Thursday, July 24, 2014

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

Trong các vụ án dân sự, các bên đương sự (nguyên đơn, bị đơn …) thường nhờ luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Khi đó, luật sư sẽ tham gia vào vụ án với tư cách là “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự”.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thuộc nhóm “những người tham gia tố tụng” (gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng …) để phân biệt với nhóm “những người tiến hành tố tụng” (gồm thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký …).



Tuy nhiên, để trở thành Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự một cách “chính thức” thì người luật sư đó phải thỏa mãn 2 điều kiện:

- Được đương sự mời nhờ - hay chính xác hơn là “thuê”. (Thể hiện qua Hợp đồng dịch vụ pháp lý và Giấy yêu cầu luật sư. Lúc này, đương sự trở thành “thân chủ” của người luật sư.

- Được Toà án chấp nhận. Thể hiện qua “Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự”. Giấy chứng nhận này do vị thẩm phán phụ trách vụ án cấp.

( Lưu ý là trong vụ án hình sự, nếu luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo – thì sẽ được gọi là “người bào chữa”. Ý nói là “gỡ tội” cho bị cáo ấy mà).

 Theo luật thì Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể là một trong hai dạng sau :

- Luật sư.

- Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Tuy nhiên, trên thực tế dạng thứ hai hầu như rất khó để trở thành Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vì qui định trong luật còn rất mơ hồ. Hơn nữa, nếu người này được đương sự nhờ thì cũng rất khó tiếp cận với hồ sơ vụ án, vì theo luật hiện nay thì chỉ có luật sư mới có thể thực hiện được việc này.

Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý là chuyện tranh tụng tại tòa là chuyện mang tính chuyên môn, chuyên nghiệp rất cao. Do vậy, nếu đương sự nhờ người không chuyên nghiệp bảo vệ quyền lợi cho mình tại tòa ( chúng tôi không nói là người này không giỏi) thì chắc chắn cũng khó đạt được kết quả tốt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có các quyền và nghĩa vụ cơ bản như sau :

- Tham gia từ khi đương sự khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng dân sự.

- Xác minh, thu thập chứng cứ và cung cấp chứng cứ cho Toà án, nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án.

- Tham gia việc hoà giải, tham gia phiên toà hoặc có văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

- Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Nếu nói một cách đầy đủ và chính xác hơn thì ngoài những quyền lợi và nghĩa vụ như trên, luật sư còn có các quyền và nghĩa vụ khác - trong hoạt động hành nghề của mình - qui định tại Luật luật sư và một số văn bản pháp luật khác.

(Theo Bộ luật tố tụng dân sự)



Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI