Monday, September 15, 2014

Mua đất bằng giấy tay: rủi ro cao


Hỏi: Chào Quý công ty. Xin cho tôi hỏi: Năm 2007 tôi có mua một mảnh đất tại Vĩnh Hưng - Hoàng Mai - Hà Nội. Khi mua tôi chỉ mua bán với họ bằng giấy viết tay có chữ ký của hai vợ chồng người bán và chữ ký của đại diện tổ dân phố - đồng thời là em trai của người bán nhà cho tôi. Mảnh đất rộng 43.5m2 đã có giấy đo đạc của công ty đo đạc Hà Nội.

Đây là mảnh đất thuộc một lô đất lớn đã có Sổ đỏ mang tên của Bố người bán và tên của người bán. Đã hơn 3 năm nay tôi nói họ làm sổ đỏ chia tách cho tôi. Nhưng họ tìm mọi cách không làm thủ tục để chia tách và gây khó khăn. Bây giờ nếu tôi muốn làm sổ đỏ thì phải làm thủ tục như thế nào? (trong khi người bán không chịu giúp đỡ làm các thủ tục và còn gây khó khăn). Nếu xảy ra tranh chấp thì chúng tôi người mua sẽ ra sao?


Mong nhận được sự tư vấn của VP Luật sư Ecolaw đưa ra phương án tốt nhất để giải quyết. Xin chân thành cảm ơn! (Mai H.)

Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:

Chào anh, tôi thực sự nghĩ rằng chắc chắn anh (và phần đông mọi người) đều biết rõ khi mua (chuyển nhượng) đất thì phải qua thủ tục hợp pháp: Hợp đồng có công chứng và sau đó làm thủ tục cấp Giấy CNQSDĐ (sổ đỏ) qua người mua.

Ở đây, có thể vì lý do chủ quan, đơn giản hoặc có thể dù hiểu rõ đó là đất nông nghiệp gì đó, không đủ điều kiện chuyển nhượng - nhưng vì “tầm nhìn xa” …vv - mà anh vẫn đã mạnh tay mua một miếng đất trong tình trạng giấy tờ pháp lý không/chưa rõ ràng ( có 2 người “chủ” nhưng lại mua bán với 1 người, đất rộng nhưng lại tự ý “phân lô” thành đất nhỏ …vv), thủ tục lại không đúng (giấy tay). Chính vì vậy, chắc chắn rủi ro là rất cao.

Bây giờ, nếu có tranh chấp, phải đưa ra Tòa án giải quyết, thì giao dịch mua bán của anh (giấy tay) chắc chắn sẽ bị Tòa tuyên vô hiệu, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Anh nhận lại tiền, bên bán nhận lại đất …vv.

Tôi cũng có đôi chút thắc mắc là anh có ghi câu “bán nhà” : vậy anh mua đất hay mua nhà? Nếu anh mua nhà, trên đất có nhà thật sự và anh đã sử dụng thì có thể cơ hội dành cho anh tốt hơn một chút. Vì khi đó sẽ là tranh chấp “tài sản” – sẽ xét tới vấn đề thời hiệu. Anh có thể “tương kế tựu kế”, vận dụng điều kiện thực tế để làm giấy tờ nhà. ( Chi tiết như thế nào tốt nhất anh nên tìm đến một VP luật sư ở Hà Nội để tham vấn và nhờ hỗ trợ).

Vì anh có hỏi tôi “phương án tốt nhất”, nên tôi nghĩ phương án tốt nhất là không nên tạo ra tranh chấp. Lúc này, anh cần sớm xác định chủ quyền của mình trên mảnh đất đã mua bằng các hành vi cụ thể như: trồng cây, xây bờ rào, xây nhà nhỏ, đào giếng …vv chẳng hạn. Đây là những cơ sở và bằng chứng thực tế để chứng minh đất không có tranh chấp, anh đã sử dụng thực tế - có lợi cho anh về sau. Kiểu như Trung Quốc đang từng bước “lấn tới” ở biển Đông ấy.

Nói tóm lại lời khuyên của tôi là : việc của anh tuy đơn giản, nhưng anh vẫn nên tìm tới một luật sư để bàn bạc, trao đổi cụ thể hơn về hướng giải quyết. Chúc anh mọi việc tốt đẹp. www.ecolaw.vn


Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi người.  
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân sự, tranh chấp dân sự”

CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI

843 Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email: ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn