Chứng cứ ( tiếng anh : witness, evidence hoặc proof) mà chúng tôi muốn trình bày ở đây là chứng cứ trong vụ án dân sự ( bao gồm cả lĩnh vực kinh tế, hành chính, lao động …) và có sự khác biệt đôi chút so với chứng cứ trong vụ án hình sự.
Có thể nói chứng cứ có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, gần như mang tính chất quyết định trong việc xác định được kết quả thắng – thua của các bên trong một vụ án. Vì vậy, việc xác định và đánh giá thế nào là chứng cứ và các vấn đề liên quan đến chứng cứ nhất thiết phải được qui định rõ ràng, chặt chẽ. Chứ không phải bất kỳ cái gì, do bất kỳ bên nào đưa ra cũng đều được xem là chứng cứ.
Theo qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự, chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được - theo trình tự, thủ tục do luật quy định ( chính là luật tố tụng dân sự).
Chỉ sau khi bảo đảm đúng qui định như trên thì Toà án mới công nhận đó là chứng cứ và dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không.
Chứng cứ phải được và chỉ được thu thập từ các nguồn sau đây và thỏa các điều kiện như sau :
1. Các tài liệu đọc được nội dung. Phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực. Ví dụ : nếu nguyên đơn đưa ra một tờ "Giấy nhận nợ" có chữ ký của người nợ (bị đơn) - thì tòa sẽ công nhận tờ giấy đó là chứng cứ khi đó là bản chính chứ không phải là bản photo.
2. Các tài liệu nghe được. Được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Ví dụ : một bên đưa ra một cuộn băng ghi âm lời nói của một người và cho rằng đó là lời nói của người đang nợ mình. Nếu bên nợ thừa nhận đó là giọng nói của mình thì cuộn băng sẽ được tòa chấp nhận là chứng cứ. Ngược lại, nếu bên nợ nói đó không phải là giọng nói của mình thì có thể tòa sẽ yêu cầu giám định ( do cơ quan giám định có thẩm quyền thực hiện). Tòa sẽ can cứ vào kết quả giám định để xác định có chấp nhận cuộn băng là chứng cứ hay không.
3. Vật chứng. Được coi là chứng cứ khi đó là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc.
4. Lời khai của đương sự. Phải được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình hoặc khai bằng lời tại phiên toà.
5. Kết luận giám định. Nếu việc giám định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ. Nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định và có chữ ký của các thành viên tham gia thẩm định.
7. Tập quán. Được coi là chứng cứ nếu được cộng đồng nơi có tập quán đó thừa nhận.
8. Kết quả định giá tài sản. Được coi là chứng cứ nếu việc định giá được tiến hành theo thủ tục do pháp luật quy định.
Luật pháp cũng qui định trong quá trình Toà án giải quyết vụ án dân sự, đương sự có quyền và cũng là nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Toà án. Nếu đương sự không nộp hoặc nộp không đầy đủ các chứng cứ thì tự mình phải gánh chịu hậu quả của việc không nộp hoặc nộp không đầy đủ đó.
Ví dụ : Ông A nợ ông B 200 triệu đồng, được thể hiện tại 2 giấy nợ, mỗi giấy 100 triệu đồng. Ông B kiện đòi nợ ông A 200 triệu đồng, nhưng chi đưa ra một tờ giấy nợ. Như vậy, tờ giấy nợ được xem là chứng cứ. Tuy nhiên, vì ông B đã không giao nộp đủ cả hai tờ giấy nợ cho tòa, nên tòa không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu đòi nợ 200 triệu đồng mà chỉ chấp nhận 100 triệu đồng. Như vậy, hậu quả của việc không đòi được đủ 200 triệu là do ông B đã không giao nộp đủ chứng cứ.
Cũng chính vì vai trò quan trọng của chứng cứ, nên khi giao nộp chứng cứ cho Toà án, chúng ta nhất thiết phải đề nghị tòa lập biên bản về việc giao nhận chứng cứ. Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của chứng cứ; số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Toà án.
Theo qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự , biên bản giao nhận chứng cứ phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ giữ.
Cũng xin nói thêm là tuy luật qui định như vậy, nhưng rất nhiều trường hợp khi đương sự giao nộp chứng cứ thì cán bộ tòa án lại “quên”, không chịu lập biên bản. Khi đó, đương sự cần dũng cảm và cương quyết đấu tranh, đòi lập biên bản hoặc chí ít cũng phải là tờ Biên nhận về việc giao nộp chứng cứ. Và đây cũng chính là “chứng cứ” để đương sự chứng minh là mình đã nộp chứng cứ cho tòa – trong trường hợp chứng cứ có thể bị thất lạc vì những lý do không rõ ràng nào đó.
Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản
phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo
quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham
khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí
vị sử dụng vào các mục đích khác.
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
|