Wednesday, January 13, 2016

Nhờ tư vấn trường hợp muốn rút vốn cổ phần khi có dấu hiệu lừa đảo

Hỏi: Xin chào hãng luật Ecolaw. Tôi muốn xin tư vấn trường hợp như sau: Vào ngày 24/09/2015 tôi có nộp tiền tham gia góp vốn cổ đông sáng lập để cho sản xuất một sản phẩm thiết bị y tế, khi giao tiền có giấy tay và chữ ký của người nhận (người chịu trách nhiệm chính việc phân phối máy khi máy ra đời, hiện đang là Giám đốc một công ty). Số cổ phần tạm tính của tôi là 5%. Khi giao tiền thì Giám đốc có hứa hẹn tầm cuối tháng 10/2015 sản phẩm sẽ hoàn thành, đồng thời thu xếp công việc cho tôi để nắm bắt và quản lý dòng sản phẩm.

Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại (1/2016), máy vẫn chưa ra, và khi tôi đề cập đến thì đều nhận được câu trả lời "đang làm" nhưng Giám đốc không đưa ra được giấy tờ gì chứng minh, chỉ hứa hẹn thời điểm họp cổ đông khi tôi yêu cầu, đồng thời có biểu hiện muốn hạn chế tôi có mặt tại văn phòng công ty ông ta: gọi điện thoại ít khi nghe máy; khi đến văn phòng thì thường viện cớ bận rộn, soạn thảo văn bản này nọ nên không nghe chuông bấm, phải một lúc sau mới mở cửa; đỉnh điểm là ngày 08/01/2016, khoảng 9 giờ 30, tôi qua công ty (mở cửa sắt, chỉ đóng cửa kính) bấm chuông không có người mở cửa, gọi điện thoại ông Giám đốc không nhận (từ chối cuộc gọi), khi gặp Giám đốc và vòng về công ty thì nhân viên (trực văn phòng công ty) trả lời rằng thấy tôi nên không mới mở cửa. Ông Giám đốc nhận tiền góp vốn của tôi hiện đang ở Sài Gòn (tạm trú tại địa chỉ văn phòng chi nhánh phía Nam của công ty ông ta), địa chỉ thường trú ở Quảng Trị, trụ sở công ty ngoài Hà Nội, tôi có giữ bản scan photo CMND không công chứng của ông ta.


Với các dấu hiệu trên, tôi nghi ngờ ông Giám đốc đang lừa đảo chiếm đoạt tài sản, và có mong muốn rút vốn. Xin hỏi Hãng luật, liệu tôi có thể rút vốn hoặc đưa vụ việc ra pháp luật không, nếu được thì phải liên hệ ở địa chỉ nào? (N. Ng.).

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Trường hợp như anh nêu đúng là có nhiều dấu hiệu bất thường, đáng ngại.

Trước hết, nói về việc anh tham gia góp vốn để thành một “cổ đông sáng lập” – theo thông tin, thì tôi hiểu đây là một công ty chưa được thành lập, và có kế hoạch sẽ sản xuất, kinh doanh sản phẩm là một loại “thiết bị y tế”.

Về nguyên tắc, khi góp vốn thành lập công ty, những người góp vốn (đối với công ty cổ phần thì gọi là “cổ đông” nhất thiết phải ngồi lại bàn bạc trao đổi về những vấn đề cơ bản nhất như: Điều lệ công ty, danh sách các cổ đông sáng lập, số vốn góp của mỗi cổ đông, vốn điều lệ của công ty, ngành nghề kinh doanh, vấn để quản lý, quản trị doanh nghiệp … Trong đó, bản Điều lệ công ty là quan trọng nhất, phải thể hiện thành văn bản rõ ràng, đẹp mắt và có chữ ký của tất cả các cổ đông sáng lập.
Việc thực hiện góp vốn (đóng tiền) về nguyên tắc có thể thực hiện trước và sau khi đã đăng ký hoạt động doanh nghiệp. Khi nộp tiền góp vốn, người nộp sẽ được công ty cấp cho giấy chứng nhận về việc góp vốn, ghi rõ số tiền, số cổ phần …

Theo quy định tại điều 35 Luật doanh nghiệp 2014, thì tài sản vốn góp để thành lập doanh nghiệp có thể gồm các hình thức sau đây: Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Như vậy, qua thông tin, thì có thể vị giám đốc mà anh nói sẽ góp vốn bằng “công nghệ” sản xuất sản phẩm thiết bị y tế. Bất luận thế nào, thì cũng cần phải thẩm định giá (quy ra tiền, tốt nhất là do tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp thực hiện) về giá trị của công nghệ này. Và cũng chỉ định giá một lần ngay từ khi thành lập công ty.

Quay lại trường hợp của anh, rõ ràng khi anh đã góp tiền, mà phía người giám đốc lại có những dấu hiệu bất thường như anh nêu đã cho thấy có nhiều vấn đề không ổn, không rõ ràng.

Việc đánh giá những hành vi ấy có phải là lừa đảo hay không thì tôi không thể “phán” một cách chủ quan. Cũng như tôi không có thẩm quyền hay chức năng để điều tra hay kết luận. Tuy nhiên theo tôi, thì cũng có khả năng và dấu hiệu của một trong hai tội sau: tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Điểm khác nhau giữa hành vi lừa đảo và hành vi lạm dụng tín nhiệm là: Nếu đương sự có dấu hiệu dùng thủ đoạn gian dối (chẳng hạn như nói dối, làm các tài liệu, giấy tờ giả …) thì là hành vi “lừa đảo”, còn nếu đương sự nhận tiền thông qua các hình thức như hợp đồng (việc anh góp tiền để thành lập công ty cũng có thể xem là một dạng “hợp đồng”) nhưng sau đó không thực hiện đúng thỏa thuận, gian dối, không trả lại tiền – thì là “lạm dụng tín nhiệm. (Xem 2 điều luật liên quan bên dưới bài viết này).

Để lấy lại tiền hay “rút vốn”, theo tôi trước mắt anh nên gửi văn bản cho vị giám đốc nọ, trong đó nêu rõ việc ông này đã không hoàn thành, vi phạm nghiêm trọng những thỏa thuận giữa hai bên, cũng như có những dấu hiệu né tránh, chối từ trách nhiệm … từ đó nêu rõ quan điểm là sẽ không tham gia công ty nữa, và yêu cầu vị giám đốc phải hoàn trả lại tiền cho anh. (Vì công ty chưa được thành lập, nên nếu mình nói là “rút vốn” thì có lẽ cũng chưa thực sự chính xác). Trong văn bản của mình, anh cũng nêu rõ là nếu sau một khoảng thời gian nào đó mà vị giám đốc vẫn không giải quyết hoặc giải quyết chưa thỏa đáng, thì anh sẽ làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan chức năng, nhờ can thiệp và xem xét về mặt trách nhiệm hình sự. Việc này có thể xem như là giải quyết theo kiểu "dân sự", thỏa thuận.

Sau đó, nếu thực sự hai bên không đạt

Về mặt thẩm quyền, nếu anh làm đơn tố cáo thì gửi đến cơ quan công an cấp quận, huyện nơi vị giám đốc có hộ khẩu thường trú hoặc đang cư trú. Sau khi nhận đơn, cơ quan công an sẽ xem xét và quyết định có khởi tố thành vụ án hình sự hay không, hay đề nghị anh đưa vụ việc ra tòa án giải quyết (tranh chấp dân sự) – tuy theo tính chất, dấu hiệu và mức độ nghiêm trọng trong các hành vi của vị giám đốc.

Trên đây là một số ý kiến cơ bản mà tôi muốn trao đổi. Chúc anh mọi việc thuận lợi. www.ecolaw.vn

..............

Quy định tại Bộ luật hình sự:

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.