Thursday, July 24, 2014

Lý lịch tư pháp

Lý lịch tư pháp là một “hồ sơ pháp lý” chứa đựng các thông tin tư pháp của/đối với một cá nhân, do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập ra, quản lý và cung cấp theo yêu cầu của chính đương sự hoặc theo yêu cầu của các tổ chức có liên quan khác.

Lý lịch tư pháp của một công dân gồm 2 nhóm nội dung thông tin sau:

 
- Về án tích và tình trạng thi hành án - đối với người đã bị kết án bằng bản án hình sự. Cụ thể : người đó bị kết án về tội danh gì : điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí; ngày, tháng, năm tuyên án, Toà án đã tuyên bản án, số của bản án đã tuyên; tình trạng thi hành án.

- Về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập hay quản lý doanh nghiệp - trong trường hợp cá nhân có tham gia vào doanh nghiệp trước đó và đã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Cụ thể: bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp trong thời hạn bao lâu, theo bản án nào …

Mục đích của việc xây dựng và quản lý lý lịch tư pháp là nhằm :

- Đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp hay không.

- Ghi nhận việc xoá án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng.

- Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự. Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp gồm Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia và Sở Tư pháp.

Liên quan đến lý lịch tư pháp chúng ta cần biết đến khái niệm Phiếu lý lịch tư pháp.

Phiếu lý lịch tư pháp là một tài liệu (phiếu) do Sở Tư pháp ( hoặc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia) cấp, có giá trị chứng minh một người có hay không có án tích; có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập hay quản lý doanh nghiệp.

Như vậy, có thể thấy trong khá nhiều trường hợp, chẳng hạn như khi góp vốn thành lập công ty, xuất cảnh, gia nhập một tổ chức xã hội nào đó … ( xin vào Đoàn luật sư TP.HCM chẳng hạn), đương sự có thể được đề nghị phải cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp để “kiểm tra tư cách”.

Chính vì vậy, nhu cầu về việc được cấp Phiếu lý lịch tư pháp là tất yếu và được xem là một quyền luật định – thể hiện tại Luật lý lịch tư pháp.

Theo đó, công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam đều có quyền yêu cầu được cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình. Hoặc là cơ quan tiến hành tố tụng ( tòa án, viện kiểm sát …) có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của một bị can để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Hoặc, một số cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội khác cũng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, cấp giấy đăng ký kinh doanh cho đương sự … Ví dụ : Sở Kế hoạch & Đầu tư có thể yêu cầu Sở Tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp của một người đang làm thủ tục đăng ký thành lập công ty cổ phần để thẩm tra xem người này có đang bị cấm tham gia quản lý doanh nghiệp hay không.

Các hành vi bị cấm liên quan đến lý lịch tư pháp gồm :

- Khai thác, sử dụng trái phép, làm sai lệch, hủy hoại dữ liệu lý lịch tư pháp.

- Cung cấp thông tin lý lịch tư pháp sai sự thật.

- Giả mạo giấy tờ yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

- Tẩy xoá, sửa chữa, giả mạo Phiếu lý lịch tư pháp.

- Cấp Phiếu lý lịch tư pháp có nội dung sai sự thật, trái thẩm quyền, không đúng đối tượng.

- Sử dụng Phiếu lý lịch tư pháp của người khác trái pháp luật, xâm phạm bí mật đời tư của cá nhân.

                                                      (Theo Luật lý lịch tư pháp)


Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI