Wednesday, July 23, 2014

Sự kiện bất khả kháng

"Sự kiện bất khả kháng" là một thuật ngữ pháp lý được qui định trong pháp luật dân sự nói chung, để chỉ những việc xảy ra ngoài tầm kiểm soát và khả năng khắc phục của con người. Trong các giao dịch dân sự, khi gặp "sự kiện bất khả kháng" làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng thì các bên được miễn trách nhiệm dân sự.

Sóng thần là sự kiện bất khả kháng (ảnh minh họa)


Chính vì khi sự kiện bất khả kháng xảy ra thì bên có dấu hiệu có lỗi ( hay vi phạm hợp đồng) được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm dân sự ( trách nhiệm bồi thường thiệt hại) nên có thể thấy việc xác định một sự kiện nào đó có phải là bất khả kháng hay không rất quan trọng.

Thông thường thì bên có lỗi thường cho rằng đã xảy ra “sự kiện bất khả kháng”, còn bên bị thiệt hại thì … ngược lại!

Ví dụ : một cậu bé bị điện giật chết do cột điện phóng điện khi trời mưa. Cột điện mà phóng điện gây chết người chắc chắn là không an toàn, do lỗi của công ty điện lực. Tuy nhiên, thường thì phía điện lực sẽ nói rằng do trời mưa. Mà trời mưa thì dù có chữa thì cột điện vẫn có thể phóng điện. Do vậy đây là “sự kiện bất khả kháng” - để né tránh trách nhiệm bồi thường của mình.

Theo thiển ý của chúng tôi, qui định về sự kiện bất khả kháng trong pháp luật Việt Nam hiện vẫn còn rất đơn sơ, chung chung và thậm chí khó hiểu. Cụ thể, tại Điều 161 Bộ luật dân sự qui định như sau: ”Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Theo qui định như vậy, quay lại trường hợp điện giật ở trên, liệu việc trời mưa có thực sự làm phía công ty điện lực dù đã “áp dụng mọi biện pháp cần thiết” mà vẫn không khắc phục được hay không? Kết luận như thế nào rõ ràng là phụ thuộc vào nhận định chủ quan của mỗi người.

Trên thực tế, chúng tôi thường thấy trong một số hợp đồng kinh tế, nhất là các hợp đồng mà một hoặc các bên tham gia là phía nước ngoài, họ thường định nghĩa và thỏa thuận khá chi tiết, cụ thể thế nào là các sự kiện bất khả kháng. Trong đó, thậm chí yếu tố tâm linh cũng có thể là sự kiện bất khả kháng (!?).

Dưới đây là một thỏa thuận về sự kiện bất khả kháng trong một bản hợp đồng kinh tế giữa một công ty Việt Nam và một công ty Tây Ban Nha mà chúng tôi có dịp tiếp xúc. Quí vị có thể tham khảo.

“Bất khả kháng : Bất kỳ sự chậm trễ hay thất bại trong việc thực hiện của một hoặc cả hai bên sẽ không bị coi là vi phạm hợp đồng và không phải bồi hoàn cho các thiệt hại, nếu/và các thiệt hại đó được gây ra bởi sự xuất hiện của những sự kiện vượt ra khỏi phạm vi kiểm soát của bên bị ảnh hưởng, bao gồm nhưng không giới hạn đối với các sự kiện như sau : hành vi của Chính phủ có thẩm quyền, hành vi của Thiên Chúa, đình công, lãn công, cháy, lũ lụt, động đất, sóng thần, chiến tranh, bão, tai nạn, nổi loạn, dịch bệnh, kiểm dịch hạn chế, giao thông vận tải ngưng trệ… ”



Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI