Thursday, August 21, 2014

Có thể đòi nợ từ việc ghi âm cuộc điện thoại?


Hỏi: Kính chào Luật sư của Ecolaw. Em có một sự việc nhờ luật sư tư vấn. Cụ thể như sau:

Em có một anh trai có vay một người bạn với số tiền 300.000.000đ (ba trăm triệu đồng) vì là bạn thân của nhau nên khi cho vay giữa hai người không viết bất kỳ một loại giấy tờ nào. (số tiền vay trên anh trai em không cho vợ biết).

Sau đó người bạn thân cần tiền để giải quyết việc riêng nên đòi lại nhưng anh trai em không có khả năng trả nợ, người bạn thân ấy đến nhà và chị dâu của em biết được sự việc. 


Sau đó hai vợ chồng bàn bạc với nhau sẽ gán miếng đất mà vợ chồng anh trai em có với trị giá 330.000.000đ. Và việc gán nợ có giấy viết tay là anh trai em đã trả đủ số tiền đã vay trên; số tiền thừa 30.000.000đ người bạn thân sẽ trả lại cho chị anh trai em; tất cả đều được ghi trong văn bản và cùng ký tên (có người làm chứng cũng ký tên trong bên bản ấy). Nhưng biên bản trả nợ chưa có công chứng (ngày trả nợ là 4/5/2012).

Nhưng có một việc mà anh trai em không ngờ là ngày 16/3/2012, trong lúc có hơi men thì người bạn thân điện yêu cầu anh trai em trả số tiền 660.000.000đ, vì tinh thần lúc đó không còn minh mẫn nên anh trai em không nhớ là mình đã nói là vay 300.000.000 hay 660.000.000đ và người bạn thân đã ghi âm cuộc nói chuyện này. Căn cứ vào cuộc nói chuyện này người bạn thân đã gửi đơn đến tòa án yêu cầu anh trai em phải trả số tiền 660.000.000đ, nhưng thực chất thì anh trai em chỉ vay với số tiền 300.000.000đ theo giấy gán nợ được lập ngày 4/5/2012.

Theo luật sư yêu cầu của người bạn thân có được tòa chấp thuận không và giấy viết tay gán nợ ngày 4/5/2012 có chứng minh được là anh trai em chỉ vay 300.000.000 chứ không phải 660.000.000đ ? Xin luật sư tư vấn giùm! Cảm ơn Luật sư rất nhiều ( Thuan Ph.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Nếu sự việc đúng như lời bạn kể, thì người “bạn thân” là “bạn xấu” mất rồi. Nhưng căn cứ vào đâu mà bạn tin chắc là anh bạn chỉ mượn 300 triệu đồng? Vì sao bạn biết anh bạn do “có hơi men” nên không nhớ là mình đã vay 300 triệu nên đã sơ ý thừa nhận vay tới 660 triệu? Và một câu hỏi khác: vì sao người bạn của anh bạn lại phải quyết tâm “gài bẫy” anh bạn như vậy? Số tiền vay 300 triệu đồng có tính lãi hay không? – Đây là những câu hỏi mà anh bạn sẽ phải suy nghĩ và có thể phải trả lời tại phiên tòa xét xử.

Tuy nhiên, nói vậy thôi, chứ tôi nghĩ rằng có lẽ những điều bạn nói là đúng. Vì không phải ngẫu nhiên mà người bạn của anh bạn (tạm gọi là ông A) là chấp nhận lập thành văn bản gán nợ, ghi rõ số tiền trả nợ “đã trả đủ”, hẹn ngày trả lại khoản thừa 30 triệu đồng và có cả người làm chứng. Đây là chứng cứ (văn bản) đã được lập trên cơ sở tự nguyện, có người làm chứng, nội dung khá rõ ràng – nên về nguyên tắc cho giá trị và giá trị chứng minh.

Tuy vậy, việc bạn hỏi anh bạn có thể dùng giấy gán nợ để chứng minh chỉ vay 300 triệu – trong khi trong giấy gán nợ không ghi rõ là gán số nợ bao nhiêu – có thể nói là khó. Vì câu “đã trả đủ” chưa đủ để chứng minh đó là số tiền 300 triệu đồng. ( Nhưng cũng có thể nhờ người làm chứng xác nhận nội dung hôm làm chứng).

Việc nay ông A kiện anh bạn đòi số tiền 660 triệu đồng, nếu thực sự chỉ thông qua chứng cứ là một đoạn ghi âm cuộc nói chuyện qua điện thoại, thì theo tôi xem ra cũng khó lòng mà thuyết phục được Hội đồng xét xử, nếu không làm rõ được những vấn đề sau đây: Số tiền 660 triệu là tiền gì: cho vay lúc nào? Giao nhận ra sao? Về việc gì? Có liên quan gì đến giấy gán nợ đã lập trước đó hay không? Tại sao không lập thành văn bản? Trong số 660 triệu đồng có tiền lãi hay không? …

Đó là chưa kể anh bạn còn có quyền ( và nên) phản đối, không thừa nhận nội dung mà mình đã nói.

Nhưng, bất luận thế nào, thì tôi nghĩ rằng việc chứng minh là 300 triệu đồng hay 660 triệu đồng hoàn toàn thuộc nghĩa vụ (và cũng là quyền) của các bên đương sự trong vụ án này. Theo đó, theo qui định của pháp luật, bên thắng kiện sẽ là bên đưa ra được chứng cứ và lý lẽ thuyết phục được Tòa. Ngược lại, nếu bên nào “yếu kém” hơn trong việc chứng minh, thì sẽ phải gánh chịu hậu quả do sự “yếu kém” của mình - cho dù có thể là trường hợp “tình ngay lý gian”. Người ta vẫn có câu “phần thắng luôn thuộc về kẻ mạnh” là vậy. Còn sự thật khách quan trong sự việc này là thế nào - thì chỉ có những người trong cuộc – mà ở đây là ông A và anh của bạn, mới biết được. Cả bạn và tôi cũng chỉ đều là người nghe kể lại mà thôi.

Chúc anh bạn sẽ có được kết quả tốt đẹp trong vụ án này.www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn