Hỏi: Anh trai tôi làm việc tại phòng kinh doanh của công ty B (là liên doanh giữa Việt Nam với Hàn Quốc) theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ năm 2010. Năm 2013 theo thỏa thuận với công ty B, anh tôi chuyển vào chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh, công việc là tiếp thị và bán sản phẩm của công ty. Mức lương là 400 USD/tháng, chưa kể tiền thưởng theo doanh số.
Năm 2014, giữa anh và công ty B có ký một thỏa thuận đào tạo, theo đó anh được cử đi đào tạo tại Nhật Bản trong vòng 1 năm (từ ngày 1/1/2014 đến 3/12/2014). Toàn bộ chi phí do công ty đài thọ với tổng số tiền là 20.000 USD. Sau khi kết thúc khóa học anh trở lại làm việc ngay cho công ty, trừ trường hợp bất khả kháng. Thời gian làm việc tối thiểu là 3 năm tính từ ngày bắt đầu làm việc, nếu không làm việc hoặc không làm đủ như thỏa thuận thì anh phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo.
Ngày 1/2/2005, sau khi trở về nước, anh tôi đã có mặt tại chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và đề nghị tiếp nhận công việc mới. Anh giải thích vì phải ở lại để thanh lý hợp đồng thuê nhà và trả tiền điện nên về nước chậm so với dự kiến. Người phụ trách chi nhánh giao cho anh một văn bản với nội dung điều động anh ra làm việc tại Hà Nội.
Anh tôi không đồng ý và gửi văn bản cho lãnh đạo công ty nói rằng công ty cần tôn trọng các thỏa thuận trong hợp đồng và việc di chuyển chỉ có thể thực hiện nếu anh và công ty thỏa thuận nhất trí với nhau. Mặc dù vậy, sau 7 ngày suy nghĩ, anh tôi đã có mặt tại Hà Nội. Nhưng khi nhận việc anh đã bị công ty tạm đình chỉ công việc. Đến ngày 10/3/2015, công ty ra quyết định kỷ luật anh tôi với hình thức sa thải.
Hỏi:
- Việc anh đi học có ảnh hưởng gì tới quan hệ pháp luật hợp đồng lao động giữa anh tôi và công ty không? Tại sao?
- Anh tôi có vi phạm hợp đồng đào tạo không? Có phải bồi thường chi phí đào tạo không? Tại sao?
- Việc anh tôi cho rằng công ty không có quyền điều động anh ra Hà Nội có đúng không? Tại sao?
- Nếu anh tôi không đồng ý với quyết định của công ty thì anh tôi có thể sử dụng cơ chế nào để giải quyết tranh chấp?
Hiện tại anh trai cũng như gia đình tôi rất lo lắng không biết phải giải quyết như thế nào, mong luật sư có thể giải đáp giúp tôi trong thời gian sớm nhất. Xin chân thành cám ơn (Vu Qu.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Trước hết, mặc dù không thấy quyết định sa thải, nhưng tôi cho rằng việc công ty sa thải anh bạn nhiều khả năng là sai luật. Ít nhất là về hình thức, vì công ty đã không tiến hành phiên họp xử lý kỷ luật lao động. Về lý do: thông thường việc sa thải chỉ áp dụng do người lao động có những hành vi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng (như trộm cắp, tiết lộ bí mật kinh doanh … ) hoặc là do “tự ý nghỉ việc quá 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng”.
Cũng có thể anh bạn đã bị sa thải vì lý do này. Tuy nhiên, do thủ tục không đúng, nên nếu có tranh chấp (anh bạn khởi kiện) thì tòa án sẽ tuyên công ty phải nhận anh bạn vào làm việc trở lại, hoặc công ty sẽ phải (tự biết) tiến hành làm xử lý kỷ luật lại cho đúng thủ tục.
Về các câu hỏi cụ thể của bạn, tôi trả lời lần lượt như sau:
Thứ nhất, việc anh bạn được công ty cử đi học và hỗ trợ toàn bộ chi phí đang trong thời gian giữa hai bên đang tồn tại một quan hệ lao động (có hợp đồng lao động). Do vậy, có thể xem thỏa thuận về việc đi học là một Phụ lục của hợp đồng lao động. Hay nói cách khác, hai vấn đề này rõ ràng có liên quan đến nhau và ảnh hưởng đến nhau. Vì khi đang đi học, về mặt pháp lý, anh bạn vẫn đang là “người lao động” của công ty chứ không phải là “người tự do”.
Thứ hai, nếu anh bạn đồng ý tiếp tục làm việc tại công ty như đã thỏa thuận trước khi đi học thì không vi phạm thỏa thuận và cũng không vi phạm hợp đồng lao động.
Thứ ba, về nguyên tắc, người sử dụng lao động có quyền điều động, phân công công việc đối với người lao động – trên cơ sở phù hợp với khả năng chuyên môn, phù hợp với mô hình tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, hai bên còn phải đạt được sự thỏa thuận về vấn đề này. (Nếu không thỏa thuận được thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể của anh bạn, do hai bên còn có một bản Phụ lục về việc đào tạo, nên cần phải xem xét và đáp ứng những nội dung và thỏa thuận trong đó nữa). Điều đáng lưu ý ở đây là việc điều động phải do người sử dụng lao động quyết định và trong phạm vi doanh nghiệp. Do vậy, nếu “người phụ trách Chi nhánh” tại TP. HCM lại điều động anh về trụ sở chính ở Hà Nội – tức là ra ngoài phạm vi Chi nhánh là không đúng. Trong trường hợp này phải là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Về việc bồi thường chi phí đào tạo, về nguyên tắc nếu anh bạn vi phạm thỏa thuận trong Phụ lục hợp đồng, không đồng ý tiếp tục làm việc cho công ty thì có trách nhiệm phải bồi thường. Tuy nhiên trong bối cảnh lúc này đây là vấn đề còn bỏ ngỏ, phụ thuộc vào ý định của công ty. Về nguyên tắc công ty có quyền đòi.
Câu hỏi cuối, tôi chưa hiểu rõ anh bạn “không đồng ý với quyết định của công ty” ở đây là muốn nói đến quyết định nào: quyết định điều động hay quyết định sa thải. Tuy nhiên trên thực tế công ty đã ra quyết định sa thải, thì lúc này anh bạn cũng chỉ có thể “chống” lại quyết định này mà thôi. Theo đó, anh bạn có quyền nộp đơn khởi kiện ra Tòa án lao động (cấp quận, nơi trụ sở/chi nhánh công ty) để khởi kiện về việc bị sa thải trái pháp luật.
Tuy nhiên và do không có đủ thông tin, nên những ý kiến của tôi ở trên chỉ mang tính tham khảo. Xét thấy vụ việc này cũng khá phức tạp, nên tôi khuyên anh bạn nên tìm tới luật sư, để được xem xét, đánh giá và tư vấn một cách hiệu quả, sát thực hơn. Và tốt nhất là hai bên có thể tìm được tiếng nói chung, hòa giải được là tốt nhất. Thân mến
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ
ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu
quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên
website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi
người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Lao
động”
|
CÔNG TY LUẬT ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
23
Lê Lư, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn
|