Thursday, July 24, 2014

Điểm chỉ (lăn tay)

Điểm chỉ (hay còn gọi là lăn tay) là việc “ký tên” vào một loại văn bản, giấy tờ nào đó nhưng người “ký tên” do không biết chữ nên đành phải cho ngón tay của mình vào mực, sau đó lăn ngón tay dính mực vào văn bản cần ký.

Sau khi lăn tay như vậy, trên tờ văn bản sẽ có dấu vân tay của người điểm chỉ (giống như dấu vấn tay trên giấy Chứng minh nhân dân). 


Sở dĩ pháp luật qui định nếu không biết chữ thì có thể thay thể bằng cách điểm chỉ là vì theo các công trình nghiên cứu khoa học hiện nay – dấu vân tay mỗi người đều khác nhau. Không thể có chuyện có hai người có dấu vân tay giống nhau. Do vậy, “chữ ký” theo kiểu điểm chỉ thậm chí còn “chắc ăn” hơn ký tên bình thường – vì không thể giả được dấu vân tay.

Trên thực tế, hiện nay việc điểm chỉ vẫn được sử dụng một cách rộng rãi và linh hoạt. Chúng tôi đã từng thấy rất nhiều tài liệu, giấy tờ, từ di chúc cho đến hợp đồng mua bán nhà, đặt cọc, vay mượn tiền ... có dấu điểm chỉ. Kể cả khi người điểm chỉ biết chữ, còn trẻ ...

Theo quan điểm của chúng tôi, việc sử dụng điểm chỉ song song với việc ký tên thực ra cũng tốt, thêm phần chắc chắn và cũng không có gì là quá phiền toái hay sai luật.

Qui định về việc điểm chỉ được thể hiện trong Luật công chứng.

Theo Luật công chứng, “việc điểm chỉ được thay thế việc ký trong văn bản công chứng trong các trường hợp người yêu cầu công chứng (tức là người đến Phòng công chứng để công chứng giấy tờ) hay người làm chứng không ký được do khuyết tật hoặc không biết ký (không biết chữ)”.

Điều cần lưu ý là luật qui định việc điểm chỉ phải dử dụng ngón trỏ phải. Nếu không điểm chỉ được bằng ngón trỏ phải thì điểm chỉ bằng ngón trỏ trái. Trường hợp không thể điểm chỉ bằng hai ngón trỏ đó thì điểm chỉ bằng ngón khác.
Và trong mọi trường hợp, cần ghi rõ việc điểm chỉ đó thực hiện bằng ngón nào, của bàn tay nào.

Ngoài ra, cũng theo Luật công chứng, việc điểm chỉ có thể thực hiện đồng thời với việc ký tên trong các trường hợp sau đây:

- Công chứng di chúc;

- Theo đề nghị của chính người yêu cầu công chứng;

- Khi Công chứng viên thấy cần thiết phải điểm chỉ để bảo vệ quyền lợi cho người yêu cầu công chứng.



Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI