Wednesday, July 23, 2014

Hợp đồng dân sự

Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Ví dụ : ông A và ông B thỏa thuận với nhau về việc ông A cho ông B thuê chiếc xe gắn máy của mình trong vòng 2 ngày. Như vậy, giữa hai bên đã phát sinh (xác lập) quan hệ cho thuê tài sản.



Việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

- Nội dung thỏa thuận không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

- Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.

Nếu bên nào bị lừa dối khi giao kết hợp đồng dân sự thì có quyền yêu cầu tòa án tuyên hợp đồng đó vô hiệu. Nhưng nhớ là phải chứng minh được là đối tác đã "lừa dối" - khó lắm đấy !

Về hình thức, hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Về hành vi, chẳng hạn, hai bên có thể thống nhất với nhau nếu bên bán gửi thư báo giá, bên kia không trả lời tức là đã chấp nhận mua hàng theo giá do bên bán gửi.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp pháp luật quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản và phải có công chứng hoặc chứng thực. Chẳng hạn như Hợp đồng mua bán nhà phải bằng văn bản và phải được công chứng, chứng thực.

Những hợp đồng dân sự nào không bảo đảm các yếu tố như trên có thể sẽ bị tuyên là vô hiệu (trong trường có tranh chấp giữa hai bên, phải đưa ra Tòa án giải quyết).

Điểm cần lưu ý là các tranh chấp về hợp đồng dân sự, nếu hai bên không tự thỏa thuận, hòa giải được với nhau thì chỉ có nước đưa ra nhờ Tòa án giải quyết. Ngoài Tòa án, không “ai” khác có quyền này.

Trên thực tế, nhiều người khi tranh chấp dân sự vẫn cứ hay nghĩ và nhờ công an, hay ủy ban Phường giải quyết là không đúng.

Tranh chấp về hợp đồng dân sự là chuyện rất phổ biến và hầu như là tất yếu trong cuộc sống. Do vậy, Luật Dân sự có qui định về việc “giải thích hợp đồng dân sự” trong trường hợp các bên có quan điểm khác nhau. Theo đó :

- Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó.

- Khi một điều khoản của hợp đồng có thể được hiểu theo nhiều nghĩa thì phải chọn nghĩa nào làm cho điều khoản đó khi thực hiện có lợi nhất cho các bên.

- Khi hợp đồng có ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với tính chất của hợp đồng.

- Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.

- Trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế.

(Theo Bộ luật dân sự 2005)


Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI