Friday, July 25, 2014

Vụ án kinh tế, thương mại

Những tranh chấp trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại khi được đưa ra giải quyết tại Tòa án hay cơ quan Trọng tài được gọi chung là vụ án kinh tế, thương mại.

Nhiều năm trước đây (trước năm 2005), trong hệ thống pháp luật tố tụng Việt Nam phân định rõ vấn đề này bằng thuật ngữ “vụ án kinh tế”. Theo đó, các vụ án có nội dung liên quan đến kinh doanh, thương mại sẽ được gọi là vụ án kinh tế. Tòa án cấp tỉnh thành lập ra tòa chuyên trách là ‘Tòa Kinh tế” chuyên xét xử những tranh chấp dạng này ( cùng với tòa Hành chính, tòa Lao động … - chuyên xử về án lao động, án hành chính).


Tại thời điểm này, đơn khởi kiện tranh chấp kinh tế phải ghi rõ là “Đơn khởi kiện vụ án kinh tế”. Qui trình, thủ tục giải quyết án kinh tế được thực hiện theo "Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế" - có thời gian giải quyết nhanh hơn so với các vụ án dân sự thông thường.


Tranh chấp là một tất yếu trong hoạt động kinh doanh, thương mại (ảnh minh họa)

Tuy nhiên, từ khi Luật tố tụng dân sự ra đời năm 2005, thì Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế xem như bị hủy bỏ. Mặc dù các tòa chuyên trách (như tòa Kinh tế) vẫn còn đó, nhưng hiện tại người ta không dùng thuật ngữ “vụ án kinh tế” trong tố tụng nữa – mà chỉ gọi chung là vụ án dân sự thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại.

Vả lại, cùng với bước tiến của xã hội, thuật ngữ “kinh tế” nay cũng không còn phù hợp nữa mà trở thành “thương mại”. Minh chứng cho việc này là sự đổi tên của nhiều cơ quan – như “Trọng tài kinh tế” nay đã thành “Trọng tài thương mại”.

Theo qui định tại Bộ luật tố tụng dân sự, những tranh chấp dưới đây được gọi là tranh chấp về “kinh doanh, thương mại” và thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án – mà theo đó có thể hiểu là vụ án kinh tế, thương mại.

Đó là tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm:

a) Mua bán hàng hoá;
b) Cung ứng dịch vụ;
c) Phân phối;
d) Đại diện, đại lý;
đ) Ký gửi;
e) Thuê, cho thuê, thuê mua;
g) Xây dựng;
h) Tư vấn, kỹ thuật;
i) Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa;
k) Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển;
l) Mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác;
m) Đầu tư, tài chính, ngân hàng;
n) Bảo hiểm;
o) Thăm dò, khai thác.

Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.

Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.

Ngoài ra, tòa án còn giải quyết những yêu cầu về kinh doanh, thương mại gồm:

- Yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại.

- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Toà án nước ngoài hoặc không công nhận bản án, quyết định kinh doanh, thương mại của Toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

- Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài.

Ngoài việc giải quyết tại Tòa án, còn một con đường khác để giải quyết các tranh chấp về kinh tế, thương mại. Đó là thông qua trung tâm Trọng tài thương mại ( Tham khảo thuật ngữ “Trong tài thương mại”). Tuy nhiên, về nguyên tắc chỉ có thể chọn một trong hai mà thôi.



Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI