Wednesday, July 23, 2014

Bất động sản



Thật khó mà nói rằng cái giếng khoan này là một bất động sản (ảnh minh họa)

(Ecolaw.vn) - Bất động sản là một trong hai hình thức (dạng) của tài sản theo qui định của pháp luật gồm: bất động sản và động sản. Tuy nhiên, qui định của pháp luật hiện nay về bất động sản vẫn còn khá sơ sài.



Theo điều 174 Bộ luật dân sự thì : Bất động sản là tài sản bao gồm :

1. Đất đai.

2. Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó.

3. Các tài sản khác gắn liền với đất đai.

4. Các tài sản khác do pháp luật qui định.

Cũng theo điều 174 thì : “động sản là những tài sản không phải là bất động sản”.

Từ qui định như trên, có thể thấy pháp luật Việt Nam chia tài sản ra làm 2 loại là bất động sản và động sản.

Một điểm đáng chú ý là đối với bất động sản, người chủ sở hữu phải đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu thì mới được xem là hợp pháp. Chẳng hạn một người vì lý do nào đó (chẳng hạn như mua giấy tay) mà có một căn nhà, nhưng vì chủ cũ chưa có giấy tờ sở hữu nên người mua phải làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Chỉ khi nào có được giấy này thì căn nhà mới được xem là có giấy tờ đầy đủ, hợp pháp và người mua nhà mới có tư cách chắc chắn là chủ sở hữu.

(Tuy nhiên, vì ở Việt Nam không thừa nhận quyền sở hữu của tư nhân đối với đất đai, cho nên nói Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà là nói theo kiểu “tắt” – thực chất tên gọi của giấy sở hữu nhà là “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở””. “Đất ở” ở đây chính là phần đất mà căn nhà “tọa lạc” ở phía trên).

Chính vì bất động sản thuộc dạng tài sản phải đăng ký như trên, nên quá trình thực hiện quyền sở hữu đối với bất động sản, như ; cho thuê, tặng cho, mua bán … đều phải thực hiện một cách chặt chẽ theo các thủ tục do pháp luật qui định, thể hiện bằng văn bản và phải được công chứng, chứng thực. Chẳng hạn : một người có căn nhà muốn tặng cho một người khác thì phải làm hợp đồng tặng cho tài sản, hợp đồng này phải được công chứng, người được tặng phải đi đăng ký, sang tên.

Tuy nhiên, theo chúng tôi qui định về bất động sản như tại điều 174 vẫn còn khá sơ sài, khó hiểu và thậm chí không đúng.

Chẳng hạn: Nếu nói bất động sản là “tài sản gắn liền với đất đai” thì chẳng hạn như một cái giếng khoan phải chăng cũng là bất động sản ? Điều này là vô lý, vì trên thực tế chưa ai nói cái giếng khoan là bất động sản, và cũng chưa có cơ quan nào cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu giếng khoan cả.

Hay như nói: “bất động sản là nhà, kể cả tài sản gắn liền với nhà” – vậy thì phải hiểu thế nào là tài sản gắn liền với nhà ? Chẳng hạn như một cái máy lạnh gắn trong nhà có thể được coi là một phần của căn nhà hay không – điều này chưa rõ nhưng theo chúng tôi là không. Vì chiếc máy lạnh có thể tháo ra được chứ không “gắn liền”.

Nhưng nếu nói như vậy thì bất kỳ thứ gì của một căn nhà, kể cả mái ngói, cánh cửa … tuy là “gắn liền” nhưng cũng hoàn toàn có thể tháo ra được.

Mặt khác, việc luật qui định bất động sản cũng có thể là “Các tài sản khác do pháp luật qui định” mà chẳng ai biết là gì, qui định ở đâu thì chẳng khác nào đánh đố người dân.

Theo chúng tôi, trong Bộ luật dân sự cần có một điều luật rõ ràng và đầy đủ hơn qui định về bất động sản. Chẳng hạn như ao hồ, mặt nước cũng chính là bất động sản.



Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI