Thursday, July 24, 2014

Môi giới thương mại

Môi giới thương mại là việc một “thương nhân” làm trung gian giới thiệu bên bán hàng hóa (hoặc cung ứng dịch vụ) với bên mua hàng hóa (hoặc thuê dịch vụ đó) và được hưởng “hoa hồng” (“phí môi giới”).

Môi giới thương mại được xác định là một “hoạt động thương mại”. Điều này có nghĩa là “thương nhân” hoạt động trong lĩnh vực môi giới phải đăng ký kinh doanh đàng hoàng. Có như vậy thì mới “hoạt động thương mại” một cách hợp pháp và chuyên nghiệp được. Còn nếu làm nghề môi giới mà không đăng ký kinh doanh thì chỉ là dạng “cò”, với nhiều bất trắc về mặt pháp lý. Thuật ngữ tiếng Anh gọi người môi giới là “Broker”.

Ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, môi giới là một nghề có tính chuyên nghiệp cao (ảnh minh họa)


Theo qui định, bên môi giới thương mại có các nghĩa vụ cơ bản như sau:

- Bảo quản hàng hoá, tài liệu được bên nhờ môi giới giao để thực hiện việc môi giới và hoàn trả lại sau khi hoàn thành việc môi giới. Ví dụ : Ông K là một nhà tư sản nổi tiếng nhưng đang lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, sắp phá sản. Ông K nhờ công ty A làm môi giới bán một bức tranh quí để lấy tiền trả nợ. Ông K giao bức tranh cho công ty A và nhân viên của công ty A mang ra nước ngoài giới thiệu. Hai bên ký hợp đồng môi giới, giao hẹn sau 1 tháng, dù có môi giới được hay không thì công ty A vẫn phải trả lại bức tranh cho ông K.

- Không được tiết lộ, cung cấp thông tin làm phương hại đến lợi ích của bên nhờ môi giới. Ví dụ : cũng trường hợp trên, công ty A không được làm lộ những thông tin về hoàn cảnh khó khăn của ông K ( ngoại trừ trường hợp ông K đồng ý).

- Chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của các bên được môi giới, nhưng không chịu trách nhiệm về khả năng thanh toán của họ. Ví dụ : cũng trường hợp trên, công ty A phải chịu trách nhiệm sao cho trong trường hợp giả sự có công ty B đồng ý mua tranh. Thì hai bên : ông K và công ty B phải có thể gặp được nhau và rõ ràng với nhau về mọi mặt. Không để có cảnh khi hai bên chuẩn bị ký hợp đồng bán tranh thì mới bật ngửa ra rằng công ty B là công ty …”ma”! Trong trường hợp này, công ty A phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu “bậy bạ” của mình và ông K có quyền kiện công ty A, yêu cầu xin lỗi, bồi thường thiệt hại.

- Không được tham gia thực hiện hợp đồng giữa các bên được môi giới, trừ trường hợp có uỷ quyền của bên được môi giới. Ví dụ : cũng trường hợp trên, công ty A không được tham gia vào việc mua, bán bức tranh ( chẳng hạn là góp vốn mua chung bức tranh với công ty B).

Tất nhiên, vì việc môi giới là hoạt động kinh doanh nên bên môi giới có quyền được hưởng tiền hoa hồng (commission) hay còn gọi là “thù lao môi giới”

Quyền được hưởng thù lao môi giới của bên môi giới phát sinh từ thời điểm các bên được môi giới ký hợp đồng với nhau. Ví dụ : cũng trường hợp trên, khi ông K và công ty B ký hợp đồng mua bán tranh thì kể từ lúc đó, xem như công ty A “có” tiền hoa hồng.

Một điều cần đặc biệt lưu ý là trừ trường hợp có thỏa thuận khác, bên được môi giới phải thanh toán các chi phí phát sinh hợp lý liên quan đến việc môi giới, kể cả khi việc môi giới không mang lại kết quả cho bên được môi giới.

(Theo Luật Thương mại)



Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI