Thursday, July 24, 2014

Bản án dân sự

Bản án dân sự là một văn bản tố tụng quan trọng, thể hiện quan điểm và phán quyết của tòa án đối với đơn kiện của nguyên đơn. Bản án gồm hai loại, chia theo giai đoạn xét xử : bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm. 

Nói một cách nôm na và ngắn gọn, bản án chính là văn bản do tòa án (hay chính xác hơn là do Hội đồng xét xử) phát hành ra (hay còn gọi là “tuyên”), thể hiện kết quả của vụ kiện dân sự. Theo đó xác định có chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hay không, tại sao ? …

Hội đồng xét xử đang tuyên án ( tức là đọc nội dung bản án). Ảnh chụp tại một phiên tòa hình sự. Như vậy, bản án mà Tòa đang đọc là bản án hình sự chứ không phải là bản án dân sự.  


(Chúng ta cần phân biệt bản án dân sự - là kết quả giải quyết các tranh chấp dân sự, với bản án hình sự - là kết quả xét xử đối với những người bị Viện kiểm sát truy tố do có hành vi có dấu hiệu phạm tội).

Do chế độ xét xử ở nước ta chia ra làm hai giai đoạn : sơ thẩm và phúc thẩm, nên bản án cũng có hai loại : bản án sơ thẩm – do Tòa xét xử sơ thẩm tuyên và bản án phúc thẩm – do tòa xét xử phúc thẩm tuyên.

Bản án sơ thẩm:

Về mặt cấu trúc, bản án sơ thẩm được chia thành 3 phần chính:

- Phần mở đầu (hay còn gọi là phần thủ tục) : ghi ngày thụ lý vụ án, tên vụ án, số bản án, ngày tuyên án, thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan …

- Phần nội dung và nhận định : ghi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đề nghị, yêu cầu phản tố của bị đơn, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nhận định của Toà án, điều luật mà Toà án căn cứ để giải quyết vụ án, phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự, của luật sư … ( Trên thực tế, rất nhiều trường hợp Tòa “lơ” luôn hoặc chỉ ghi rất vắn tắt ý kiến của luật sư, của các đương sự … trong bản án. Đây là một thực tế rất đáng quan ngại, vì không thể hiện đầy đủ và khách quan các tình tiết của vụ án).

- Phần quyết định : ghi các quyết định của Toà án về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án, về án phí và quyền kháng cáo của đương sự đối với bản án.

Theo qui định, bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật ngay và các đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan …) có quyền kháng cáo (tức là “chống lại” bản án sơ thẩm - ở những nội dung có liên quan đến mình, khi tự mình cho rằng việc xét xử của tòa sơ thẩm là chưa công bằng, thỏa đáng – trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Trong trường hợp bản án sơ thẩm bị kháng cáo, hồ sơ vụ án sẽ được chuyển lên tòa cấp trên để xét xử phúc thẩm.

Và khi đó, Tòa “cấp trên” sẽ xét xử lần 2, gọi là xử phúc thẩm và sẽ tuyên “bản án phúc thẩm”.

Bản án phúc thẩm :

Về mặt cấu trúc, bản án phúc thẩm cũng có 3 phần như bản án sơ thẩm, nhưng nội dung thì khác. Cụ thể :

- Phần mở đầu : ghi tên Toà án xét xử phúc thẩm, thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký, nguyên đơn, bị đơn, người kháng cáo, thời gian, địa điểm xét xử…

- Phần nội dung và nhận định : tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của Toà sơ thẩm, nội dung kháng cáo, phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo …

- Phần quyết định : ghi rõ các quyết định của Hội đồng xét xử phúc thẩm về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án do có kháng cáo, về việc phải chịu án phí sơ thẩm, phúc thẩm …

Cần lưu ý là bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Tức là có giá trị bắt buộc thi hành, các đương sự không còn quyền kháng cáo nữa. Vụ kiện nào mà đã có bản án phúc thẩm có thể xem như đã kết thúc.



Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI