Trong vụ án dân sự, thư ký tòa (court clerk) có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Hỗ trợ hoặc phụ giúp thẩm phán tiến hành các công việc liên quan đến quá trình giải quyết vụ án như : tống đạt các quyết định của tòa, ghi lời khai của đương sự, hướng dẫn đương sự bổ sung chứng cứ, ghi biên bản các phiên hòa giải…
- Chuẩn bị các công tác nghiệp vụ cần thiết trước khi khai mạc phiên toà.
- Tại phiên tòa : phổ biến nội quy phiên toà, báo cáo với Hội đồng xét xử danh sách những người được triệu tập đến phiên toà.
- Ghi biên bản phiên toà.
Với những qui định như trên, có thể thấy vai trò của thư ký tòa là rất quan trọng. Nhất là đối với việc ghi Biên bản phiên tòa. Hãy hình dung : nếu thư ký ghi biên bản phiên tòa không đúng sự thật, thiếu sót, thiếu khách quan … thì sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của các bên đương sự trong quá trình giải quyết vụ án.
Theo qui định tại Bộ luật tố tụng hình sự ( không có trong Bộ luật tố tụng dân sự - không hiểu vì sao ?) thì ngoài những nhiệm vụ trên, thư ký tòa còn “phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Chánh án về hành vi của mình”.
Thư ký tòa án hầu hết có trình độ cử nhân luật. Đây cũng chính là nguồn chính để đào tạo thành thẩm phán. Thông thường, thư ký tòa sau quá trình làm việc khoảng 5 năm trở lên có thể sẽ được chọn, đào tạo ngắn hạn để bổ nhiệm làm thẩm phán.
Chính vì có vai trò như một “cánh tay” của thẩm phán, biết nhiều thông tin liên quan đến các bên đương sự, đến hồ sơ vụ án, nên vị trí thư ký tòa án có thể nói là khá “nhạy cảm”. Nếu người nào không có tư cách đạo đức và chuyên môn tốt sẽ có nhiều cơ hội để và hay vòi vĩnh, làm khó đương sự hay thậm chí tham gia móc nối chạy án…
Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản
phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo
quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham
khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí
vị sử dụng vào các mục đích khác.
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
|