Những người lớn tuổi thường muốn lập di chúc để lại tài sản cho con cháu ( ảnh minh họa, nguồn : tienphong.vn)
Thực ra, nhiều người (chẳng hạn là hai vợ chồng) có chung một khối tài sản cũng có thể cùng lập chung một tờ di chúc.
Trong di chúc, người lập di chúc có quyền chỉ định người được hưởng tài sản của mình (gọi là người thừa kế), phân định phần tài sản của mình cho từng người thừa kế; giao nghĩa vụ cho người thừa kế ... – nói chung là toàn quyền định đoạt tài sản của mình, muốn cho ai thì cho. (Tài sản của người lập di chúc sau khi người đó qua đời sẽ được gọi là “di sản”)
Theo qui định của pháp luật, di chúc phải thể hiện ở dạng văn bản. Di chúc bằng văn bản gồm 4 dạng cơ bản sau:
1. Di chúc không có người làm chứng : tức là người lập di chúc tự mình viết (lập), ký tên một cách “âm thầm”, không nói cho ai biết.
2. Di chúc có người làm chứng : tức là khi lập di chúc, người làm di chúc mời một người khác làm chứng và ký vào di chúc với tư cách là “người làm chứng”.
3. Di chúc có công chứng : tức là di chúc được lập ở văn phòng công chứng, có dấu công chứng.
4. Di chúc có chứng thực : tức là di chúc sau khi lập được người lập mang tới chính quyền địa phương (UBND phường, xã) để nơi đây chứng thực, xác nhận chữ ký của người lập di chúc.
Một bản di chúc được coi là hợp pháp khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Người lập di chúc trong trạng thái minh mẫn, sáng suốt, không bị ai lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
- Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật (tức là không khác với các hình thức văn bản nói trên).
Để chặt chẽ, khi lập di chúc cần ghi rõ các nội dung cơ bản sau:
- Ngày, tháng, năm lập di chúc;
- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
- Họ, tên người được hưởng di sản.
- Di sản (tài sản) để lại ( ghi rõ nhà, đất, giấy tờ liên quan ...)
Chính vì di chúc chỉ phát sinh hiệu lực kể từ khi người lập di chúc qua đời, do vậy người lập di chúc hoàn toàn có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc thậm chí huỷ bỏ bản di chúc mà mình đã lập vào bất cứ lúc nào mà không bị ảnh hưởng hay bị chi phối bởi bất kỳ ai.
Ví dụ : ông A đã làm một tờ di chúc cho cho con mình là B được quyền thừa hưởng toàn bộ một căn nhà sau khi mình qua đời và đã nói trước cho B biết việc này. Tuy nhiên, sau đó ông A cảm thấy uổng quá, không muốn cho nữa. Khi đó ông A có quyền hủy tờ di chúc mà không cần phải thông báo cho B biết.
Theo chúng tôi, di chúc là một văn bản pháp lý dân sự quan trọng và phức tạp, nếu không được lập một cách chặt chẽ, đúng pháp luật thì sẽ có nguy cơ phát sinh tranh chấp, kiện tụng ... thậm chí làm khổ con cháu, kể cả người được hưởng di sản. Do vậy, tốt nhất là nên nhờ luật sư tư vấn và soạn thảo di chúc cho ... chắc ăn, đừng tiếc tiền.
(Theo Bộ luật dân sự )
Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản
phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo
quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham
khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí
vị sử dụng vào các mục đích khác.
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
|