư trợ giúp, chân thành cảm ơn. ( De B.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Tôi thật sự cảm thấy băn khoăn khi trả lời câu hỏi của anh. Vì những điều anh hỏi, nếu được trả lời, chính là đã vô tình “tiếp sức” theo hướng có lợi cho anh, nhưng lại bất lợi cho những anh, chị, em của anh – đều do một gốc sinh ra, ruột thịt của nhau. Liệu có hợp tình hợp lý không, khi mà cha mẹ có nhiều người con, nhưng lại cho toàn bộ nhà đất cho riêng một người con ( là anh)? Nhất là khi về nguyên tắc, chuyện cho ai, như thế nào phải do người có tài sản quyết định, chứ không phải là do người được hưởng/sẽ được hưởng “giật dây”, “đạo diễn”. Đã có biết bao nhiêu vụ tranh chấp trong gia đình giữa những người ruột thịt của nhau, để đến cảnh mất tình mất nghĩa, anh em không còn nhìn mặt, thậm chí coi nhau như kẻ thù. Do vậy, bất luận thế nào, anh cũng cần hiểu rằng cái gì công bằng, hợp lý là quí nhất.
Sau đây là phần trả lời thuần túy về mặt pháp lý của tôi.
Trước hết, nói về bản di chúc của bố anh. Theo qui định của pháp luật, di chúc là sự thể hiện ý chí của người có tài sản, để lại tài sản của mình cho một hoặc nhiều người. Di chúc chỉ phát sinh hiệu lực pháp luật khi người có tài sản qua đời.
Như vậy, sau khi bố anh qua đời, bản di chúc này xem như phát sinh hiệu lực pháp luật. Tức là những nội dung (chính là ý nguyện của bố anh) được thực thi.
Theo qui định tại Bộ luật dân sự, di chúc không nhất thiết phải có người làm chứng, hay phải công chứng. Hay nói cách khác, bản di chúc của bố anh vẫn có thể xem là hợp pháp, nếu và phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau đây:
- Bố anh hoàn toàn tự nguyện, minh mẫn khi lập bản di chúc.
- Nội dung bản di chúc không trái qui định của pháp luật. Hoặc nếu có những nội dung trái, không đúng thì phần trái, không đúng đó sẽ không có giá trị. Còn phần đúng sẽ được pháp luật công nhận. Chẳng hạn: Theo qui định tại Luật hôn nhân và gia đình thì tài sản của vợ chồng là tài sản chung, mỗi người một nửa. Do vậy, bố anh chỉ có thể định đoạt (viết di chúc) đối với phần tài sản “của mình”, tức là một nửa nhà đất, mà không còn quyền can thiệp, định đoạt vào phần tài sản của mẹ anh (đang còn sống).
Mặt khác, theo qui định thì sau khi bố anh mất, mẹ anh hoặc anh có nghĩa vụ phải công khai bản di chúc cho mọi người biết. “Mọi người” ở đây là những người có quyền thừa kế theo qui định của pháp luật đối với di sản của bố anh, bao gồm : mẹ anh và toàn bộ anh chị em của anh. Sau khi công bố, nếu không ai có ý kiến thắc mắc, thì anh phải làm thủ tục kê khai để nhận di sản thừa kế do bố để lại cho mình. Ở đây, anh chưa công bố bản di chúc, nên chưa thể xác định là di chúc có giá trị hay không. Nếu có tranh chấp, thì việc xác định giá trị của bản di chúc phải do Tòa án kết luận.
Mặt khác, theo thông tin anh kể thì hiện nay nhà đất đã đứng tên mẹ anh, tức là đã (có thể) vô tình xóa nhòa đi giá trị của bản di chúc của bố anh. ( Theo tôi nghĩ mẹ anh chỉ là người đứng tên đại diện, và phần tài sản của bố anh nay xem như là “di sản” và chưa chia. Theo luật thì sẽ chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất: gồm mẹ anh và các con của bố anh).
Thứ hai, nói về việc mẹ anh có thể "chắp bút xác nhận và mời người làm chứng, rồi xin xác nhận của địa phương có được không?”. Việc này như đã giải thích ở trên, là không được. Vì mẹ anh không có quyền “can thiệp” vào ý nguyện và tài sản của bố anh. Lại càng không thể can thiệp bằng các biện pháp “kỹ thuật” như viết thêm, mời người làm chứng … để “hợp pháp hóa” bản di chúc mà người viết đã qua đời. Vì chỉ có người viết di chúc mới có quyền chỉnh sửa, bổ sung di chúc của mình. Chỉ có người trực tiếp chứng kiến sự việc mới có thể làm chứng.
Qua những điều trao đổi ở trên, theo đánh giá của tôi, bản di chúc của bố anh nhiều khả năng sẽ bị những anh chị em của anh xem là không có giá trị và sẽ tranh chấp.
Thứ ba, mẹ anh không có quyền “để toàn bộ tài sản mà bố tôi đã di chúc” cho anh. Nhưng có quyền để phần tài sản của mình (một nửa nhà đất) cho anh bằng cách làm hợp đồng cho tặng hay viết di chúc để lại cho anh. Nếu mẹ anh muốn giao cho anh nhà đất (phần của mình) ngay lúc này (khi bà vẫn còn sống), thì có thể làm hợp đồng tặng cho anh. Vì mẹ anh cho anh tài sản riêng của mình ( một nửa giá trị nhà đất) nên không cần phải có sự đồng ý của các anh chị của anh. Cũng không cần phải có cần biên bản họp gia đình.
Thứ tư, việc anh nói “nếu mẹ chỉ thông báo cho tôi mà không sang tên, không làm di chúc” thì hiển nhiên “đất vườn, ruộng, đất ở” sẽ không thuộc quyền sử dụng của anh. Vì nhà đất là bất động sản, mọi sự chuyển dịch quyền sử dụng (dưới mọi hình thức) đều phải thể hiện bằng văn bản ( hợp đồng cho tặng, di chúc).
Ý cuối, nếu anh thực sự “có công” trong việc cải tạo đất thì nên nói với mẹ, để mẹ anh xác nhận sự việc và anh sẽ được “thanh toán” lại phần công sức này về sau. www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ
ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu
quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên
website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi
người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân
sự, tranh chấp dân sự”
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843
Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn
|