Wednesday, July 23, 2014

Tiền đặt cọc

Tiền đặt cọc là khoản tiền (hoặc có thể là vàng, đá quý …) mà bên mua đặt cho bên bán trước khi chính thức ký hợp đồng và trong một thời hạn nhất định để bảo đảm việc thực hiện hợp đồng dân sự. Để biết rõ hơn chúng ta cần biết khái niệm “đặt cọc” là gì? 

Đặt cọc bao nhiêu là điều mà bên mua cần suy xét kỹ (ảnh minh họa)


Theo Điều 358 Bộ luật dân sự, “đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự”.

Theo qui định, việc đặt cọc phải được lập thành văn bản và việc “xử lý” tiền đặt cọc cũng được pháp luật qui định rõ như sau:

- Nếu hợp đồng dân sự được ký kết, thực hiện thì tiền đặt cọc sẽ được bên nhận trả lại cho bên đặt cọc (hoặc có thể được trừ vào khoản tiền mà bên mua phải trả cho bên bán).

- Nếu bên mua (bên đặt cọc) sau khi đã đặt cọc lại từ chối, không muốn thực hiện việc mua bán nữa (bất kể vì lý do gì) thì sẽ phải chịu mất khoản tiền đặt cọc. Ngược lại, nếu bên bán đã nhận tiền cọc, nhưng sau đó lại đổi ý không bán nữa (tức là không muốn ký hợp đồng), thì phải trả lại cho bên đặt cọc số tiền đặt cọc đồng thời phải trả thêm một khoản tiền bằng đúng số tiền đã nhận cọc.

Ví dụ : ông A muốn mua căn nhà của ông B. Trước khi làm thủ tục (ký hợp đồng ở phòng công chứng) hai bên tiến hành việc đặt cọc. Ông A đặt cọc cho ông B 10 lượng vàng, hai bên làm giấy tay “Giấy đặt cọc”, theo đó thỏa thuận sau 30 ngày kể từ ngày đặt cọc hai bên sẽ ra Phòng công chứng ký hợp đồng mua bán nhà và giá mua bán nhà là 100 lượng vàng. Tuy nhiên:

- Sau 30 ngày, ông A không muốn mua nhà nữa vì cho rằng mình đã mua hớ. Trong trường hợp này, xem như ông A chấp nhận mất 10 lượng vàng tiền cọc.

- Khi chưa tới hạn 30 ngày, ông B tìm được người khác mua nhà giá cao hơn (chẳng hạn là 130 lượng vàng) và ông B muốn “bẻ cò”, không bán nhà nữa. Trong trường hợp này, ông B phải trả lại 10 lượng vàng cho ông A, đồng thời trả thêm 10 lượng vàng nữa do việc “bẻ cò” của mình. Tuy vậy, tính ra ông B vẫn được “lời” 10 lượng vàng ( vì bán được nhà với giá 130 lượng chứ không phải là 100 lượng)

Với ví dụ như trên, có thể thấy nếu đặt cọc số tiền càng lớn thì sẽ càng bảo đảm cho việc thực hiện hợp đồng được chắc chắn hơn – vì chẳng bên nào muốn mất cọc hoặc phải đền cọc khi số tiền cọc quá lớn. Song việc này cũng như con dao hai lưỡi, có thể gây thiệt hại cho chính bên đặt cọc nếu họ gặp bất trắc, dẫn đến tình trạng không thể thực hiện được việc mua bán. Hay nói cách khác, đặt tiền cọc giá trị bao nhiêu là cả một “nghệ thuật” mà mọi người cần suy xét thật kỹ.

Tuy nhiên, qui định như trên chỉ là trong trường hợp hai bên mua bán “không có sự thoả thuận nào khác”. Có nghĩa là trong Giấy đặt cọc ( hoặc gọi là Hợp đồng đặt cọc cũng được) hai bên có thể thỏa thuận cách “xử lý” số tiền cọc khác với qui định thông thường. Chẳng hạn hai bên có thể thỏa thuận là nếu bên mua không mua nữa thì được trả lại 50% số tiền cọc hoặc nếu nên bán không bán nữa thì phải trả cho bên đặt cọc một số tiền gấp 3 lần số tiền cọc đã nhận.

Trên thực tế, có rất nhiều vụ tranh chấp liên quan đến tiền cọc đã phải đưa ra tòa án giải quyết. Thậm chí có những người chuyên kiếm tiền bằng cách tạo ra những vụ mua bán giả tạo để gài và “ăn” tiền đặt cọc. Do vậy, Quí vị cần nắm rõ về vấn đề này để tránh những rủi ro đáng tiếc.



Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI