Friday, July 25, 2014

Quyền sở hữu

Quyền sở hữu (hay còn gọi là quyền sở hữu đối với tài sản) là quyền luật định của cá nhân (hoặc tổ chức) đối với tài sản của mình. Theo qui định tại Bộ luật dân sự, quyền sở hữu bao gồm 3 quyền : quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản. 



- Quyền chiếm hữu là một khái niệm trừu tượng, được hiểu nôm na là quyền nắm giữ, “chiếm đoạt” và quản lý của cá nhân đối với tài sản của mình.

- Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức - tài sản thuộc sở hữu của mình. Ví dụ một người có chiếc xe máy, thì anh ta (hiển nhiên) có quyền sử dụng chiếc xe đó.

- Quyền định đoạt là quyền quyết định về “số phận” của tài sản đó. Cụ thể là quyền chuyển giao hoặc không chuyển giao quyền sở hữu. Ví dụ : người chủ một căn nhà có quyền cho thuê, bán hoặc tặng cho căn nhà của mình cho người khác.

Như vậy, nếu đã là chủ sở hữu một tài sản thì người chủ hiển nhiên có và phải có đủ 3 quyền trên. Ngược lại, nếu thiếu một trong 3 quyền trên thì không được pháp luật thừa nhận là chủ sở hữu.

Ví dụ : một người có thể đang sử dụng một căn nhà – tức đang có “quyền sử dụng”. Tuy nhiên, vì đây là nhà thuê nên anh ta không có quyền bán căn nhà đó - tức là không có “quyền định đoạt” đối với căn nhà.

Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi (thuộc 3 quyền trên) theo ý chí của mình đối với tài sản, nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Ví dụ : một người có máy nghe nhạc, anh ta có quyền nghe nhạc, nhưng nếu anh ta mở nhạc quá lớn – thì dù là đang thực hiện “quyền sử dụng” hành vi này vẫn có thể bị xem là vi phạm pháp luật vi gây tiếng ồn quá lớn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người khác.

Đối với các lại tài sản có đăng ký như nhà cửa, đất đai, ô tô, xe máy ... – để xác lập quyền sở hữu của mình – người chủ phải thực hiện việc đăng ký quyền tài sản. Ví dụ : ông A mua một chiếc xe máy ở cửa hàng, tuy đã trả tiền đây đủ nhưng theo qui định, ông A phải làm giấy tờ xe và chỉ khi được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy đăng ký xe thì ông A mới chính thức xác lập xong quyền sở hữu đối với chiếc xe mà mình mua.



Khi mua xe cần làm thủ tục đăng ký để xác lập quyền sở hữu (ảnh minh họa) 

Như vậy, có thể thấy nếu người nào có tài sản thuộc lại phải đăng ký, nhưng vì lý do nào đó mà không hoặc chưa đăng ký – thì về mặt pháp lý, họ vẫn chưa được pháp luật thừa nhận là “chủ sở hữu” của tài sản đó.

Ví dụ : ông A được cha mẹ để lại (qua di chúc) căn nhà mà mình đang ở. Lẽ ra sau khi cha mẹ qua đời ông A phải làm thủ tục kê khai di sản thừa kế để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà - nhưng ông A đã không thực hiện việc đó. Sau đó, có ông B là em ông A kiện đòi chia căn nhà theo dạng tranh chấp về di sản thừa kế. Trong trường hợp này, tờ Di chúc không phải là căn cứ để ông A chứng minh quyền sở hữu của mình đối với căn nhà. Mà việc ai sẽ là chủ sở hữu sẽ do tòa án phán quyết.

Quyền sở hữu của cá nhân (hoặc tổ chức) đối với tài sản của mình được pháp luật công nhận và bảo vệ. Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái pháp luật quyền sở hữu đối với tài sản của mình. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu của mình, truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật.



Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI