Hỏi: Kính xin luật sư ecolaw tư vấn giúp tôi, tôi thật sự rất cần gấp. Do tôi làm ăn thua lỗ, tôi hiện đang mắc nợ khoảng 3 công ty tài chính, tổng số tiền khoảng ba mươi mấy triệu đồng. Đây là tiền trả góp, tôi đã thanh toán được mấy tháng nhưng 2 tháng nay tôi chưa góp được, cả ba người đó đều đòi thưa tôi ra tòa án dân sự. Xin luật sư cho tôi hỏi:
- Nếu ra tòa án, tôi bị xử thua thì tôi sẽ đóng án phí khoảng bao nhiêu?
- Trong trường hợp này có bị xử tù không?
- Nếu lúc nhận giấy triệu tập của tòa án, tôi có tiền để thanh toán hết trước ngày đó, tôi có cần phải ra tòa vào ngày đó không ạ? Xin chân thành cảm ơn luật sư. (Nga Th.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Vụ việc của chị là tương đối nhỏ, cũng không phải là việc gấp. Tuy nhiên, vì chị đã liên tiếp gửi thư hỏi nhiều lần, cho thấy chị có phần lo lắng, nay chúng tôi có vài ý tư vấn như sau.
Trước hết, có nợ thì phải trả và phải trả đúng hạn. Nếu không, chủ nợ sẽ có quyền kiện đòi và đòi thêm tiền lãi (tính từ ngày tới hạn trả nợ cho đến ngày tòa tuyên án). Do vậy, việc vay nợ của chị - nhất là khi có chứng từ rõ ràng, chính chị cũng đã thừa nhận thì chắc chắn chị sẽ thua kiện. Tòa án sẽ tuyên chị phải trả nợ cho các chủ nợ (nguyên đơn). Khi đó, ngoài việc trả nợ, chị sẽ chịu mức án phí khoảng 5% số tiền nợ. ( Xem thêm phần án phí trong mục Cẩm nang pháp luật Ecolaw). Ví dụ: 30 triệu đồng, thì chị sẽ phải đóng án phí là 1,5 triệu đồng.
Trường hợp của chị không thể “bị xử tù”, vì người bị phạt tù là người có hành vi phạm tội (như lừa đảo chiếm đoạt tài sản chẳng hạn). Tức là phải có dấu hiệu gian dối, phải chiếm đoạt được tài sản của người khác và đặc biệt là phải do Cơ quan Nhà nước điều tra, đưa ra xét xử (vụ án hình sự). Trường hợp của chị là quan hệ dân sự thuần túy, chị không gian dối gì, có giấy vay nợ rõ ràng và lỗi của chị chỉ là không trả tiền đúng hạn. Đó không phải là hành vi tội phạm mà là hành vi "vi phạm hợp đồng".
Tuy nhiên, nếu chị “bỏ trốn” đi nơi khác thì vấn đề có thể bị “méo mó”. Chị có thể bị làm khó hoặc bị điều tra theo hướng có dấu hiệu về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của người khác”. Do vậy, chị tuyệt đối không nên bỏ trốn, nếu đi đâu thì cũng cần thông báo với phía chủ nợ rõ ràng. (Xem thêm điều luật dưới bài viết này, phần tô đỏ).
Theo qui định, khi có Giấy triệu tập của Tòa án thì đương sự (người được triệu tập) nên có mặt để bày tỏ sự tôn trọng pháp luật và sự ngay thẳng của mình. Thông thường, khi chị trả xong nợ thì phía nguyên đơn sẽ rút đơn, không kiện nữa. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà tại thời điểm tòa mời chị đã trả xong tiền thì chị vẫn nên đến tòa, và giao nộp cho tòa giấy tờ về việc trả nợ. Khi đó tòa sẽ hiểu và sẽ làm việc với phía các nguyên đơn, để sau đó ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Thân mến và chúc chị mọi điều tốt đẹp. www.ecolaw.vn
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ
ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu
quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên
website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi
người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân
sự, tranh chấp dân sự”
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843
Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn
|