Luật sư TRẦN HỒNG PHONG
Hụi là gì ?
Hụi (hay còn gọi là “họ”) là một hình thức huy động vốn theo kiểu quan hệ vay mượn tài sản/tiền trước rồi trả sau - giữa một nhóm người với nhau. Chơi hụi khá phổ biến trong đời sống người Việt và đã có từ rất lâu. Không hiểu vì sao và từ bao giờ, người ta hay nói là “chơi” hụi.
Tất cả những người tham gia chơi hụi với nhau sẽ tập hợp thành một “dây hụi”, mỗi thành viên là một “hụi viên”, người đứng ra tổ chức, điều hành, quản lý và thu tiền gọi là “chủ hụi”.
Mặc dù có thể có sự khác biệt đôi chút mô hình và hình thức chơi hụi, nhưng về cơ bản, có thể mô tả về mô hình một dây hụi như sau:
Giả sử có 10 người là ông Một, bà Hai, ông Ba, bà Bốn … và 10 người này cùng tham gia chơi hụi với nhau, tạo thành một dây hụi.
Sau mỗi một chu kỳ cố định về thời gian ( thường là tháng hoặc tuần, có khi là ngày), chẳng hạn là đầu tháng, những người chơi hụi sẽ có nghĩa vụ đóng tiền ( gọi là tiền hụi) cho người chủ hụi.
Số tiền đóng hụi là bao nhiêu do các hụi viên thống nhất từ trước khi chơi. Chẳng hạn là mỗi tháng đóng 1 triệu đồng. Khi đó, dây hụi này sẽ là “hụi tháng, 1 triệu đồng”. Với 10 người tham gia như trên, mỗi tháng chủ hụi sẽ thu vào được 10 triệu đồng. Thời gian đóng tiền sẽ là 10 tháng – tương ứng với 10 người. Mỗi tháng, số tiền hụi thu vào sẽ giao cho một người - gọi là người “hốt hụi” trong tháng. Những người đã hốt hụi xong thì trở thành “hụi chết”.
Và sẽ lần lượt từng người hốt hụi cho đến khi tất cả đều hốt hụi xong. Khi đó xem như kết thúc cuộc “chơi hụi”.
Ví dụ: 10 người nói trên, tháng thứ nhất ông Một là người hốt hụi. Như vậy, ông Một sẽ nhận 10 triệu đồng ( trong đó có 1 triệu đồng do chính mình góp và 9 triệu đồng do các thành viên còn lại đóng vào). Qua tháng 2, bà Hai là người hốt hụi, cũng sẽ nhận 10 triệu đồng ...vv.
Nếu quan sát kỹ trường hợp ông Một sẽ thấy như nhau: khi tham gia vào dây hụi, dù chỉ bỏ ra 1 triệu đồng ở tháng thứ nhất, nhưng ông đã được nhận ngay 10 triệu đồng. Số tiền 10 triệu đồng này có thể xem như ông đã “vay” trước của những người còn lại trong dây hụi. Sau đó hàng tháng ông đóng “hụi chết” 1 triệu đồng, đóng đủ 9 tháng và xem như đang “trả góp” cho 9 người kia số tiền mà mình đã vay (khi hốt hụi).
Ví dụ như trên là dạng “đơn giản hóa” để dễ hình dung. Thực tế không hẳn là cứ tới đầu tháng thì ai cũng phải đóng 1 triệu đồng, mà sẽ căn cứ vào kết quả “khui hụi” (hay còn gọi là “mở hụi” hàng tháng.
Vậy khu hụi là thế nào ? Vào mỗi kỳ đóng tiền hàng tháng, người chủ hụi sẽ tiến hành việc “khui hụi” bằng cách mời các hụi viên chưa hốt hụi tham gia “bỏ hụi” – giống như hình thức một cuộc đấu giá vậy. Hụi viên nào muốn có tiền (hốt hụi) trong tháng đó thì sẽ tham gia vào việc đấu giá về tiền lãi. Người nào đưa ra giá bỏ hụi cao nhất sẽ được xem là thắng và có quyền hốt hụi tháng đó.
Theo ví dụ trên, giả sử tới tháng thứ năm, ông Bảy và bà Tám đều muốn hốt hụi nên cùng tham gia bỏ hụi. Ông Bảy ghi vào tờ phiếu của mình là “50 ngàn đồng”, còn bà Tám ghi “60 ngàn đồng”. Khi người chủ hụi mở hai tờ phiếu, thấy tờ phiếu của bà Tám ghi số tiền cao hơn. Như vậy, bà Tám là người thắng, được hốt hụi trong tháng đó.
Khi đó, vì bà Tám ghi “60 ngàn đồng”, nên xem như bà Tám phải trả số tiền này cho các hụi viên chưa hốt hụi còn lại. Vì đây là tháng thứ năm, nên đã có 5 hụi viên hốt hụi, còn lại 5 người “hụi sống”. Bà Tám sẽ phải trả thay cho 5 người này - mỗi người 60 ngàn đồng. Tức là thay vì phải đóng đủ 1 triệu đồng, thì 5 người này sẽ chỉ phải đóng 940.000 đồng. Số tiền 60 ngàn đồng chính là số tiền lời của những người chưa hốt hụi.
Như vậy, có thể thấy người nào càng chậm hốt hụi thì sẽ càng có nhiều tiền lời, càng được lợi. Trong khi đó, những người hốt hụi trước thì sẽ không được tiền lời, mà sẽ phải đóng “hụi chết” mỗi tháng, tức đóng đủ 1 triệu đồng.
Việc chơi hụi như trên có thể nói là khá phổ biến trong cả nước, nhất là ở các đô thị lớn như TP.HCM, lan cả vào các cơ quan, doanh nghiệp.
Trên thực tế, có nhiều người thậm chí sống bằng nghề làm chủ hụi – kiếm tiền từ số tiền lời - còn gọi là “tiền thảo”, “tiền sâu” - được trích ra từ tiền bỏ hụi của các hụi viên trong tháng. Số “tiền thảo” thường có giá trị bằng khoảng 50% số tiền lãi mà hụi viên bỏ hụi phải trả trong kỳ. Chẳng hạn như ở ví dụ trên, số tiền 60 ngàn đồng thực chất sẽ được chia cho người chủ hụi hưởng 30 ngàn đồng.
Có lợi, nhưng cũng rất rủi ro
Qua mô hình chơi hụi như ở trên, nếu nhìn theo phương diện tích cực, có thể nói về bản chất việc chơi hụi khá hay, tạo điều kiện để các cá nhân có thể có được một số tiền lớn vay từ những người cùng tham gia, thay vì phải đi vay của ngân hàng, lại không cần thủ tục phiền phức gì cả. Hình thức góp, trả cũng đơn giản, nhẹ nhàng, thuận tiện.
Bản thân tôi cũng đã từng chơi hụi và nhờ chơi hụi (chơi một lúc 2 dây hụi khác nhau) mà tôi có điều kiện huy động được một số tiền kha khá, để … xây nhà (cấp 4)!
Tuy nhiên, có thể khẳng định là chơi hụi có tính rủi ro rất cao. Thậm chí rất rất cao – nếu rơi vào các trường hợp như phân tích dưới đây.
Trước hết, có thể thấy việc chơi hụi, sự liên kết giữa các thành viên tham gia hoàn toàn mang tính “tín chấp”, tin tưởng nhau là chính mà không có tài sản thế chấp, bảo đảm. ( Hãy hình dung Ngân hàng chỉ cho vay vài chục triệu đồng đã đòi thế chấp nhà, giữ bản chính giấy tờ nhà).
Dây hụi thực chất là một “vòng dây xích” hình tròn, mỗi thành viên tham gia chính là một mắt xích. Chỉ cần một mắt xích bị đứt (không đóng tiền hụi) thì sợi dây xích sẽ bị đứt, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của những người chưa hốt hụi. Ràng buộc đến trách nhiệm của người chủ hụi…vv. Trường hợp như vậy người ta vẫn hay gọi là “bể hụi”.
Hãy hình dung dây hụi nêu ở ví dụ trên, chẳng hạn đến tháng thứ ba, bất ngờ một hụi viên không còn khả năng đóng hụi nữa. Khi đó, dây hụi chỉ còn có 9 người đóng tiền, nên thay vì thu được 10 triệu đồng thì sẽ chỉ còn 9 triệu đồng. Việc thiếu 1 triệu này sẽ giải quyết thế nào ? Mà về nguyên tắc là phải bù vào. Nhưng lấy tiền ở đâu, lấy của ai mà bù vào đây? Qua các tháng sau, dây dụi sẽ tiếp tục bị thiếu 1 triệu đồng. Chỉ cần các thành viên chơi hụi khác biết được, và/hoặc người hụi viên khó khăn “bỏ trốn” chẳng hạn, thì khi đó mọi người sẽ có cảm giác vô cùng náo loạn, mất bình tĩnh.
Tâm lý đó sẽ “lây nhiễm” qua những người khác, làm cho mọi người đều cảm thấy không an tâm để tiếp tục đóng tiền vào dây hụi, vì sợ rủi ro. Lúc này sẽ dẫn đến cảnh người chủ hụi hoặc là phải đến nhà hụi viên dùng “biện pháp mạnh” để đòi tiền (tiền đóng hụi) hoặc chính người chủ hụi phải tự bỏ tiền túi ra đóng thay cho con hụi để duy trì dây hụi (nhưng khả năng này hầu như là rất thấp và chỉ đối với số tiền nhỏ) hoặc là chủ hụi phải … bỏ trốn !
Nhưng rủi ro không phải chỉ có vậy. Nguy hiểm nhất là trường hợp nhiều người tham gia vào dây hụi do chủ hụi tổ chức mà những người chơi thậm chí không biết mặt nhau, không biết có bao nhiêu người chơi, thật giả lẫn lộn. Không loại trừ khả năng người chủ hụi, vì mục đích xấu, đã làm ra những dây hụi ma (không có thật), hoặc ghi khống, tăng giảm số tiền đóng hụi, thời gian đóng hụi. Chẳng hạn có 10 người chơi thì nói là 20 người, số tiền đóng là 1 triệu/tháng thì nói là 3 triệu/tháng, giấy tờ sổ sách không rõ ràng, sau khi thu tiền, thay vì giao cho người hốt hụi trong tháng thì thực sự … không có ai cả. Sau khi gom tiền được vài tháng, chủ hụi … hô biến.
Những trường hợp như vậy, người chơi hụi xem như đã trở thành nạn nhân của sự lừa đảo hoặc sự nhẹ dạ, chủ quan của chính mình. Mà việc giải quyết tranh chấp thì không hề đơn giản, giấy tờ chứng cứ mơ hồ ( nhiều khi người chơi hụi không có đến 1 tấc giấy trong tay !).
Pháp luật không cấm chơi hụi
Việc tham gia chơi hụi thực chất là một loại giao dịch dân sự (quan hệ vay mượn tiền theo thỏa thuận) giữa các cá nhân với nhau.
Năm 2005, Bộ luật Dân sự được bổ sung sửa đổi đã lần đầu tiên có qui định về hoạt động chơi hụi. Theo đó, việc chơi hụi được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Điều 479 Bộ luật Dân sự 2005 quy định như sau:
1. Hụi ( hay còn gọi là họ, biêu, phường) là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
2. Hình thức hụi nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Nghiêm cấm việc tổ chức hụi dưới hình thức cho vay nặng lãi.
Cuối năm 2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 144/2006 qui định rõ hơn về các nguyên tắc và điều kiện tổ chức chơi hụi được xem là hợp pháp.
Như vậy, chơi hụi không bị cấm, không bị xem là hành vi vi phạm pháp luật. Về nguyên tắc, mọi người có thể và có quyền chơi hụi để có được lợi ích cho mình.
Tuy nhiên, chính vì việc chơi hụi có tính rủi ro rất cao, nên tốt nhất là chỉ nên chơi hụi khi bảo đảm tính an toàn và nằm trong khuôn khổ của pháp luật qui định. Có như vậy, mới có thể tránh hoặc chí ít là hạn chế tối đa những rủi ro/hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trên thực tế, đã có biết bao nhiêu trường hợp nhà tan cửa nát, các vụ giật hụi, bể hụi với số tiền lên đến hàng trăm triệu, hàng tỷ hay thậm chí hàng chục tỷ đồng đồng. Đó là những bài học kinh nghiệm và nhãn tiền mà mọi người cần lưu ý, trước khi quyết định có nên tham gia vào một dây hụi hay không.
Chỉ nên chơi hụi khi thấy rõ sự an toàn
Hụi an toàn, nói một cách đơn giản, là không tiềm ẩn hay có các yếu tố rủi ro, mờ ám như đã nói ở trên. Hoặc là phải có cách làm rõ, khắc phục và hạn chế những yếu tố rủi ro đó.
Trước hết, khi tham gia chơi hụi, người chơi cần hiểu rõ qui định của pháp luật về chơi hụi, hiểu rõ bản chất của mô hình chơi hụi.
Và, người chơi hụi cần lưu ý những điều sau:
- Chỉ tham gia vào dây hụi do người chủ hụi có độ tin cậy cao tổ chức. Việc này không chỉ đánh giá qua bề ngoài hào nhoáng, ăn to nói lớn, nhà to cửa rộng… Mà phải xem đến uy tín, nhân thân, thậm chí gia đình của người chủ hụi.
- Nhất thiết phải biết rõ, thậm chí chọn lựa những người cùng tham gia chơi hụi đang làm việc ở đâu, nguồn thu nhập như thế nào, phải có khả năng tham gia lâu dài và đóng hụi đầy đủ. Nên nhớ có không ít trường hợp hụi viên vừa hốt hụi xong là bỏ trốn không tiếp tục đóng hụi nữa gây thiệt hại và ảnh hưởng đến các thành viên chơi hụi khác.
- Việc chơi hụi nhất thiết phải có sổ sách rõ ràng, chứng từ đầy đủ, chính xác và chi tiết về diễn biến của dây hụi. Ngoài số liệu tiền bạc, ngày tháng, chủ hụi và các thành viên nên lập thành văn bản thỏa thuận về việc chơi hụi, có điều khoản qui định rõ về chu kỳ đóng tiền, số tiền đóng, hình thức thanh toán, trách nhiệm của chủ hụi, quyền và nghĩa vụ của các hụi viên, vấn đề giải quyết tranh chấp … - tóm lại là như một bản hợp đồng vay mượn tiền của nhau. Ngoài ra còn phải có sổ phụ cấp cho các hụi viên…. Đây là những chứng cứ hết sức quan trọng, và là cơ sở để Tòa án xem xét, giải quyết khi xảy ra tranh chấp, bể hụi…
- Khi xảy ra tranh chấp về hụi, các bên nên chủ động chấm dứt dây hụi, thương lượng, hòa giải với nhau, có thể lập thành bản thỏa thuận mới theo hướng chốt nợ, đưa ra thời điểm trả nợ …vv. Nếu không hòa giải, thương lượng với nhau được thì người bị thiệt hại nên khởi kiện ra Tòa án, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Để biết rõ hơn qui định của pháp luật liên quan đến việc chơi hụi, xin mời quí vị xem thêm bài viết giới thiệu về Nghị định 144/2006 với tên gọi “Qui định về việc chơi hụi”, có thể xem như là phần tiếp theo của bài viết này.