Thursday, July 24, 2014

Thẩm phán

Thẩm phán là một chức danh tư pháp, chỉ người được bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án ( hình sự, dân sự, lao động …) và giải quyết những công việc khác thuộc thẩm quyền của Toà án.

Thẩm phán trong hệ thống Toà án nhân dân ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:

- Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao;

- Thẩm phán Toà án nhân dân cấp tỉnh.

- Thẩm phán Toà án nhân dân cấp huyện

- Thẩm phán Toà án quân sự các cấp ( bao gồm Toà án quân sự trung ương, Toà án quân sự cấp quân khu và Toà án quân sự khu vực).


Tại Việt Nam, theo qui định, việc xét xử chia thành 2 cấp : sơ thẩm và phúc thẩm.

Hội đồng xét xử phiên tòa sơ thẩm gồm 3 vị : 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân ( vị thẩm phán nắm quyền là Chủ tọa phiên tòa).

Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm gồm 3 thẩm phán. Trong đó, một thẩm phán là Chủ tọa phiên tòa.

Điều kiện để có thể được bổ nhiệm làm thẩm phán:

- Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực

- Có trình độ cử nhân luật và đã được đào tạo về nghiệp vụ xét xử, có thời gian công tác thực tiễn …

Trong công việc, Thẩm phán làm nhiệm vụ xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Toà án theo sự phân công của Chánh án Toà án nơi mình công tác.

Thẩm phán có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành những quyết định có liên quan đến việc giải quyết vụ án hoặc những việc khác theo quy định của pháp luật.

Thẩm phán không được làm những việc sau đây:

- Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm;

- Tư vấn cho bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án hoặc những việc khác không đúng quy định của pháp luật;

- Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án;

- Đem hồ sơ vụ án hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ án ra khỏi cơ quan, nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền;

- Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.

(Theo Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm tòa án nhân dân)



Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI