Wednesday, September 3, 2014

Công chứng viên Văn phòng công chứng Gia Định lại thêm một lần bị “qua mặt” trong vụ chứng nhận một hợp đồng mua bán nhà có yếu tố lừa đảo


Hoàng Phúc

(Ecolaw.vn) - Công chứng viên đã không phát hiện ra bất thường từ Giấy CMND giả, trong đó “dán” dấu vân tay và ảnh kẻ lừa đảo. Kết quả là đã chứng nhận một giao dịch mua bán nhà có tính chất “lừa đảo”. Hiện các khổ chủ chỉ còn biết khiếu nại, kiện tụng lòng vòng qua lại trong khi kẻ lừa đảo vẫn đang nhởn nhơ.


Chủ nhà giả ký hợp đồng mua bán nhà với người mua nhà thật

Ngày 9-10-2012, có hai bên mua bán nhà xưng danh bên bán là bà Nguyễn Thị Huệ, bên mua là ông Lại Quang Thứ tới Văn phòng công chứng Gia Định đề nghị chứng thực hợp đồng mua bán nhà.

Cụ thể, hai bên mua bán căn nhà số 80/22 Đặng Văn Ngữ, phường 10, quận Phú Nhuận (TP.HCM). Giá mua bán hai bên tự khai là 1,8 tỷ đồng.

Sau khi kiểm tra giấy tờ nhà và giấy tờ tùy thân đầy đủ, công chứng viên đã chứng thực công nhận hợp đồng này.

Một tuần sau ngày 17-10-2012, người bán liên hệ lại Phòng công chứng Gia Định, đề nghị lập văn bản hủy hợp đồng mua bán nhà ký ngày 9-10-2012, đồng thời yêu cầu ký lại hợp đồng mới, với sự điều chỉnh giá bán từ 1,8 tỷ đồng tăng lên thành 3 tỉ đồng.

Lần này, công chứng viên cũng đồng ý, tiến hành thủ tục hủy hợp đồng cũ, sau đó lập hồ sơ ký lại hợp đồng mua bán nhà theo giá mới 3 tỷ đồng.

Theo qui định của pháp luật, từ thời điểm ký hợp đồng, quyền sở hữu nhà đã chuyển dịch qua bên mua. Bên mua có trách nhiệm liên hệ làm thủ tục sang tên cho mình.

Trên thực tế bên mua nhà là ông Lại Quang Thứ đã nhận nhà, vào ở và thậm chí còn chuẩn bị khai trương một thẩm mỹ viện ngay tại căn nhà mình mới vừa mua.

Tuy nhiên, thật bất ngờ, việc mua bán nhà trên đây hóa ra là hậu quả một vụ lừa đảo hết sức tinh vi, với hàng loạt tình tiết bất ngờ. Mà cả bên bán lẫn bên mua hóa ra đều là nạn nhân của những kẻ lừa đảo đang nhởn nhơ ngoài vòng truy tìm của các bên.

Cụ thể, “bà Nguyễn Thị Huệ” – người ký hợp đồng mua bán nhà ở Văn phòng công chứng Gia Định ngày 17-10-2012 là bà Huệ giả. Bên mua ( ông Lai Quang Thứ) khi mua cũng hoàn toàn không hề biết mình đang giao dịch với người chủ nhà giả.

Và tất nhiên, công chứng viên cũng đã bị qua mặt, chứng thực vào một bộ hồ sơ mua bán nhà – nửa giả nửa thật - từ giấy tờ cho đến chủ thể giao dịch.

Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo chỉ được bóc lộ khi bà Huệ khiếu nại lên Phòng công chứng và có kết quả xác minh từ cơ quan công an.

Toàn bộ câu chuyện trên được Báo Pháp luật TP.HCM phản ánh

Công chứng viên bị qua mặt như … trong phim !

Theo qui định của pháp luật, hồ sơ mua bán nhà phải gồm (bản chính):

- Giấy tờ sở hữu nhà : Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

- Chứng minh nhân dân, hộ khẩu của hai bên mua bán.

- Các giấy tờ khác (nếu cần và có): Giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng nhận độc thân …

Khi chứng nhận giao dịch mua bán nhà (hợp đồng mua bán nhà), công chứng viên, với nghiệp vụ chuyên môn của mình, có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định (bản chính) tất cả những giấy tờ trên, kiểm tra tính hợp pháp của giao dịch, năng lực hành vi dân sự của các bên mua bán.

Nói một cách cụ thể hơn, công chứng viên phải nhận biết những chi tiết, dấu hiệu đặc trưng trên các bản chính giấy tờ, để xác định giả - thật. Thậm chí phải dùng kính lúp soi dấu vân tay để đối chiếu khi yêu cầu các bên lăn tay vào tờ hợp đồng gốc.

Chỉ khi nào tất cả đều rõ ràng, đầy đủ, không mảy may nghi ngờ thì mới chứng nhận vào hợp đồng.

Tại buổi sáng ngày 9 -10-2012, sau khi kiểm tra, công chứng viên đã chứng thực, công nhận giao dịch giữa hai bên là hợp pháp.

Thế mà, trong sự việc trên, cuối cùng, theo kết quả xác minh của công an, tới nay mới xác định ra tờ Giấy CMND đứng tên bà Huệ ở phòng công chứng Gia Định thực chất là giấy giả.

Trả lời báo Pháp luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Dung, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an TP.HCM cho biết : Các Giấy CMND mang tên bà Huệ do Văn phòng công chứng Gia Định cung cấp và Giấy CMND của người thuê nhà ( nói ở phần sau) đều không có trong hồ sơ dữ liệu được lưu trữ tại đội cấp CMND của Công an TP.HCM và Công an quận Phú Nhuận. Tức cả hai đều là giấy giả.

Cụ thể, kẻ gian (bà Huệ giả) đã sử dụng những thông tin trên giấy thật của bà Huệ, nhưng “gắn” ảnh và dấu vân tay của mình vào giấy chứng minh giả. Và đã qua mặt được công chứng viên.

Giải thích về lý do vì sao bị “qua mặt” như trên, ông Trần Quốc Phòng, Trưởng Văn phòng công chứng Gia Định cho biết:

“Trong quá trình tiến hành công chứng hợp đồng mua bán nhà nêu trên, các bên tham gia giao dịch đã đồng ý ký tên, lăn tay vào hợp đồng trước sự chứng kiến của công chứng viên (CCV).

CCV đã đối chiếu toàn bộ giấy tờ nhà với CMND bản chính do người bán xuất trình (sau này mới biết không phải là bà Huệ) và kiểm tra dấu vân tay thì thấy trùng khớp. Trước khi phát hành hồ sơ, CCV còn đối chiếu lại lần nữa và không thấy có dấu hiệu bất thường.

Còn sở dĩ có hai hợp đồng là do ngày 17-10, người mua và người bán đề nghị lập văn bản hủy hợp đồng chuyển nhượng 1,8 tỉ đồng, đồng thời yêu cầu ký lại hợp đồng với giá tăng lên 3 tỉ đồng. Nhận thấy yêu cầu này không trái với quy định pháp luật nên văn phòng đã thực hiện đúng quy trình hủy và lập hồ sơ ký lại hợp đồng chuyển nhượng”.

Siêu lừa đảo từ việc lợi dụng gia chủ rao bán, cho thuê nhà

Vì sao bà Nguyễn Thị Huệ giả có được bản chính giấy tờ nhà và Giấy CMND y như thật để có thể lừa đảo bán nhà cho ông Thứ ?

Thì ra trước đó, trong suốt nhiều tháng, căn nhà trên được bà Huệ treo bảng rao bán, cho thuê. Và vẫn chưa có ai mua hay tới thuê. Căn nhà này bà Huệ đang bỏ trống. ( Bà Huệ ở nơi khác).

Một ngày đẹp trời đầu tháng 9-2012 vừa qua, một người đàn ông tìm đến hỏi về việc mua nhà. Sau khi xem xét căn nhà kỹ lưỡng và dành nhiều lời khen ngợi, người đàn ông xin bà Huệ cho xin một bộ hồ sơ nhà (bản phôtô) để đem về trao đổi với vợ trước khi có quyết định cuối cùng.

Một tuần sau, người đàn ông gọi điện báo cho bà Huệ là vợ chồng mình đồng ý mua nhà. Hẹn gặp bà để trao đổi thêm. Sau đó, người đàn ông này đi cùng một phụ nữ tới ( chẳng biết có phải là vợ chồng thật hay không) quay lại xem nhà. Sau đó, họ đưa đẩy nói bà Huệ đưa bản chính giấy tờ nhà để xem lại và đối chiếu với bản photo hôm trước cho chắc ăn.

Nhân lúc bà Huệ đi rót nước mời khách, cặp đôi này đã lập tức đánh tráo bản chính giấy tờ nhà bà Huệ đưa ra bằng một bộ giấy chủ quyền giả. ( Bộ giấy tờ giả này đã được làm rất công phu giống hệt bản chính, nên bà Huệ không hề phát hiện và thực ra cũng không thể nào ngờ được tình huống này).

Vài ngày sau, người đàn ông gọi điện thoại lại, kể lể khó khăn trong việc huy động tiền và báo cho bà biết là họ đổi ý, không mua căn nhà của bà nữa. Dù rất tiếc, mong bà thông cảm.

Hôm sau, có một phụ nữ khác gọi đến hỏi thuê nhà. Sau khi được bà Huệ dẫn đi xem, người phụ nữ này đồng ý thuê với giá 14 triệu đồng/tháng. Bà ta yêu cầu bà Huệ cung cấp hộ khẩu, giấy CMND (bản phôtô) để làm thủ tục thuê nhà. ( Không nói giao giấy tờ nhà).

Sau đó, hai bên ký hợp đồng thuê nhà theo dạng giấy tay, không chứng thực tại Phòng công chứng (theo qui định, hợp đồng thuê nhà phải được chứng thực tại phòng công chứng nếu thời gian thuê trên 6 tháng).

Một tháng sau, khi đến hạn trả tiền thuê nhà, bà Huệ đến thu tiền thì thấy có mấy người lạ hoắc đang ở trong căn nhà mà mình cho thuê. Người phụ nữ thuê nhà thì chẳng thấy đâu.

Hỏi kỹ lại, bà Huệ muốn té xỉu khi biến căn nhà của mình đã được những người đang ở mua lại (ký hợp đồng đàng hoàng – như nói ở trên) với giá 6,2 tỉ đồng. Người mua đang có kế hoạch làm thành một thẩm mỹ viện và chuẩn bị khai trương.

Chưa tin, bà Huệ và người thân “xông vào” khóa cửa, không cho người lạ ra vào nhà. Qua tranh cãi, bấy giờ, khi kiểm tra lại giấy tờ bà, bà Huệ mới biết giấy tờ mà minh đang giữ là giấy giả.

Qua tìm hiểu, cuối cùng bà được biết với bản chính giấy chủ quyền nhà, người nào đó đã làm giả giấy CMND, hộ khẩu, giấy chứng nhận độc thân rồi đóng vai bà đến Văn phòng công chứng Gia Định làm hợp đồng bán nhà cho ông Lại Quang Thứ như nói ở trên.

Giải quyết hậu quả pháp lý: không đơn giản

Hiện nay, do bà Huệ đã có đơn ngăn chặn, nên ông Thứ ( dù là người mua nhà ngay tình) cũng không thể làm thủ tục sang tên qua cho mình để trở thành “nhà chính chủ”.

Theo báo Pháp luật TP.HCM thì hiện bà Huệ đã khởi kiện ra tòa để đòi ông Thứ trả lại nhà.

Báo Pháp luật TP.HCM còn nói bà Huệ cũng cho rằng Văn phòng công chứng Gia Định không xác minh kỹ càng khi công chứng hợp đồng mua bán nhà trên khiến cho gia đình chịu nhiều thiệt thòi. Hiện bà Huệ đang nhờ luật sư tư vấn để xem xét khả năng khởi kiện văn phòng này.

Còn về phía người mua thì sao? Ông Thứ cho biết ông đã đi công chứng để mua nhà theo đúng quy định và đã trả đủ tiền cho người bán. Sau khi ông nhận nhà thì bà Huệ bất ngờ xuất hiện vào chiếm nhà khóa cửa bên trong, còn người bán nhà cho ông thì đi đâu không rõ. Hiện nay, do trong nhà còn nhiều dụng cụ hành nghề thẩm mỹ nên ông phải nhờ người cháu đến trông giữ.

Được biết đây không phải là lần đầu tiên Công chứng viên nói chung và công chứng viên Văn phòng công chứng Gia Định nói riêng bị qua mặt như vậy.

Cách nay vài năm, Văn phòng công chứng Gia Định cũng đã chứng nhận một bản Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Kẻ bán đã sử dụng giấy cớ mất có xác nhận của địa phương để thay CMND và đã lừa được công chứng viên. Sau này vỡ lở mới biết người bán đất hóa đã đã chết từ lâu.

-----------------------------------------------

Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong:

1. Trước hết, có thể khẳng định đây là một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn hết sức tinh vi, có sự tính toán, phân công chặt chẽ, trải qua nhiều công đoạn. Đây là một vụ đồng phạm, với nhiều người tham gia, từ khâu phân công giả đi mua nhà, thuê nhà, cho đến khâu làm giấy tờ giả, rồi ra phòng công chứng qua mặt được cả công chứng viên …

2. Vì có dấu hiệu hình sự rõ ràng, hậu quả gây ra rất lớn ( 6 tỷ đồng, tiền mua bán nhà) nên theo tôi cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án hình sự, tiến hành điều tra, để có thể thể truy bắt, khắc phục hậu quả và trừng trị những kẻ phạm tội hết sức táo tợn và tinh vi như vậy.

3. Xét về mặt dân sự, có thể xác định hợp đồng mua bán nhà nếu đưa ra tranh chấp sẽ bị tuyên là vô hiệu do 2 lý do: chủ thể không đúng ( chủ nhà là người giả mạo) và giấy tờ cũng giả mạo ( giấy CMND). Trong trường hợp này, người đã lỡ mua nhà phải hoàn trả lại giấy tờ nhà và căn nhà cho người chủ đích thực là bà Nguyễn Thị Huệ.

4. Để đòi lại số tiền của mình, về nguyên tắc, ông Lại Quang Thứ phải nắm tóc được người đã lừa đảo mình – chính là kẻ đã “bán” nhà và nhận số tiền tới 6 tỷ đồng của ông. Điều này, rất cần và hầu như phụ thuộc vào sự truy tìm của công an. Chứ bản thân ông sẽ rất khó có cơ hội tự mình tìm ra được những kẻ lừa đảo.

5. Trong vụ án này, một vấn đề rất đáng quan tâm là trách nhiệm liên đới của Văn phòng công chứng Gia Định. Chính việc bị những kẻ bán nhà lừa đảo, qua mặt – trong khi thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình, đã dẫn đến hậu quả là người mua nhà tin tưởng giao một số tiền rất lớn vào tay những kẻ lừa đảo. Như vậy, công chứng viên đã mắc lỗi nghiệp vụ và chắc chắn phải có trách nhiệm bồi thường trong sự việc này. Tuy nhiên, phải bồi thường bao nhiêu – theo tôi, cũng không thể đơn giản và dễ đong đếm. Theo tôi được biết, các Văn phòng công chức đều có mua bảo hiểm rủi ro. Như vậy, cũng có thể là công ty bảo hiểm sẽ đứng ra trả tiền cho lỗi của Công chứng viên.

6. Có thể thấy người chịu rủi ro, tổn thất lớn nhất chính là phía ông Lại Quang Thứ. Ông đã mua nhà hoàn toàn ngay tình, thực hiện đúng thủ tục. Thế mà…

7. Vụ việc quả là một bài học kinh nghiệm rất đáng để mọi người cần phải cảnh giác hơn. Nhưng cũng phải thừa nhận là những kẻ lừa đảo đã quá siêu, thật khó mà thoát khỏi cái “bẫy” của chúng – như trong sự việc này.