Thursday, July 24, 2014

Trọng tài thương mại

Trọng tài Thương mại là một phương thức giải quyết các tranh chấp trong hoạt động thương mại (ngoài tòa án) mà các bên chủ động chọn để giải quyết khi có tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. 

Tại Việt Nam, qui định về trọng tài thương mại ( trình tự, thủ tục …) được thể hiện tại Luật trọng tài thương mại.  Điều cần lưu ý là trọng tài thương mại chỉ giải quyết những tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại. (Được hiểu là các hành vi như : mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện, đại lý thương mại; ký gửi; thuê, cho thuê; thuê mua; xây dựng; tư vấn; kỹ thuật; li - xăng; đầu tư; tài chính, ngân hàng bảo hiểm; thăm dò, khai thác; vận chuyển hàng hóa, hành khách … ) chứ không giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực khác như dân sự, hành chính, như vụ án ly hôn chẳng hạn. 


Ngoài ra, vì đây là “cách thức khác” ngoài tòa án, nên muốn giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài, các bên nhất thiết phải có sự thỏa thuận trước về việc này và thường là ghi thẳng vào trong hợp đồng.

Ví dụ : Công ty A bán hàng cho công ty B. Hai bên ký Hợp đồng mua bán hàng hóa. Về việc giải quyết tranh chấp, hai bên phải ghi rõ trong hợp đồng là “ “mọi tranh chấp, nếu có, nếu không tự giải quyết được sẽ đưa ra giải quyết tại Trung tâm trọng tài thương mại ABC”. Việc thỏa thuận như vậy được gọi là “thỏa thuận trọng tài”.

Theo qui định của pháp luật, khi trong hợp đồng các bên đã có “thỏa thuận trọng tài” thì tòa án sẽ không thụ lý đơn kiện nếu một bên nào đó khởi kiện ra tòa. Điều này có nghĩa là nếu đã chọn trọng tài thì không được và không thể đưa ra tòa án được nữa.

Một điều cần lưu ý nữa là trong “thỏa thuận trọng tài”, các bên phải ghi rõ tên của Trung tâm trọng tài nơi mà hai bên chọn để giải quyết tranh chấp. Nếu không, thỏa thuận này sẽ không có giá trị (hay còn gọi là vô hiệu). Ví dụ : cũng trường hợp trên, hai bên chỉ ghi chung chung là “đưa ra trọng tài để giải quyết” thì thỏa thuận này sẽ bị vô hiệu. Mà phải ghi rõ là : ‘đưa ra Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế Việt Nam – bên cạnh Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam để giải quyết” chẳng hạn.

Nếu trong giao dịch thương mại có yếu tố nước ngoài, tức là một bên là doanh nghiệp Việt Nam, một bên là doanh nghiệp nước ngoài - thì các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại các Trung tâm trọng tài thương mại ở nước ngoài hoặc ở Việt Nam đều được.

Trọng tài thương mại thực chất là một tổ chức phi chính phủ, có chức năng giải quyết tranh chấp thương mại. Chức năng này chính là một loại “dịch vụ” có thu phí. Tên thường gọi của các tổ chức trọng tài thương mại thường gắn thêm chữ “trung tâm”. Chẳng hạn tại TP.HCM có “Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế TP.Hồ Chí Minh”. Và chính vì đây là một dịch vụ, nên doanh nghiệp nào muốn nhờ trọng tài thương mại giải quyết tranh chấp phải đóng “phí trọng tài” - thường cao và tốn kém hơn án phí tòa án.

Về hình thức, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ do một Hội đồng Trọng tài thực hiện. Hội đồng trọng tài được “lấy ra” từ “Danh sách trọng tài” tại mỗi trung tâm.

Hội đồng Trọng tài giải quyết một vụ tranh chấp thương mại thường gồm ba Trọng tài viên hoặc Trọng tài viên duy nhất do các bên thỏa thuận.

Sau khi phán xử, Hội đồng trọng tài sẽ đưa ra phán quyết của mình gọi là “quyết định trọng tài”. “Quyết định trọng tài” có ý nghĩa chung thẩm, các bên buộc phải thi hành.

Trung tâm trọng tài có thể áp dụng nhiều luật (của nhiều nước) để giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc như sau :

1. Đối với vụ tranh chấp giữa các bên Việt Nam, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật của Việt Nam để giải quyết tranh chấp.

2. Đối với vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng Trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn. Việc lựa chọn pháp luật nước ngoài và việc áp dụng pháp luật nước ngoài không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp các bên không lựa chọn được pháp luật để giải quyết vụ tranh chấp thì Hội đồng Trọng tài quyết định.

Tại các nước có nền kinh tế phát triển, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là rất phổ biến và thậm chí là tất yếu. Lý do : thủ tục nhanh gọn và đơn giản hơn nhiều so với việc đưa ra giải quyết tại tòa án và có tính bảo mật cao.

Tuy nhiên tại Việt Nam dù qui định về trọng tài thực tế đã có từ năm 1994, nhưng tới nay hầu hết các trung tâm trọng tài tại Việt Nam đều trong cảnh ..."thất nghiệp"! Trong nhiều lý do, thì điều quan trọng nhất là thủ tục và luật lệ về trọng tài tại Việt Nam vẫn còn khá mù mờ, giá trị của quyết định trọng tài ít được tôn trọng và thời gian giải quyết cũng chưa chắc đã nhanh. Đặc biệt là nhiều doanh nghiệp vẫn cảm thấy e dè, chưa thực sự tin tưởng vào chế định trọng tài.

Trọng tài thương mại là một vấn đề có tính chuyên môn cao, chúng tôi sẽ có bài viết giới thiệu chi tiết hơn về vấn đề này trong mục “cẩm nang pháp lý Ecolaw”.



Thuật ngữ pháp lý Ecolaw là sản phẩm trí tuệ của Công ty luật hợp danh Ecolaw, do các luật sư biên soạn theo quy định của pháp luật hiện hành, có ý nghĩa và chỉ nên xem là tư liệu tham khảo. Công ty luật hợp danh Ecolaw không chịu trách nhiệm trong trường hợp quí vị sử dụng vào các mục đích khác.


CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI