Friday, July 25, 2014

Định giá tài sản

Định giá tài sản là việc đánh giá, kết luận về giá trị của một tài sản nhằm làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án được khách quan, thuận lợi. Việc định giá tài sản phải thực hiện đúng luật thì mới có giá trị.

Trong các vụ án (tranh chấp) liên quan đến tài sản, thì việc định giá tài sản gần như là một thủ tục bắt buộc. Toà án sẽ ra quyết định định giá tài sản đang tranh chấp trong các trường hợp sau đây:


- Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự;

- Khi có dấu hiệu cho thấy các bên thoả thuận theo mức giá thấp nhằm mục đích trốn thuế hoặc giảm mức đóng án phí. Ví dụ : một căn nhà lớn, mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP. HCM. Các căn nhà có vị trí tương đương trị giá là khoảng 10 tỷ đồng, nhưng các đương sự lại nói với tòa là giá trị chỉ khoảng 1 tỷ đồng.

Theo qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự, để định giá tài sản, Tòa án sẽ thành lập ra một “Hội đồng định giá” gồm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên là đại diện cơ quan tài chính và các cơ quan chuyên môn có liên quan. Hội đồng định giá chỉ tiến hành định giá khi có mặt đầy đủ các thành viên của Hội đồng. Trong trường hợp cần thiết, đại diện Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản định giá được mời chứng kiến việc định giá.

Các đương sự được thông báo trước về thời gian, địa điểm tiến hành định giá, có quyền tham dự và phát biểu ý kiến về việc định giá. Quyền quyết định về giá đối với tài sản định giá thuộc Hội đồng định giá.

Việc định giá tài sản được thể hiện trong “Biên bản định giá tài sản”, trong đó ghi rõ ý kiến của từng thành viên, của đương sự nếu họ tham dự. Quyết định của Hội đồng định giá phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành. Các thành viên Hội đồng định giá, đương sự, người chứng kiến ký tên vào biên bản.




Viên kim cương này trị giá bao nhiêu - phải định giá mới biết được (ảnh minh họa)

Với qui định như trên, có thể thấy giá trị tài sản phụ thuộc phần lớn và ý kiến chủ quan của các thành viên trong Hội đồng định giá – chứ không hẳn dựa trên một cơ sở khoa học hay khách quan nào. Chính vì vậy, trên thực tế có khá nhiều trường hợp các đương sự không đồng ý với kết quả định giá của Hội đồng định giá. Họ có quyền làm đơn khiếu nại và yêu cầu định giá lại.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng việc thống nhất về giá trị của tài sản đang tranh chấp là rất khó. Nhất là khi chính các đương sự đang tranh chấp về tài sản và giá trị tài sản ra sao nhiều khi lại có lợi cho một bên.

Ví dụ : Ông A cho ông B mượn xe ô tô. Ông B sử dụng và làm hỏng chiếc kính xe. Ông A kiện đòi bồi thường. Trong trường hợp này, chắc chắn ông B muốn giá trị của chiếc kính xe càng rẻ càng tốt.

Để chứng minh cho quan điểm của mình về giá trị của tài sản, các đương sự có quyền và có thể cung cấp những thông tin liên quan, đưa ra chứng cứ xác thực nhằm mục đích “tác động” vào tư duy của Hội đồng định giá.



Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI