Thursday, July 24, 2014

Bí mật đời tư

Bí mật đời tư là những thông tin, vấn đề liên quan và thuộc về cá nhân một người nào đó. Bí mật đời tư có thể xem như là một loại “tài sản” đặc biệt của một cá nhân, không ai có quyền xâm hại. 

Thực ra, pháp luật Việt Nam tới nay chưa hề có một qui định nào để có thể xác định một cách đầy đủ và chính xác thế nào là bí mật đời tư. Đây là một khiếm khuyết rất đáng tiếc và cần sớm được khắc phục, nhất là khi pháp luật từ lâu đã chính thức thừa nhận quyền về bí mật đời tư của cá nhân - là một trong những yếu tố thuộc “quyền nhân thân” (xem thêm về “quyền nhân thân”) – được tôn trọng và bảo vệ.

Cô đào Mỹ Paris Hilton có nhiều "bí mật đời tư" bị người khác xâm hại (tiết lộ) ( ảnh minh họa)


Tuy vậy, chúng ta có thể hiểu và qui ước một cách nôm na : bí mật đời tư của một cá nhân là những thông tin hay vấn đề gì đó mà chỉ có chính cá nhân người đó có được và “gắn liền” với chính họ.

Đó có thể là hình ảnh riêng tư, thư tín, vấn đề quan hệ yêu đương, bệnh tật, tiền bạc … Những thông tin như vậy, có thể người khác cũng biết được. Tuy nhiên, chỉ có chính người đó mới có quyền công bố hay không công bố bí mật đời tư của mình.

Tại điều 38 Bộ luật dân sự có qui định về “quyền bí mật đời tư” của cá nhân. Theo đó, việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý. Và :

- Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

- Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Trong trường hợp đương sự đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, hoặc chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Với qui định như trên, có thể thấy luật dân sự hiện chỉ mới "gián tiếp giải thích” rằng thư tín, điện thoại … là một phần của “bí mật đời tư”.

Trên thực tế, tại Việt Nam cũng đã từng có nhiều vụ án về vấn đề bí mật đời tư và việc bảo vệ quyền bí mật đời tư.

Chẳng hạn như cách nay khoảng 8 năm có vụ án một đương sự kiện một nhà báo ở báo Tuổi Trẻ, vì cho rằng từ việc đi dự phiên tòa vụ án ly hôn của đương sự, nhà báo này sau đó đã về viết một bài “ký sự” đăng trong một cuốn sách - trong đó “tiết lộ” những thông tin mà đương sự cho rằng thuộc “bí mật đời tư” của mình. Tòa án đã xử “thắng” cho đương sự này.

Hay như ngay trong vụ án cô diễn viên Hoàng Thùy Linh bị lộ "phim sex" của mình năm 2008 vừa qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra truy tố và xét xử những người phát tán cuốn "phim" trên lên mạng internet về tội "truyền bá văn hóa phẩm độc hại". Tuy nhiên, theo chúng tôi, nếu xét về một phương diện khác, chính Hoàng Thùy Linh là một nạn nhân vì đã bị người khác xâm hại quyền bí mật đời tư của mình - ở đây là hình ảnh, dù là hình ảnh "sex".



Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI