Sunday, June 10, 2018

Doanh nghiệp liên doanh không đồng ý chia lợi nhuận sau nhiều năm, phải làm sao?

Hỏi: Thưa cùng luật sư. Doanh nghiệp A thành lập từ năm 2005 là một công ty liên doanh giữa UBND tỉnh K chúng tôi (xin được dấu tên, thông qua một DN 100% vốn nhà nước) và công ty nước ngoài A1. Tỷ lệ góp vốn của hai bên là K (30%), A1 (70%), hình thức là công ty TNHH. Nhìn chung tình hình kinh doanh của doanh nghiệp A là tốt. Trước đây những năm từ 2005 đến 2013, mỗi năm công ty đều chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp và đây là một nguồn thu ngân sách khá lớn của địa phương. Tuy nhiên 3 năm trở lại đây, Ban lãnh đạo công ty A nói rằng công ty cần giữ lại khoản lợi nhuận dùng làm nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Thay vì đi vay ngân hàng phải trả lãi, thì việc giữ lại, không chia lợi nhuận là hiệu quả hơn. Hai năm đầu địa phương chúng tôi đồng ý.
Nhưng nay đã là năm thứ ba liên tiếp, nếu không được chia lợi nhuận sẽ là khó khăn trong nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên vì tỷ lệ góp vốn chỉ có 30%, nên phía Việt Nam (tỉnh K chúng tôi) không thể yêu cầu Ban lãnh đạo công ty chấp thuận chia lợi nhuận (theo Điều lệ, phải có tỷ lệ biểu quyết từ 65% trở lên mới thông qua được). Do vậy, hiện nay phía VN rất khó khăn. Chúng tôi dự định sẽ có văn bản kiến nghị gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị ban hành văn bản quy định về việc doanh nghiệp liên doanh giữa doanh nghiệp Nhà nước và nước ngoài bắt buộc phải chia lợi nhuận hằng năm. Vậy xin hỏi như vậy có khả thi, đúng luật không? Hay là có thể kiện ra Tòa án không? Mong quý luật sư tư vấn tỉnh K nên làm gì để được chia lợi nhuận trong tình hình hiện này. Xin trân trọng cám ơn (H. K). 

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Mặc dù thông cảm và chia sẻ những khó khăn của Quý công ty (phía Việt Nam). Tuy nhiên theo tôi, đã là luật thì cần phải tôn trọng. Vì mọi người, trong kinh doanh là các bên góp vốn, đều bình đẳng trước pháp luật.

Trước hết, theo quy định tại Luật doanh nghiệp, khi kinh doanh có lãi, các bên góp vốn được phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn. Việc chia như thế nào, là do các bên góp vốn thống nhất, quyết định theo thỏa thuận. Luật không qui định bắt buộc phải chia lợi nhuận theo từng năm. Chính vì vậy, nếu từ những đặc điểm hay khó khăn của riêng mình, mà nay muốn “xé rào” những quy định pháp luật đang có hiệu lực, thì đó là điều khó có thể chấp nhận. Nếu nhìn rộng ra, thì không những ảnh hưởng đến sự nghiêm minh của pháp luật, mà thậm chí còn ảnh hưởng đến uy tín của phía Việt Nam, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, đến niềm tin của những nhà đầu tư nước ngoài.

Trong một doanh nghiệp liên doanh, nguyên tắc bên có nhiều vốn có quyền “dẫn dắt”, hay thậm chí định đoạt hướng đi của doanh nghiệp là điều hết sức bình thường và bên ít vốn phải chấp nhận. Chấp nhận ngay từ đầu, khi mới thành lập doanh nghiệp. Đó là “luật chơi”. Luật doanh nghiệp quy định rất rõ là trong công ty TNHH, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên tương ứng với tỷ lệ góp vốn của mình. Cũng may đây là liên doanh đang kinh doanh có lãi. Hãy thử hình dung nếu là lỗ, thay vì được chia lợi nhuận, mà ngược lại phải góp thêm vốn, nếu khi đó phía nước ngoài từ chối, thì phía Việt Nam có chấp nhận hay không?

Còn nhớ khi Luật đầu tư nước ngoài mới ban hành những năm 1990, đã có không ít liên doanh mà phía doanh nghiệp Nhà nước, phía Việt Nam phải phải “trắng tay” rút khỏi liên doanh vì bị dồn lỗ trong nhiều năm, không có vốn tiếp tục đầu tư. Đây là cuộc chơi mà thiết nghĩ phía VN đã có nhiều bài học kinh nghiệm xương máu.

Chính vì vậy, tôi cho rằng việc nay UBND tỉnh K gửi văn bản đề nghị Bộ KHĐT “điều chỉnh quy định về chia lợi nhuận trong liên doanh giữa DN Nhà nước và DN nước ngoài, theo hướng phải chia lãi từng năm” là không phù hợp với tinh thần tự do trong kinh doanh và Bộ KHĐT cũng không có thẩm quyền này. Vì chúng ta đều biết sửa luật là thuộc thẩm quyền duy nhất của Quốc Hội.

Hơn nữa, anh hẳn cũng đồng ý rằng công ty liên doanh A thực chất là một doanh nghiệp Việt Nam, dù có nguồn vốn góp từ UBND tỉnh K và phía nước ngoài. Cho nên không thể có định kiến hay tư duy theo kiểu phân biệt hay nhân danh tiêu chí “Nhà nước” như một điều kiện hay “vũ khí”, để đề nghị chỉnh sửa luật. Vì đó là sự thụt lùi về nhận thức kinh doanh.

Nói về tính hợp tình, hợp lý: cần phải đánh giá khách quan việc không chia lợi nhuận có thực sự cần thiết và hợp lý hay không? Nếu giữ lại để đầu tư mở rộng, doanh nghiệp khỏi phải đi vay, trả lãi. Tức là tiền vẫn còn đó, thì cũng là tốt cho doanh nghiệp. Vì giá trị tài sản sẽ tăng lên. Trong khi nếu chia lợi nhuận, thì giá trị tài sản sẽ giảm.

Về mặt pháp luật, trong sự kiện này, nếu phía UBND tỉnh K thuần túy chỉ vì thiếu tiền, muốn lấy tiền ngay, thì vẫn có hướng giải quyết chứ không phải là hết đường. Cụ thể là có thể bán lại phần vốn góp trong liên doanh. Nhưng khi đó coi như chấp nhận chấm dứt cuộc chơi. Liệu phía mình có chấp nhận như vậy không?

Về giải pháp khởi kiện, theo tôi là không khả thi, vì như đã nói ở trên, phía VN không có lý. Do vậy thay vì “đối đầu”, theo tôi có thể tìm kiếm sự thỏa hiệp. Chẳng hạn đưa ra đề nghị chỉ chia lợi nhuận một phần thôi (không chia hết). Hoặc cũng có thể đề nghị điều chỉnh Điều lệ doanh nghiệp, theo hướng quy định cụ thể hơn việc chia lợi nhuận trong tương lai. Chẳng hạn tối đa sau 2 năm phải chia lợi nhuận. Vì đây là vấn đề không chỉ của riêng năm nay, mà còn nhiều năm về sau, khi tỉnh K vẫn còn trong liên doanh.

Vài ý trao đổi cùng anh. Trân trọng. www.ecolaw.vn



Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.   
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Thương mại – Doanh nghiệp”

CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23 Lê Lư, P. Phú Thọ Hoà, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh 
Email: ecolaw1@ecolaw.vn - website: www.ecolaw.vn