Hỏi: Kính gửi Luật sư. Tôi có người dì ruột hiện cư ngụ tại Thành phố Phan Thiết, có con chạy xe ôm và bị giết năm 2008 do có mâu thuẫn giữa những người chạy xe ôm, Tòa đã tuyên án vào năm 2009 đối với 3 người phạm tội là 20 năm, 17 năm và 10 năm tù giam và bồi thường thiệt hại cho gia đình Dì tôi là 150 triệu (trong đó bao gồm tất cả các khoản tổn thất tinh thần, nuôi con gái của nạn nhân đến 18 tuổi - hiện nay cháu chỉ mới 5 tuổi) vì gia đình Dì khó khăn và con của nạn nhân còn rất nhỏ, nạn nhân là lao động chính trong gia đình.
Người phụ trách thi hành án có gợi ý và hứa hẹn với Dì tôi và đòi hỏi những khoảng quà cáp (tiền: 2,5 triệu; khô mực, thịt cá...) Dì tôi phải chạy lo những khoảng quà đó, nhưng đến nay Dì tôi vẫn chưa được hưởng khoảng bồi thường nào.
Xin Luật sư cho tôi hỏi các vấn đề sau:
1/ Có thể làm đơn kiện ông được giao nhiệm vụ Thi hành án này không? Và nếu kiện thì sẽ gửi đi đến đâu? thủ tục như thế nào?
2/ Trong trường hợp 1 trong 3 người gây án có tài sản thì phần bồi thường mà Tòa đã tuyên có thể được nhận là bao nhiêu? Thủ tục để đòi bồi thường như thế nào? Nhưng làm sao để biết được những người tội phạm này có tài sản hay không, vì họ báo với thi hành án là không có tài sản
Rất mong sớm nhận được phản hồi của Luật sư. Xin chân thành cảm ơn. (Tr.)
Luật sư Trần Hồng Phong trả lời:
Vụ án mà bạn nêu là vụ án hình sự. Còn phần “bồi thường thiệt hại” là phần “dân sự” trong vụ án hình sự. Hiện nay, vụ án đã chuyển qua giai đoạn thi hành án. Phần “hình sự” có lẽ đã và đang thi hành ( các bị cáo đã vào tù), còn phần “dân sự” thì chuyển qua Cơ quan thi hành án dân sự để thi hành.
Ở Việt Nam, nói chung là ngành tư pháp ( Tòa án, Viện kiểm sát, thi hành ) – theo quan điểm và nhận xét của tôi, đều yếu kém toàn diện, gây bất bình, thiếu niềm tin trong xã hội. Trong công tác thi hành án, việc bản án không được thi hành đồng nghĩa với việc công lý không được thực thi, bất công xã hội vẫn còn đó.
Qua thông tin của bạn, có thể thấy “ông” cán bộ thi hành án là một người “biến chất”, có hành vi tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà người dân ( tuy nhiên có lẽ chưa đến mức phạm tội “nhận hối lộ” – qui định tại Bộ luật hình sự). Về nguyên tắc, gia đình bạn hoàn toàn có quyền và có thể làm đơn khiếu nại hay tố cáo ông cán bộ này. ( Việc này cũng xem như góp phần “điều chỉnh” lại tư cách cho ông cán bộ này đàng hoàng hơn – nếu ông ta có lòng tự trọng). Theo đó, gia đình có thể gửi Đơn lên Trưởng cơ quan thi hành án nơi ông ta công tác và Trưởng cơ quan thi hành án tỉnh Bình Thuận – “kể tội” về những hành vi tiêu cực của ông ta, qua đó đề nghị có biện pháp xử lý. Tuy nhiên một khi đã tố cáo thì phải có chứng cứ rõ ràng (hình ảnh, giấy tờ, đoạn băng ghi âm …vv), chứ nếu không có thể bị ông ta “quật ngược” trở lại về tội “vu khống” thì mệt lắm đó.
Tuy nhiên xét về mặt quyền lợi thì dù có tố cáo cán bộ thi hành án như nói trên thì cũng chưa giải quyết được vấn đề cơ bản là phần “bồi thường thiệt hại” như trong bản án đã tuyên.
Theo qui định tại Luật thi hành án dân sự, khi bên phải thi hành án ( ở đây là những kẻ gây án, đang ngồi tù) không tự nguyện thi hành án thì bên được thi hành án (ở đây là gia đình người Dì) có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án hỗ trợ bằng cách tịch thu hay phát mãi (bán đấu giá) tài sản của người phải thi hành án để giao cho bên được thi hành án.
Về nguyên tắc, bên được thi hành án phải có nghĩa vụ tự mình xác minh, cung cấp thông tin về tài sản của “bên phải thi hành án”. Tuy nhiên nếu không tự mình xác minh, cung cấp được thì có quyền làm đơn đề nghị cơ quan thi hành án hỗ trợ xác minh (chi phí xác minh (nếu có) – có thể theo thỏa thuận). Ngược lại, khi có Đơn đề nghị hỗ trợ xác minh thì cơ quan thi hành án ( chấp hành viên) có trách nhiệm đi xác minh và phải trả lời bằng văn bản về kết quả xác minh của mình. Ở đây, tất cả đều chỉ là “nói miệng” là không đúng luật, thực hư chưa rõ ràng.
Theo ý tôi, lúc này gia đình chị nên có Đơn đề nghị cơ quan thi hành án xác minh nhà cửa, đất đai, xe cộ …vv của phía gia đình người phải thi hành án. Nếu họ là những người lớn tuổi (cha, chồng trong gia đình) – thì khả năng có có tài sản là cao. Còn nếu họ là thanh niên trai trẻ thì khả năng họ có tài sản là thấp.
Về việc 3 người phải thi hành án ( bồi thường thiệt hại), mỗi người là bao nhiêu thì phải theo nội dung của bản án đã tuyên. Nếu trong bản án không nói rõ thì có thể xem như mỗi người đều có trách nhiệm ngang bằng nhau.
Ý cuối cùng mà tôi muốn nói là theo qui định, nếu người phải thi hành án thực sự không có tài sản để thi hành án thì xem như đành phải … chào thua ! Lúc này, cơ quan thi hành án sẽ ra “Quyết định đình chỉ thi hành án”, tạm ngưng việc thi hành bản án này (phần dân sự) cho đến khi có “chuyển biến” mới – tức là khi người phải thi hành án có tài sản. Qua đó, có thể thấy nếu như gia đình gặp trường hợp như thế này thì đúng là đen đủi, xui xẻo hết cỡ. Xem như đành chấp nhận và chờ.
Chúc gia đình bạn gặp nhiều thuận lợi và sớm được thi hành án. www.ecolaw.vn
-----------------------------------------------
Qui định của pháp luật:
Nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên
1. Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền.
2. Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên.
3. Triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án.
4. Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án.
5. Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án; thu giữ tài sản thi hành án.
6. Yêu cầu cơ quan Công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật.
7. Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.
8. Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền, tài sản đã chi trả cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, thu phí thi hành án và các khoản phải nộp khác.
9. Được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định của Chính phủ.
10. Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.
Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành án và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín.
Những việc Chấp hành viên không được làm
1. Những việc mà pháp luật quy định công chức không được làm.
2. Tư vấn cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc thi hành án trái pháp luật.
3. Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc thi hành án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm thi hành án.
4. Sử dụng trái phép vật chứng, tiền, tài sản thi hành án.
5. Thực hiện việc thi hành án liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người sau đây:
a) Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi;
b) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Chấp hành viên, của vợ hoặc chồng của Chấp hành viên;
c) Cháu ruột mà Chấp hành viên là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
6. Sử dụng thẻ Chấp hành viên, trang phục, phù hiệu thi hành án, công cụ hỗ trợ để làm những việc không thuộc nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
7. Sách nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi hành án.
8. Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật.
(Điều 20 và 21 Luật thi hành án dân sự)
Chuyên mục Luật sư tư vấn Ecolaw do các luật sư
của công ty luật hợp danh Ecolaw thực hiện. Quí vị hãy gửi câu hỏi theo địa
chỉ ecolaw2@gmail.com để được giải
đáp hoàn toàn miễn phí – trừ trường hợp câu hỏi quá phức tạp hoặc không rõ
ràng. Thông tin càng chi tiết, cụ thể - nội dung tư vấn càng chính xác, hiệu
quả. Phần lớn các câu hỏi – đáp (được mã hóa để bảo mật) sẽ được đăng trên
website này nhằm mục đích phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông cho mọi
người.
Quí vị có thể click vào menu “Luật sư tư vấn” để tìm đọc thêm các
vấn đề mà mình quan tâm.
Lưu
ý: bài viết trên thuộc lĩnh vực “Dân
sự, tranh chấp dân sự”
|
CÔNG TY LUẬT HỢP DANH ECOLAW – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CỦA MỌI NGƯỜI
843
Lê Hồng Phong, P.12, Quận 10, TP. Hồ Chí Minh
Email:
ecolaw1@gmail.com - website: www.ecolaw.vn
|